Dạy trẻ tự bảo vệ mình

08:03, 17/03/2016

Gần đây, nhiều thông tin về các vụ bắt cóc trẻ em rộ lên- đặc biệt là trẻ nhỏ. Tuy chưa biết là những thông tin đó có chính xác hay không nhưng cũng làm dấy lên nỗi lo sợ cho các bậc cha mẹ.

Gần đây, nhiều thông tin về các vụ bắt cóc trẻ em rộ lên- đặc biệt là trẻ nhỏ. Tuy chưa biết là những thông tin đó có chính xác hay không nhưng cũng làm dấy lên nỗi lo sợ cho các bậc cha mẹ.

Không thể theo sát con suốt ngày, các phụ huynh cần phải dạy con những kỹ năng cần thiết để trẻ có thể đối phó và biết cách tự bảo vệ mình trước kẻ xấu.

Cần trang bị các kỹ năng cơ bản để trẻ biết tự bảo vệ mình. (Ảnh mang tính minh họa)
Cần trang bị các kỹ năng cơ bản để trẻ biết tự bảo vệ mình. (Ảnh mang tính minh họa)

Nhiều phụ huynh lo lắng, hoang mang

“Hàng ngày, lên mạng đọc là thấy có tin trẻ em bị bắt cóc một cách lộ liễu, ngang nhiên trước đám đông ngoài đường, dù chưa biết tin tức có đúng không nhưng vợ chồng tôi vẫn cảm thấy bất an, lo sợ.

Mỗi ngày đi học tôi đều dặn con trai lớn lớp 3 là tuyệt đối không được ra khỏi cổng trường, không nói chuyện với người lạ, ai cho gì cũng không được lấy. Đến giờ về là ngồi ngay băng ghế đá trong sân trường đợi ba mẹ rước, còn con gái nhỏ học mẫu giáo thì dù bận rộn mấy vợ chồng tôi cũng thay phiên rước con đúng giờ.

Con muốn đi đâu phải có ba hoặc mẹ đi cùng”- chị Kim Phượng (xã Thanh Đức- Long Hồ) chia sẻ.

Chị Huỳnh Vy sống tại TP Hồ Chí Minh cũng chia sẻ thêm: “Hai con trai của tôi, đứa 8 tuổi, đứa 5 tuổi đều được vợ chồng tôi nhắc nhở mỗi ngày nên cũng có ý thức được nguy hiểm và rất cẩn thận khi đến chỗ đông người.

Vợ chồng tôi thay phiên nhau đưa rước con đi học, tuyệt đối không nhờ ai khác rước dùm. Tuy nhiên, cha mẹ không thể kề cận các con suốt cả ngày, vì thế trang bị kỹ năng cho trẻ để tự bảo vệ mình là rất cần thiết”.

Đúng vậy, không chỉ khi xuất hiện những thông tin liên quan đến việc trẻ bị bắt cóc mà ngay cả trong những lúc yên bình nhất, phụ huynh vẫn nên trang bị cho trẻ kỹ năng nhận diện và ứng phó trước những tình huống bất ngờ, nguy hiểm. Đây là điều cần thiết để trẻ có thể biết cách tự chăm sóc và bảo vệ bản thân khi không có người lớn kề cận.

Để trẻ tự bảo vệ bản thân

Trẻ em rất dễ bị dụ dỗ bằng đồ chơi, bánh kẹo hay những lời ngọt ngào nên rất dễ quên những lời cha mẹ dặn dò. Vì vậy những kỹ năng, kiến thức này cần được củng cố hàng ngày để nhớ và thuộc nằm lòng, biến nó thành hành vi ứng xử của mình.

Hãy dạy trẻ tránh xa những lời dụ ngọt của người lạ, không nên tiếp xúc, nói chuyện với người lạ có biểu hiện bất thường.

Dạy trẻ có thói quen chia sẻ những câu chuyện mà trẻ gặp thường ngày, từ đó phân tích cho trẻ biết đâu là an toàn là tốt cho trẻ, đâu là những tình huống có thể khiến trẻ gặp nguy hiểm.

Hãy cùng trẻ xem những phóng sự, video clip mô phỏng các tình huống thiếu an toàn với trẻ khi không ở gần bố mẹ, giải đáp những thắc mắc của trẻ để trẻ dần hình thành ý thức phòng vệ trong những tình huống tương tự nếu gặp phải.

Hãy giới hạn những người thân trong gia đình cho trẻ biết như cha mẹ, ông bà, anh chị em ruột, ngoài những người này ra, nếu có bất kỳ ai khác đề nghị chở trẻ đi đâu, làm gì thì hãy nói không, bỏ chạy và tìm đến những người tin cậy để nói lại việc vừa xảy ra.

Để không hốt hoảng trong trường hợp trẻ bị lạc, hãy dạy cho trẻ học thuộc lòng số điện thoại của cha mẹ, anh chị, ông bà để khi bị lạc thì biết cách cung cấp cho những người muốn giúp đỡ. Dạy trẻ tìm đến những nơi có thể giúp đỡ như thầy cô giáo, bảo vệ ở trường học, các chú công an mặc quân phục, mỗi khi đi ngoài đường nên chỉ cho trẻ nhớ những nơi có thể cầu cứu khi gặp nguy hiểm.

Nên dạy trẻ cách phản ứng dữ dội và một vài động tác cơ bản khi bị kẻ lạ khống chế, tấn công, cố gắng báo tín hiệu cho mọi người xung quanh ứng cứu. Nếu đến chỗ đông người, tốt nhất người lớn luôn theo sát trẻ, tránh lơ là vì trẻ con vốn dễ bị thu hút bởi những yếu tố khác, dễ bị tuột khỏi tầm tay cha mẹ. Rất nhiều trường hợp cha mẹ lạc con là do cha mẹ mải mê mua sắm, trò chuyện.

Dạy trẻ biết tự bảo vệ mình cực kỳ quan trọng nên cha mẹ phải thực hiện ngay từ khi trẻ còn nhỏ, chứ không đợi đến khi sự việc xảy ra rồi mới lo lắng cuống cuồng. Cha mẹ nên quan tâm sát con hơn, dành thời gian hàng ngày để cùng con trang bị những kỹ năng cần thiết khi ra đường, tránh những trường hợp bị kẻ xấu lợi dụng và hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Bài, ảnh: HẢI YẾN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh