Hãy yêu nhau đi để thấy đời đáng sống, hãy san sẻ cho nhau để thấy niềm vui, ý nghĩa của một ngày qua. Chung tay cùng hành động vì một cộng đồng hạnh phúc.
Hãy yêu nhau đi để thấy đời đáng sống, hãy san sẻ cho nhau để thấy niềm vui, ý nghĩa của một ngày qua. Chung tay cùng hành động vì một cộng đồng hạnh phúc. Nói như ông Trần Ngọc Chi- Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Vĩnh Long: “Chúng ta tuy còn nghèo nhưng luôn sẵn lòng quan tâm và giúp đỡ cho những người yếu thế”.
Niềm vui trong “ngôi nhà lớn”: Trung tâm Công tác xã hội. |
Chung một tấm lòng
Ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân chung tay góp sức vì những đối tượng khó khăn trong xã hội để cuộc đời thêm đáng sống. Đó là Nhóm “Chung một tấm lòng” ở TP Vĩnh Long mỗi tháng vẫn phát cơm từ thiện ở bệnh viện cho bệnh nhân nghèo. Nhóm “Vòng tay yêu thương” ở TP Hồ Chí Minh hầu như “tuần nào cũng đi làm từ thiện”. Nhóm có đủ người già, người trẻ và trẻ em cũng có.
Trong đó, có những cụ đã ngót nghét 80 tuổi vẫn không ngại đường xa xuống tận Vĩnh Long để trao quà. Ông Võ Quốc Thông- Trưởng nhóm- vui vẻ “mang niềm vui đến với những mảnh đời bất hạnh, chúng tôi như được vui lây”. Những món quà nhóm tặng không chỉ có giá trị vật chất mà còn cả tinh thần. Bởi mỗi đối tượng, nhóm đều chuẩn bị quà cho phù hợp.
Song song đó, có những cá nhân, những doanh nghiệp nhỏ cũng tùy theo sức của mình mà “đùm lá rách”. Ông Nguyễn Minh Vũ (ấp An Thành, xã An Bình- Long Hồ) là chủ một cơ sở kinh doanh sản xuất nước chấm. Từ năm 2013 đến nay, ông đã hỗ trợ hơn 200 triệu đồng cho địa phương thực hiện những công trình vì cộng đồng.
Ông chung sức cùng địa phương xây dựng bảng Di tích lịch sử cấp quốc gia chùa Tiên Châu, hệ thống điện thắp sáng, tu bổ cầu đường, mừng thọ cho các cụ cao tuổi. Với ông, số tiền đóng góp tuy không nhỏ so với doanh thu nhưng “chúng tôi vui vì giúp được cho địa phương xây dựng hệ thống giao thông, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho bà con nghèo”. Ông Vũ khẳng định “còn khả năng là còn giúp đỡ bà con nghèo khó”.
Sống không chỉ để cho mình và cho gia đình, mỗi người đều biết hy sinh cái tôi riêng để hòa vào cái chúng ta của xã hội. Khi có chủ trương nạo vét kinh thủy lợi đi ngang vườn nhà mình, cô Nguyễn Thị Lanh (ấp Phú Bình, xã An Phước- Mang Thít) cũng có chút đắn đo.
Vì gia đình cô có 4.500m2 vườn, nếu làm kinh thì cô phải mất 700m2 đất. Rồi “tiếc vườn chôm chôm đang sai trái, nhưng nghĩ đến lợi ích chung, vợ chồng tôi mạnh dạn đốn chôm chôm giao mặt bằng cho đơn vị thi công”. Cô Lanh còn vận động bà con trong ấp góp tiền, góp công rải đá đường liên xóm cho mọi người thuận tiện đi lại.
Nhân đôi hạnh phúc
Không chỉ vượt qua khó khăn, đưa kinh tế gia đình phát triển ổn định mà cô Nguyễn Thị Bé và chú Phạm Văn Ánh (ấp Phước Lợi A, xã Long Phước- Long Hồ) còn tạo việc làm cho lao động nông thôn. Cô Bé cho biết: Lúc mới ra riêng 2 vợ chồng có 3 công ruộng. Nhờ siêng năng lao động mà vợ chồng cô dần phát triển kinh tế, có được đàn bò 10 con.
Chưa dừng lại ở đó, vợ chồng cô còn “tìm thêm cái nghề gì nữa để tăng thu nhập cho gia đình”. Vậy là cô hợp đồng với Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp An Phú gia công các mặt hàng: kết thảm, thùng, cối,… bằng lác. Cô Bé cười: “Đến nay có khoảng 125 chị em đến nhận hàng về làm, thu nhập mỗi người từ 300.000- 750.000 đ/tuần”. Riêng gia đình cô có thu nhập 2,5 triệu/ tuần.
Còn ông Nguyễn Văn Tạo- Chi hội Trưởng Chi hội Nông dân ấp Tân Quới Hưng (xã Trường An- TP Vĩnh Long) thì xem việc hòa giải cho mọi người là hạnh phúc của mình. Ông Tạo cho biết: “Tôi đã tham gia hòa giải và hòa giải thành công hơn 90 vụ”. Với ông, việc hòa giải không chỉ là công việc của mình mà còn là để giải quyết mâu thuẫn, tăng thêm tình nghĩa xóm giềng.
Đối với anh Nguyễn Thanh Tuấn- Hội trưởng Hội Từ thiện Cà phê Suối Mơ (TP Vĩnh Long) thì “không có món quà nào hơn là niềm vui trên gương mặt những học sinh nghèo”. Khi anh bị thương ở chân, phải phẫu thuật và không đi lại được, con nuôi của anh đã đến thăm và tặng anh một bức tranh do em tự vẽ.
Món quà đơn sơ nhưng nghĩa tình ấy chính là động lực, là tình yêu mà khi cho đi anh và các thành viên trong hội đã nhận lại được. Anh Tuấn cười: “Tôi từng nói với các thành viên trong hội, nếu sinh mệnh anh có thể đổi lấy hạnh phúc cho các em học sinh còn nghèo khó thì anh luôn sẵn sàng”.
Cuộc sống với bộn bề những khó khăn nhưng tình người mãi đẹp. Yêu thương, đùm bọc những hoàn cảnh khó khăn hơn mình, tinh thần ấy như sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong lòng dân tộc Việt Nam ta. Nào, tất cả chúng ta hãy cùng truyền đi một thông điệp “Yêu thương và chia sẻ”, hãy cho đi để cuộc sống này thêm ý nghĩa, để được “Cảm ơn đời mỗi sáng mai thức dậy/ Cho ta thêm một ngày nữa để yêu thương” (Nguyễn Nhật Ánh dịch).
Ông Trần Ngọc Chi- Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Vĩnh Long: “Trung tâm là nhà, đối tượng bảo trợ là người thân” Ngay từ khi nhận nhiệm vụ Giám đốc trung tâm 3 năm trước, tôi đã xác định mục tiêu xây dựng trung tâm (nơi có gần 200 đối tượng bảo trợ) là một gia đình chung, nơi che chở, yêu thương của cả cán bộ và đối tượng ở đây. Trước tiên, mình phải truyền lửa yêu thương đến với mọi người. Cán bộ, nhân viên là ba, là má của những trẻ em bị bỏ rơi; là anh, là chị, là em của đối tượng bị tâm thần; là con, là cháu của các cụ già neo đơn không ai nương tựa. Từ đó, chúng tôi lấy tình thương yêu trong gia đình mà đối xử với nhau. Chúng tôi thấy hạnh phúc với công việc của mình, với gia đình lớn này. Cô Nguyễn Thị Mỹ Linh- Trung tâm Công tác xã hội: “Một năm cùng trẻ ở bệnh viện vài tháng” Tôi đã công tác ở đây 19 năm, giữ trẻ có, người tâm thần và các cụ già cũng có. Các cụ khi vào đây thì đều già yếu hoặc bệnh tật vì vậy mà năm nào tôi cũng ở bệnh viện vài tháng để nuôi bệnh. Các cụ thì mỗi người mỗi tính, tôi phải vừa rắn vừa nhu mới hoàn thành việc chăm sóc được. Tôi luôn xem các cụ như người thân của mình và lấy bổn phận mà chăm sóc, cố gắng để các cụ được sống vui sống khỏe những năm tháng cuối đời. Khi con gái tôi xin theo nghề của mẹ, tôi không cản, dù biết nhiều vất vả, chỉ khuyên con nên nghĩ kỹ phải có yêu thương mới gắn được với nghề này. Chị Huỳnh Hồng Diễm (con gái cô Linh): “Hạnh phúc khi các con tìm được gia đình mới” Từ nhỏ, tôi đã cùng mẹ ở trong khu tập thể của trung tâm. Tôi yêu công việc của mẹ và lớn lên tôi ý thức được ý nghĩa việc mẹ làm. Do đó, tôi chọn gắn bó với trung tâm này, làm má của các trẻ ở đây. Bây giờ, ngày nào không đi làm là tôi lại thấy nhớ các con mình lắm. Bùi ngùi nhất là khi có người đến xin các con tôi về nuôi. Tôi vui mừng vì các con đã có gia đình của riêng mình, để được yêu thương chăm sóc chu đáo hơn, để không còn là trẻ mồ côi nữa! Nhưng, khi xa cách thì làm sao mà không rơi nước mắt được… |
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin