Ngày nước thế giới 22/3: Miền sông nước đang khát nước!

06:03, 22/03/2016

Có một thực tế tưởng chừng như nghịch lý: Miền sông nước đang khát nước! Hạn, mặn xâm nhập, thiếu nước ngọt đang tác động tiêu cực lên sinh kế của người đồng bằng miền Tây Nam Bộ.

Có một thực tế tưởng chừng như nghịch lý: Miền sông nước đang khát nước! Hạn, mặn xâm nhập, thiếu nước ngọt đang tác động tiêu cực lên sinh kế của người đồng bằng miền Tây Nam Bộ.

Thiếu nước ngọt đã tác động tiêu cực đến sinh kế người dân. Trong ảnh: Khảo sát trạm cấp nước Vũng Liêm.
Thiếu nước ngọt đã tác động tiêu cực đến sinh kế người dân. Trong ảnh: Khảo sát trạm cấp nước Vũng Liêm.

Ra ao tìm nước ngọt

Không phải đến bây giờ người dân mới biết đến xâm nhập mặn. Thực tế, một số địa phương trong tỉnh (khu vực giáp ranh với tỉnh Trà Vinh) như Vũng Liêm, Trà Ôn đã phải sống chung với mặn xâm nhập vào những tháng mùa khô.

Tuy nhiên, đợt xâm nhập mặn vào dịp 29 tháng Chạp vừa qua thì người dân nhiều nơi như bị dội gáo nước… mặn vì độ mặn lên cao kỷ lục gần 10‰ và xâm nhập sâu. Nước mặn đã vào đến bàn trà, vào cả bữa cơm! Đến đâu cũng nghe người dân than phiền về nguồn nước mặn chát, pha trà lơ lớ, cơm nấu cũng khó ăn.

Ông Nguyễn Văn Phương (ấp Rạch Trúc, thị trấn Vũng Liêm) cho biết: Trước nay khu vực này chưa bị nước mặn xâm nhập nên gia đình không có chuẩn bị dụng cụ trữ nước ngọt. Vừa rồi, mặn lên đột ngột, nguồn nước máy cũng bị nhiễm mặn thì không trở tay kịp.

Nhà chỉ có vào cái lu xi măng chứa nước mưa lại trở nên quý giá vào đợt mặn này. Nước ngọt dùng cho việc nấu ăn, cho chăn nuôi nên vài ba cái lu cũng không thấm vào đâu. Sắp tới, tôi phải mua thêm để phòng khi nước mặn tấn công như vừa rồi.

11 hộ dân sinh sống ở cồn Thanh Long (thuộc ấp Phước Lý Nhì, xã Quới Thiện- Vũng Liêm) trước nay chưa có nước máy, chỉ xài nước sông. Vậy đợt mặn xâm nhập vừa qua họ phải xoay xở ra sao? Ông Điều Công Khanh ở cồn Thanh Long, dẫn chúng tôi ra nơi mà người dân lấy nước ngọt về xài.

Đó chính là 2 cái ao được một doanh nghiệp đào để nuôi cá, nhưng nay bỏ không. Vô tình, đây trở thành hồ chứa nước ngọt, cứu cánh duy nhất của người dân cồn Thanh Long qua những đợt nước mặn xâm nhập.

Khi chưa lấy nước ngọt từ 2 ao cá này, người dân cồn Thanh Long không còn cách nào khác- phải sống chung với mặn. Nước mặn tắm vào mình mẩy ngứa ngáy, nhưng biết làm sao hơn. Nước ngọt dùng nấu ăn phải mua nước bình nên phải tiết kiệm dữ lắm, chứ mua nước bình hoài tiền đâu cho xuể.

Ly trà ông Điều Công Khanh mời khách uống có vị là lạ, không ngon, nhưng biết làm sao được. Ngoài sông thì đầy nước, nhưng nước ngọt không phải lúc nào cũng có.

“Sống chung với xâm nhập mặn”

Ông Hồ Công Nguyên- Phó Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm- cho biết: Đợt xâm nhập mặn vừa qua đã tác động đến 15 xã của huyện, trong đó có 8 xã chịu ảnh hưởng trực tiếp với diện tích 4.000ha.

Hiện Trạm cấp nước Vũng Liêm phục vụ trên địa bàn 6 xã, huyện đề nghị mở rộng đường ống phục vụ cho 500 hộ dân ở xã Trung Thành Tây, địa bàn chịu ảnh hưởng mặn nhưng chưa có nguồn nước máy sử dụng.

Khó khăn về nguồn nước hiện nay là khi đóng cống Nàng Âm (xã Trung Thành Đông) để ngăn mặn thì lại gây thiếu nước, chưa kể đóng cống liên tục trong khoảng 10 ngày là nguồn nước bị ô nhiễm không thể sử dụng được.

Theo ông Nguyễn Tấn Phát- Phó Giám đốc Công ty TNHH 1TV Cấp nước Vĩnh Long, hiện Trạm cấp nước Vũng Liêm có công suất 3.000m3/ngày, người dân sử dụng khoảng 2.200m3/ngày, do đó việc cấp nước sinh hoạt trên địa bàn vẫn đảm bảo phục vụ cho nhu cầu người dân.

Để cung cấp đủ nước sạch cho sản xuất, dân sinh, vừa qua, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã đến khảo sát các địa bàn mở rộng mạng lưới cấp nước, cũng như phương án xây dựng hồ chứa nước ngọt phục vụ sản xuất dân sinh tại huyện Vũng Liêm.

Theo đó, 2 phương án được đưa ra là việc kéo đường ống từ Long Hồ về Vũng Liêm có kinh phí khoảng 180 tỷ đồng, trong khi đó việc xây dựng hồ chứa nước ngọt 100.000m3 có kinh phí thấp hơn (khoảng 80 tỷ đồng). Đây được xem là giải pháp cấp bách và cần thiết nhằm cung cấp đủ nước cho sản xuất và dân sinh trong tương lai.

Qua kiểm tra công tác ứng phó thiếu nước, mặn xâm nhập tại các địa phương, ông Trần Hoàng Tựu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh- cho rằng: Bên cạnh biện pháp công trình thì cần có sự chung tay của người dân trong việc ứng phó với xâm nhập mặn trên tinh thần “sống chung với xâm nhập mặn”. Và, việc cần làm ngay là chủ động dự trữ nước ngọt cho sinh hoạt, nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của xâm nhập mặn lên sản xuất và đời sống.

Nước và việc làm

Theo Bộ Tài nguyên- Môi trường (TN-MT), ngày 22/3 hàng năm được Liên Hợp Quốc chọn là ngày Nước thế giới. Chủ đề ngày Nước thế giới năm nay là “Nước và việc làm” nhằm tập trung vào vai trò của nước đối với các công việc cũng như sinh kế của người dân.

Theo đó, Bộ TN- MT đã giao cho Cục Quản lý tài nguyên nước chủ trì chuẩn bị cho công tác tổ chức kỷ niệm ngày Nước thế giới 2016 tại TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa với nhiều hoạt động quảng bá.

Vào ngày này, các quốc gia trên thế giới và Việt Nam đều tổ chức các hoạt động chào mừng để kêu gọi sự quan tâm của toàn thế giới về tầm quan trọng của tài nguyên nước, vận động chính sách về quản lý bền vững tài nguyên nước, đặc biệt là các nguồn nước ngọt. Hiện nay, gần một nửa số người lao động trên thế giới (khoảng 1,5 tỷ người) làm việc trong lĩnh vực liên quan đến nước. Song, hàng triệu người đang làm các công việc có liên quan đến nguồn nước còn chưa được công nhận, chưa được bảo vệ bởi các quyền lao động cơ bản. Điều này cần phải được thay đổi.

Tại Việt Nam, các hoạt động hưởng ứng ngày Nước thế giới trên quy mô quốc gia đã được Bộ TN- MT tổ chức thành hoạt động thường niên trong 5 năm qua. Đây cũng là hoạt động rất có ý nghĩa nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà tài trợ, học sinh, sinh viên và quần chúng nhân dân về tầm quan trọng và giá trị của nước đối với đời sống.

Ngày Nước thế giới được đề xuất từ năm 1992 tại Hội nghị của Liên Hợp Quốc về môi trường và phát triển (UNCED). Năm 1993, ngày Nước thế giới đầu tiên được tổ chức. Mỗi năm, ngày Nước thế giới nhấn mạnh một khía cạnh cụ thể của nước ngọt. Năm 2015, ngày Nước thế giới có chủ đề “Nước sạch và phát triển bền vững”. Năm 2016 là “Nước sạch và việc làm”. Dự kiến chủ đề năm 2017 và 2018 là “Nước thải” và “Giải pháp thiên nhiên cho nước”.

Bài, ảnh: LÊ SƠN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh