Biến đổi khí hậu gây hạn hán, xâm nhập mặn và hoạt động phát triển công nghiệp gây ô nhiễm… đang tạo sức ép lớn với môi trường nông thôn. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống người dân địa phương.
Biến đổi khí hậu gây hạn hán, xâm nhập mặn và hoạt động phát triển công nghiệp gây ô nhiễm… đang tạo sức ép lớn với môi trường nông thôn. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống người dân địa phương.
(Ảnh minh họa. Nguồn: Hoàng Ngân) |
Hoạt động công nghiệp gây sức ép lớn cho môi trường
Theo báo cáo của Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường), thời gian qua, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN, CCN) đã chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng đã không tuân thủ thiết kế ban đầu và không xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung. Đây là nguyên nhân dẫn đễn tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.
Cụ thể, trong số các KCN, CCN đang hoạt động chỉ có 165 KCN, CCN (khoảng 3% - 5%) đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung với tổng công suất hệ thống xấp xỉ 630.000m3/ngày đêm. Nhiều KCN đã lấp đầy xấp xỉ 100% nhưng vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn cho phép; vẫn còn các KCN vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung không đảm bảo về môi trường và xả thải gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong cộng đồng…
Bên cạnh đó, trong tổng số 439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg về phê duyệt "Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng"), đến nay, sau hơn 10 năm khắc phục, vẫn còn 47 cơ sở chưa hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để, chiếm tỷ lệ 10,71%; 44/184 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng có thời hạn xử lý đến ngày 31/12/2015 (theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg về phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020) chưa hoàn thành biện pháp xử lý triệt để theo yêu cầu (chiếm tỷ lệ 23,91%)...
Cùng với đó, khai thác khoáng sản cũng ảnh hưởng đến mực nước ngầm, bao gồm hạ thấp mực nước ngầm của những vùng lân cận và thay đổi hướng chảy trong túi nước ngầm; ô nhiễm túi nước ngầm nằm dưới vùng khai mỏ do nước bị ô nhiễm ở tầng mặt ngấm xuống. Đây là một thực tế đã diễn ra ở các khu mỏ khai thác quặng sắt, khai thác đá quý, kaolin, felspat ở tỉnh Yên Bái. Không những vậy, hoạt động vận chuyển khoáng sản cũng gây tác động xấu đến môi trường không khí do khói, bụi trong quá trình vận chuyển, bốc dỡ.
Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, những năm gần đây, phong trào đầu tư xây dựng thủy điện ồ ạt, dẫn đến sự xuất hiện dày đặc hệ thống thủy điện đã làm suy giảm diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn và suy giảm đa dạng sinh học, biến đổi hệ sinh thái ở những nơi đặt công trình và những vùng lân cận, trong đó có vùng nông thôn. Phát triển công nghiệp tạo chuyển biến tích cực trong đời sống dân cư, tăng việc làm và an sinh xã hội nhưng rõ ràng, hoạt động này cũng đang gây sức ép lên môi trường tự nhiên, môi trường sống của người dân. Chú trọng phát triển công nghiệp luôn cần có sự đồng bộ với triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường.
Biến đổi khí hậu biểu hiện gần hơn, rõ rệt hơn
Theo các chuyên gia môi trường, bên cạnh các vấn đề môi trường nông nghiệp nông thôn, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những thách thức to lớn từ biến đổi khí hậu toàn cầu, sự sa mạc hóa, sự xả thải các chất thải độc hại từ các hoạt động phát triển công nghiệp…
Biến đổi khí hậu (BĐKH) thông qua các hiện tượng thời tiết cực đoan, dị thường như nhiệt độ tăng, bão mạnh, mưa lớn, lũ lụt, hạn hán và nước biển dâng cao... đang có dấu hiện trở nên phổ biến hơn.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nắng nóng riết từ tháng 7/2014 đến nay khiến đời sống người dân ở Ninh Thuận gặp nhiều khó khăn, đất đai bỏ hoang, người dân phải đi làm thuê. Giếng nước khô cạn, người dân phải mua nước lọc để ăn uống, nước sinh hoạt phụ thuộc vào nguồn nước máy nhưng đã bị nhiễm mặn.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, lưu lượng nước về hồ thủy điện Đa Nhim chỉ đạt 4m3/s, trong khi đó lưu lượng nước xả về hạ du lớn hơn nhiều. Nếu 2,5 tháng tới không có mưa từ Tây Nguyên, hồ thủy điện này cũng sẽ hết nước điều tiết. Bên cạnh đó, 20 hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh chỉ còn khoảng 18 triệu m3 nước, tức chỉ còn 9,7% tổng dung tích các hồ chứa…
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu như năm 2015 được xem là năm nắng nóng gay gắt nhất trong vòng 60 năm qua ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, khiến đời sống sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân nơi đây bị đảo lộn thì ngay trong đầu năm 2016, tình hình hạn hán ở khu vực này còn được nhận định sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, thậm chí khốc liệt hơn cả năm ngoái.
Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thuỷ lợi và An toàn đập (Tổng cục Thuỷ lợi) Nguyễn Hồng Khanh cho rằng, Việt Nam là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đặc biệt là năm 2015-2016, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng rõ rệt đối với nước ta, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện nay, Việt Nam đã và đang chứng kiến đợt Elnino có thời gian kéo dài và cường độ mạnh nhất từ trước đến nay. Elnino sẽ làm cho tình hình khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, khó lường. “Bởi vậy, về giải pháp lâu dài, chúng ta cần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo hạn hán, xâm nhập mặn. Chú ý đến việc bố trí đủ vốn thực hiện các dự án đầu tư trong các vùng khô hạn, ưu tiên hoàn chỉnh các công trình để tích nước hồ chứa, hoàn thiện hệ thống kênh mương, ngăn mặn, giữ ngọt để phát huy ngay hiệu quả công trình; tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin về khai thác, sử dụng nước với các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn”, ông Nguyễn Hồng Khanh cho biết./.
Theo http://dangcongsan.vn/khoa-giao/bien-doi-khi-hau-bieu-hien-gan-hon-ro-ret-hon-376415.html
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin