Cho đến nay, các phường- xã của TP Vĩnh Long đã hoàn thành công tác xét, bình nghị hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn mới; còn BCĐ giảm nghèo của thành phố đang tiến hành kiểm tra kết quả của các địa phương, cho nên chưa có đánh giá chung.
Cho đến nay, các phường- xã của TP Vĩnh Long đã hoàn thành công tác xét, bình nghị hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn mới; còn BCĐ giảm nghèo của thành phố đang tiến hành kiểm tra kết quả của các địa phương, cho nên chưa có đánh giá chung.
Tuy nhiên, qua bước đầu áp chuẩn hộ nghèo đa chiều, đã cho thấy có những ưu điểm, tính khoa học và cũng bộc lộ một số bất cập, gây khó cho địa phương trong việc xét chọn hộ nghèo.
Gia đình bà Nguyễn Thị Thu Hương đã thoát nghèo vươn bền vững. |
Phương pháp tính thu nhập đã lỗi thời
Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đưa ra tiêu chí đo lường hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016- 2020 là hợp lý; bởi tốc độ phát triển kinh tế- xã hội, cùng với quá trình tái cơ cấu kinh tế và đô thị hóa, làm cho phương pháp đo lường nghèo bằng thu nhập đã không còn phù hợp, chính xác nữa.
Chuẩn nghèo đa chiều đánh giá thu nhập và mức tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản giúp cho công tác rà soát, đánh giá hộ nghèo sát với tình hình thực tế hơn. Đó là ý kiến chung của các đoàn khảo sát của các địa phương.
Với tiêu chí về thu nhập, quy định chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn là 700.000 đ/người/tháng; ở khu vực thành thị 900.000 đ/người/tháng. Quy định chuẩn cận nghèo ở khu vực nông thôn là 1 triệu đồng/người/tháng; ở khu vực thành thị 1,3 triệu đồng/người/tháng.
Về tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, bao gồm 5 dịch vụ: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin.
Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản gồm 10 chỉ số là tiếp cận các dịch vụ y tế; BHYT; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.
Hộ nghèo khu vực thành thị là hộ thuộc 1 trong 2 tiêu chí sau: có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000đ trở xuống; có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000đ đến 1,3 triệu đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Theo ông Nguyễn Ngọc Ẩn- Phó Chủ tịch UBND Phường 3, cách đánh giá này thể hiện tính khoa học, tiệm cận trình độ phát triển xã hội hiện nay. Tuy nhiên, đi vào thực tế thì vẫn phát sinh một số bất cập, mà chúng ta cần phải khắc phục mới phát huy hết ưu điểm của chuẩn hộ nghèo đa chiều.
Chuẩn mới hay cũ cũng phải quyết giảm nghèo
Là địa phường có số hộ nghèo cao, tuy nhiên, trong nhiều năm qua, Phường 5 luôn làm tốt công tác giảm nghèo, hoàn thành và vượt các chỉ tiêu được giao.
Đầu nhiệm kỳ 2010- 2015, hộ nghèo của phường lên đến 176 hộ, nhưng cuối nhiệm kỳ chỉ còn 68 hộ. Vừa qua, xét hộ nghèo theo chuẩn mới của phường đã tăng lên 147 hộ; chỉ tiêu thành phố giao Phường 5 trong 2 năm giảm 32 hộ nghèo.
Đây cũng là chỉ tiêu cao. Riêng hộ nghèo vĩnh viễn của phường hiện có trên 40 hộ. Giải thích lý do hộ nghèo cao, Phó Chủ tịch UBND Phường 5 Hồ Ngọc Dung cho rằng: Do nhiều năm trước đây, các lò gạch, gốm trên địa bàn phát triển mạnh, đã tạo nhiều việc làm.
Mấy năm gần đây, lực lượng này trở nên thất nghiệp. Bên cạnh đó, đất nông nghiệp của phường đã bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa, cũng như phát triển các cụm tuyến công nghiệp, tạo nên áp lực việc làm, thu nhập truyền thống nhiều người dân suy giảm mạnh. Tuy nhiên, Phường 5 luôn đảm bảo, thực hiện tốt công tác giảm nghèo trong nhiều năm qua.
Điển hình, hộ của bà Nguyễn Thị Thu Hương (56 tuổi) ở Khóm 2, từ gia đình rất nghèo của phường giờ đây đã có được căn nhà khang trang, với quán nước vừa bán lẻ, bán sỉ thu nhập khá ổn định.
Bà Hương bộc bạch chân tình: “Thiệt tình gia đình tôi nghèo và khó khăn dữ lắm. Nhà không có mà ở, chỉ có cái chòi nhỏ che chắn tạm bợ, hồi đó không nghĩ được làm thế nào để thoát được cảnh khổ. Vậy mà giờ đây có được căn nhà khang trang, tiện nghi tương đối đầy đủ, thu nhập đồng vô, đồng ra thường xuyên, không còn lo thiếu hụt nữa”.
Bà Hương cho rằng đó là nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, hỗ trợ xây nhà tình thương hồi năm 2003, rồi mới đây năm 2014 lại tiếp tục được hỗ trợ 20 triệu, cộng với số tiền dành dụm mới có được chỗ ở đàng hoàng, buôn bán như ngày nay.
Một hộ nghèo mới của Phường 3. |
Tuy nhiên, theo bà Hồ Ngọc Dung, khi áp chuẩn hộ nghèo mới bước đầu đã bộc lộ một số bất cập, nên khi công bố danh sách hộ nghèo có một số bà con phản ánh “sao gia đình tui khó khăn mà không được xét chọn?”
Thí dụ như hộ ông Nguyễn Văn Ảnh (Khóm 3), do mấy năm trước được đền bù giải tỏa để xây cầu Thiềng Đức, gia đình đã xây một căn nhà tường, mua sắm một số vật dụng gia đình, cho nên khi khảo sát thì không lọt vào các tiêu chí tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản. Nhưng trên thực tế, vợ chồng ông Ảnh đều hết tuổi lao động, phải nuôi 2 người con bệnh tâm thần, thực sự cuộc sống rất khó khăn.
Ngoài những khó khăn chung trong việc đánh giá các tiêu chí, thì xã Trường An lại vướng những khó khăn do đặc thù riêng của địa phương mình.
Anh Huỳnh Hữu Lộc- cán bộ văn hóa xã hội của xã- cho biết: Do khu dân cư vượt lũ của xã Trường An tập trung nhiều hộ dân cư mới từ các nơi như: Phường 3, Phường 8, Phường 9, xã Tân Hòa..., nên khi khảo sát dù có kết hợp với cán bộ ấp, nhưng cũng không nắm chắc tình hình kinh tế của các hộ dân cư mới, bởi trong số đó có nhiều hộ vẫn còn nhà ở nơi khác.
Trong số 58 hộ nghèo chuẩn mới, Phường 3 không vướng những khó khăn trong việc xét chọn; nhưng ông Nguyễn Ngọc Ẩn có góp ý rằng: “Nếu các tiêu chí lọt vào hộ nghèo nhưng thực tế bà con đánh giá là có thu nhập cao thì không nên đưa vào diện nghèo. Cần phát huy ý kiến bình nghị của người dân khu phố”.
Dù có một số bất cập trong quá trình khảo sát, bình chọn, nhưng về công tác giảm nghèo của các địa phương có nhiều tín hiệu khả quan.
Nhất là khi Thủ tướng Chính phủ quyết định các chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay chỉ còn tập trung 2 chương trình là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo. Do đó, đối với TP Vĩnh Long trong thời gian tới công tác giảm nghèo sẽ tập trung nhân lực, nguồn lực hơn, đạt hiệu quả cao hơn.
Bà Hồ Ngọc Dung- Phó Chủ tịch UBND Phường 5 cho biết, khi áp chuẩn hộ nghèo mới, bước đầu đã bộc lộ một số bất cập. Thí dụ như hộ ông Nguyễn Văn Ảnh (Khóm 3), do mấy năm trước được đền bù giải tỏa để xây cầu Thiềng Đức, gia đình đã xây một căn nhà tường, mua sắm một số vật dụng gia đình, nên khi khảo sát thì không lọt vào các tiêu chí tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản. Song trên thực tế, vợ chồng ông Ảnh đều hết tuổi lao động, phải nuôi 2 người con bệnh tâm thần, thực sự đời sống rất khó khăn. |
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin