Xa nhau để gần mãi mãi…

02:02, 08/02/2016

Tết cổ truyền là dịp gia đình đoàn tụ, nhưng với bộ đội thường không có được niềm vui ấy. Vào quân đội, đồng nghĩa với hy sinh lợi ích riêng tư để làm tròn nhiệm vụ với đất nước nhưng ai cũng hiểu rằng "xa nhau để gần mãi mãi…"

Tết cổ truyền là dịp gia đình đoàn tụ, nhưng với bộ đội thường không có được niềm vui ấy. Vào quân đội, đồng nghĩa với hy sinh lợi ích riêng tư để làm tròn nhiệm vụ với đất nước nhưng ai cũng hiểu rằng “xa nhau để gần mãi mãi…”

Tình cảm ở hậu phương sẽ là động lực để người lính yên tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Tình cảm ở hậu phương sẽ là động lực để người lính yên tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Chuyện người lính biển

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự ở Tiểu đoàn 857 (nay thuộc Trung đoàn Bộ binh 890), Trung úy Nguyễn Hi Vọng (quê ở xã Trung Thành- Vũng Liêm) thi đậu và theo học tại Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự (nay là Trường ĐH Trần Đại Nghĩa).

Trung úy Nguyễn Hi Vọng kể: “Hồi nhỏ đã thích hình ảnh oai hùng của người lính Hải quân nên sau khi tốt nghiệp, tôi tình nguyện đăng ký phục vụ tại Trường Sa. Nhưng có lẽ ngành học không phù hợp nên được điều về phục vụ tại Cục Kỹ thuật Hải quân ở Cam Ranh (Khánh Hòa).

Trung úy Nguyễn Hi Vọng bên vợ con trong một lần về thăm nhà.
Trung úy Nguyễn Hi Vọng bên vợ con trong một lần về thăm nhà.

Dù không như ước nguyện ban đầu nhưng dù sao cũng được phục vụ trong Hải quân là vui rồi. Nay, với cấp bậc Trung úy và đang là Phó Trạm trưởng Trạm sửa chữa đạn (Kho 858, Cục Kỹ thuật Hải quân- Bộ Tư lệnh Hải quân). Đó là niềm tự hào, trách nhiệm to lớn mà tôi ý thức được mình phải hoàn thành thật tốt để không phụ lòng mọi người đã tin tưởng, nhất là người vợ và đứa con nhỏ đang trông đợi ở quê nhà”.

Có lẽ chính niềm tự hào đó mà khi vợ chồng mới cưới, Trung úy Nguyễn Hi Vọng đã “vận động” vợ và gia đình nếu sau sinh con trai sẽ đặt tên là Chiến Hạm. “Nói ra ai cũng bảo “sao đặt tên gì kỳ”, nhưng nó ý nghĩa lắm đấy. Cái tên đó thể hiện sự oai hùng, dũng mãnh, khát vọng của người lính vươn khơi bám biển. Có niềm tự hào nào hơn khi mình là lính Hải quân, và từng được làm nhiệm vụ trên những chiếc tàu chiến uy nghiêm để giữ bình yên biển đảo quê hương”- anh xúc động nói.

Thương và thông cảm cho chồng nên chị Nguyễn Thị Yến Nhi (vợ anh) cố gắng hết lòng lo cho gia đình để anh yên tâm công tác. “Lúc tôi sinh cháu Chiến Hạm, anh ấy bận công tác nên cả tuần sau mới kịp về thăm. Dù khó khăn và cách trở nhưng biết anh hoàn thành tốt nhiệm vụ, yêu thương vợ con là hạnh phúc rồi”- chị nói.

Nói về tương lai, Trung úy Nguyễn Hi Vọng tâm sự rằng, do bận nhiệm vụ nên tết năm nay sẽ không được sum họp bên gia đình, nhưng năm sau, anh sẽ đón vợ con ra ở cùng đơn vị để tiện bề chăm sóc, đồng thời, cũng là hy vọng khi lớn lên, Chiến Hạm sẽ nối nghiệp cha mình, canh giữ đất quê hương.

Tết xa nhà

Cùng với hàng chục ngàn thanh niên trên cả nước vừa trúng tuyển nghĩa vụ quân sự năm 2015, tỉnh Vĩnh Long cũng có hơn 1.000 anh bộ độ “mới toanh” năm nay sẽ đón cái tết đầu tiên trong quân ngũ. Chưa kể đến nhiều sĩ quan đã nhiều năm làm nhiệm vụ tại các đơn vị trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Chiến sĩ trẻ Trịnh Minh Khanh khi mới nhập ngũ.
Chiến sĩ trẻ Trịnh Minh Khanh khi mới nhập ngũ.

Tuy có buồn vì thiếu tình cảm người thân nhưng họ vẫn luôn tự hào trong tư thế sẵn sàng làm nhiệm vụ. Mỗi người đều nắm chắc kế hoạch nhiệm vụ được phân công. Khi có lệnh là lên đường, tất cả vì sự bình yên của quê hương.

Là con út của một gia đình có 4 anh chị em, tốt nghiệp lớp 12 xong, Trịnh Minh Khanh (ấp Phước Lợi, xã Bình Phước- Mang Thít) đã tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự. Khanh trở lại đơn vị (Sư đoàn Bộ binh 309 đang đóng quân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai) sau 1 tuần nghỉ phép và đây là năm đầu tiên bước chân vào đời lính. Khanh chia sẻ: “Hầu hết anh em trong đơn vị đây là lần đầu tiên ăn tết xa gia đình.

Ai cũng bỏ qua tâm tư riêng để hòa chung niềm vui năm mới cùng mọi người. Gần tết, anh em xúm lại bàn với nhau sẽ mua gì, tổ chức văn nghệ như thế nào. Mỗi người đều tự nhủ sẽ ra sức hoàn thành công việc, chấp hành tốt nhiệm vụ, kỷ luật của đơn vị. Chính đồng đội sưởi ấm là chỗ dựa tinh thần, luôn động viên, an ủi, tiếp thêm sức mạnh cho nhau vượt qua khó khăn”.

20 tuổi, với bầu nhiệt huyết trẻ, chàng chiến sĩ mới bày tỏ: “Em rất tự hào về truyền thống đấu tranh của các cha anh đi trước. Trong môi trường quân đội, em được học hỏi nhiều điều và tiếp thêm sức mạnh tinh thần, tình yêu quê hương đất nước. Nguyện sẽ ra sức học tập, rèn luyện để trở thành người chiến sĩ tốt”. 

Hàng năm, tỉnh Vĩnh Long có trên 1.000 thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự và làm nhiệm vụ ở các đơn vị chủ lực như: Bộ Tư lệnh Quân khu 9, Lữ 25 Công binh, Quân đoàn 4,… Bắt đầu từ năm 2016, khi Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) chính thức có hiệu lực, thời hạn thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ kéo dài 24 tháng, thay vì 18 tháng như trước đây. Đây sẽ là điều kiện tốt để thanh niên rèn luyện và thực hiện tốt vai trò của mình với đất nước.

BÀI, ẢNH: TRUNG NGUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh