"Sống trên đời sống cần có một tấm lòng"

08:03, 08/03/2016

Một ngày ở Trung tâm Công tác xã hội (xã Hòa Phú- Long Hồ), đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc khó tả.

Một ngày ở Trung tâm Công tác xã hội (xã Hòa Phú- Long Hồ), đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc khó tả.

Trung tâm như một mái nhà luôn rộng cửa đón nhận mọi cảnh đời bất hạnh, từ một em bé sơ sinh lạc loài cho đến những cụ già bệnh tật neo đơn, những người tâm thần lang thang ngoài xã hội, một người mẹ đem cả đàn con vào gửi trước lúc ra đi...

Ở đó, có những con người chỉ biết cho đi mà không mong nhận lại bao giờ.

“Má Nhung” (phải), chăm sóc 8 bé sơ sinh.
“Má Nhung” (phải), chăm sóc 8 bé sơ sinh.

Cúi xuống để thấy đời yêu thương

Ông Trần Ngọc Chi- Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long) cho biết: Không tính trung tâm ở Bình Minh, riêng ở đây có 179 người, gồm các đối tượng: trẻ sơ sinh, trẻ mồ côi, lớn tuổi, người già neo đơn, bệnh tật, người tâm thần lang thang ngoài xã hội.

Do đặc thù công việc nên trong số 59 cán bộ, nhân viên của trung tâm, thì có đến 41 người là nữ. Nếu đúng theo quy định thì thiếu khoảng 30 biên chế. Do lực lượng mỏng như thế này nên phải luôn “căng kéo”, choàng giúp qua lại. Nhất là khi giao mùa, dịch bệnh thì bất kể cán bộ hành chính, bảo vệ cũng phải xúm vào phụ giúp các cô chăm sóc người bệnh.

Còn công việc của các cô là “trực chiến” 24/24, đó là khi mọi chuyện đều... suôn sẻ. Còn nếu một cháu bé, một cụ già nhập viện là phải một cô theo chăm sóc, đặc biệt chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng trên TP Hồ Chí Minh, phải cần đến 2 cô.

Mà dịch bệnh thì đâu chỉ... lai rai 1- 2 người. Tôi cảm nhận được rằng, mỗi người làm việc ở đây phải “sống” (không phải “đóng”) hai vai, vừa là người mẹ của các con mình ở gia đình, vừa là “má” của các cháu bé ở ngôi nhà chung này.

Cho nên, các cháu đều gọi các chị, các cô là “má”, tiếng gọi “má” của các cháu thể hiện tình cảm tự nhiên, trìu mến, cũng có thể là tiếng gọi nhói lòng của sự khát khao tình mẫu tử. Có thể xem đây là món quà lớn nhất, sự “níu giữ” lớn nhất, để những người phụ nữ của trung tâm sẵn sàng lao vào với những công việc “trần thân”, thầm lặng bất kể ngày đêm.

Mỗi ca trực của các cô ròng rã 24 tiếng, từ 7 giờ sáng này cho đến 7 giờ sáng hôm sau, suốt đêm phải luân phiên thức canh các cháu. Đối với trẻ sơ sinh thì 1 cô chăm sóc chính phụ trách 8 cháu, sẽ được 1 cô phụ giúp trong giờ hành chính.

Mỗi sáng sớm trước khi thay ca, các cô phải vào sổ sách theo dõi các cháu ngủ, uống sữa tốt không, có cháu nào bệnh uống thuốc theo toa bác sĩ, để bàn giao cho cô mới tiếp nhận.

Vào ca trực, các cô cho cháu uống sữa, sau đó thay ga, nệm, lau mông các cháu bằng nước khử trùng, vệ sinh, tắm rửa và phơi nắng; sau đó là lau chùi vệ sinh phòng.

Vừa ngơi tay là đến 9 giờ 30 lại đến giờ cho các cháu bú giặm. Mà đâu phải cháu nào cũng ăn, ngủ tốt, khi có tiếng khóc ré lên là các cô phải bật dậy chăm sóc, dỗ dành. Nhiều cô có con bệnh ở nhà, cũng phải gửi ông bà chăm sóc; trường hợp con bệnh nặng thì cũng chỉ được nghỉ phép 3 ngày là vào việc.

Không chỉ là sự nhọc nhằn, mệt mỏi, mà còn là tình cảm, trách nhiệm của người mẹ, người vợ làm sao quán xuyến chu toàn việc nhà cửa, vừa phải hoàn thành tốt công việc của cái gia đình thứ hai này. Vì vậy, nếu không có sự tận tâm, không có tấm lòng, nhiệt huyết thì “gánh” việc 2- 3 ngày là... đành bỏ chạy.

Lúc đổi ca, các cháu quyến luyến, mếu máo gọi “má”.
Lúc đổi ca, các cháu quyến luyến, mếu máo gọi “má”.

“Má Yến”

Tất cả các cô, các chị ở đây đều được mấy cháu gọi bằng “má”, nhưng riêng chị Trương Thị Ngọc Yến- Trưởng Phòng Quản lý chăm sóc thì không chỉ các cháu, mà cả lãnh đạo, nhân viên đều gọi chị là “má Yến”, người chỉ huy lực lượng 41 nhân viên nữ của trung tâm này.

“Sau khi Trung tâm thành lập được khoảng 3 năm, chị đã có mặt và gắn bó đến giờ đã hơn 15 năm rồi, công việc quản lý bất kể giờ giấc ngày đêm, nên trung tâm này như là cái nhà của “má Yến” vậy. Sắp tới “má Yến” là đại diện của sở đi báo công dâng Bác”- ông Trần Ngọc Chi đánh giá rất cao chị Yến.

Non một buổi sáng cùng chị Yến đi thăm tất cả các khu, tôi cảm nhận rõ tình cảm của tất cả mọi người, kể cả bệnh nhân tâm thần đối với chị. “Má Yến tới”, “Má Yến cho con tiền mua nón đội đi học”, “Má Yến cho con tiền mua chai Sting”, một bệnh nhân tâm thần hỏi: “Má Yến ơi, sao cái cổ con đau quá?”… mấy ngày không gặp, các cháu bé sà đến giành nhau ôm “má Yến”.

Tất tần tật mọi việc, mọi người, chị đều nắm rõ, cho đến cả cọng rau, con cá dưới nhà bếp. Tôi nói vui mà thật, thấy chị Yến chẳng khác gì một... “tổng quản ma ma” trong cái “xã hội thu nhỏ” này.

Nhưng phía sau hàng đống công việc bộn bề, người phụ nữ ấy cũng có một gia đình với nỗi đau mất mát, cô đơn khó lòng sẻ chia tâm tư, gánh nặng cùng ai.

Sau khi chồng mất do bị tai nạn giao thông vào tháng 8/2000, đúng cái ngày chuẩn bị đưa con đến trường khai giảng vào lớp 5, một tay chị chèo chống nuôi con ăn học thành tài, giờ cháu đang làm việc ở Bảo hiểm xã hội tỉnh.

Mẹ chồng chị Yến cũng vừa mất 2 ngày. Rất nhiều việc riêng đôi lúc cũng phải gác lại vì việc chung, ngay đến cái tết vừa qua, chị chỉ có đúng 3 ngày vui vầy với con trai và gia đình.

Tuy nhiên, đó không còn là những trở ngại, khó khăn trong cuộc sống, mà hình như những “gánh nặng” đó đã trở thành lẽ sống của cuộc đời luôn biết “lắng nghe”, san sẻ yêu thương.

Những nhọc nhằn đã quen dần, rồi trở thành tình cảm gắn bó với mái nhà chung này như một lẽ tự nhiên, như một thiên chức, sứ mệnh cao cả dành sẵn, làm cho người phụ nữ ấy trở nên đẹp hơn bởi một tấm lòng nhân ái.

Sự dịu dàng dành cho các bé, lo lắng cho trẻ từ lúc sơ sinh, tới tuổi đến trường, lại lo cho tương lai các cháu, lo cho sự sa ngã, hư hỏng của từng đứa khi tiếp xúc với xã hội bên ngoài.

Vệ sinh, chăm sóc y tế cho các cụ bệnh nặng.
Vệ sinh, chăm sóc y tế cho các cụ bệnh nặng.

Sự tận tâm đối với các cụ già mang đủ thứ bệnh: tiểu đường, lao, huyết áp,… có khi nằm liệt giường lở loét... Nhiều, rất nhiều mà mỗi mảnh đời ở đây là một câu chuyện dài về nỗi bất hạnh, cô đơn luôn được chị đón nhận, quan tâm, chăm sóc tận tình.

Ngày 8/3 ở đây không có hoa hồng và những “bao thơ”, chỉ có những trái tim nhân hậu vẫn lặng lẽ, cần mẫn với công việc thường ngày, giúp cho bao mảnh đời nơi đây “hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người”.

Hơn cả chuyện “làm công ăn lương”, công việc ở đây đòi hỏi một tình thương, một tấm lòng cho đi mà không mong sự tri ơn, báo đáp.

 

 

Chị Yến chia sẻ, nhiều lúc đêm hôm có người bệnh đột quỵ, qua đời. Chưa có người kịp mai táng, chị phải lo các thủ tục, nghi thức tối thiểu nhất dành cho người chết. Rồi lại vào ra chờ đợi, đêm hôm thui thủi với cái xác… riết rồi cũng quen. Những đêm khuya ra về trên con đường vắng, đã 2 lần bị chặn đường, riết rồi… cũng quen.

 

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh