Cù lao 2 xã Thanh Bình, Quới Thiện (Vũng Liêm) hôm nay khoác lên mình tấm áo màu xanh trái ngọt, cây lành. Quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới các năm qua đã đem lại sức sống tươi mới, phấn khởi nơi đây.
Con đường đan ở ấp Rạch Vọp (Quới Thiện) do bà con gom góp cùng làm. |
Cù lao 2 xã Thanh Bình, Quới Thiện (Vũng Liêm) hôm nay khoác lên mình tấm áo màu xanh trái ngọt, cây lành. Quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới các năm qua đã đem lại sức sống tươi mới, phấn khởi nơi đây.
Trái cây đặc sản, lợi thế cạnh tranh
Chúng tôi đến nhà Bí thư kiêm Trưởng ấp Thái Bình Lê Văn Một ở xã Thanh Bình, khi ông từ vườn bưởi vào nhà. Ông Một kể người dân xứ này giờ trồng bưởi da xanh nhiều lắm. Cả ấp, đất vườn khoảng 219ha, trong đó tới 2/3 trồng bưởi da xanh.
“Trên ấp Thanh Phong, bưởi da xanh người ta đặt 1- 2 năm nay nhiều, như “đám rừng” vậy”- ông Một nói. Ông Một mới cắt đợt bưởi bán cách đây vài ngày. Số còn lại ông dưỡng để đón đợt tết tới.
“Giá bán bưởi da xanh năm ngoái lúc này khoảng 45.000 đ/kg, còn hiện giờ khoảng 55.000 đ/kg. Nhà nào có bưởi nhiều là trúng”- ông Một còn cho rằng, hàng đặc sản này vào được thị trường khó, giá cao và ổn định thì việc chăm sóc, khống chế dịch bệnh, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác “chuyên nghiệp” hẳn lên.
Toàn xã Thanh Bình hiện có 500ha sầu riêng (sầu riêng Ri 6, sầu riêng Monthong) và khoảng 450ha bưởi da xanh, trong đó khoảng 200ha bưởi đang cho huê lợi. Sầu riêng trồng nhiều ở các ấp: Thanh Lương, Thanh Bình, Thái An, Thái Bình; bưởi da xanh có ở các ấp: Thanh Phong, Thông Lưu, mở sang Cái Dứa, Bình Thủy.
“Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã ra thêm những cây, con giá trị kinh tế cao và bền vững như sầu riêng, bưởi da xanh hay chăn nuôi bò tại xã”- ông Điều Hữu Phước- Chủ tịch UBND xã Thanh Bình nói. Theo ông, tùy diện tích và theo mùa thuận hay mùa nghịch, mà thu nhập với sầu riêng hay bưởi da xanh của nhà vườn nơi đây từ 100- 200 triệu hay 500 triệu, thậm chí cả tỷ đồng mỗi năm.
Chúng tôi ngược lên đầu cồn thuộc địa bàn xã Quới Thiện. Diện tích vườn toàn xã hiện có hơn 1.200ha, trong đó 1.172ha vườn có hiệu quả kinh tế cao (hơn 97%). Cụ thể, diện tích vườn cho thu nhập 100 triệu đồng/ha/năm có 1.058ha, diện tích vườn thu nhập 150 triệu đồng/ha/năm có 45ha.
Các loại trái cây hiệu quả kinh tế cao chủ yếu là bưởi da xanh, sầu riêng, đặc biệt là xoài và cau vàng trồng xen vườn xoài. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Quới Thiện Nguyễn Nhựt Trường, giá bán xoài cát chu khoảng 17.000-18.000 đ/kg, giá xoài xiêm khoảng 25.000 đ/kg. Bà con có xoài bán mùa này trúng.
Ấp Rạch Sâu chuyên xoài. Hầu như cả 190ha đất vườn nơi đây là trồng xoài. Ngoài ra có khoảng 90ha ở ấp Rạch Vọp. Chúng tôi gặp ông Trần Văn Thu- nguyên Chủ tịch UBND xã Quới Thiện.
Ông nói nhà ông trồng 5 công xoài. Dưới gốc xoài trồng xen cau vàng (lá kiểng để kết vòng hoa). “Mấy năm nay rồi, ở đây gần như nhà nào trồng xoài là có trồng xen cau vàng dưới gốc. Đặc thù vườn xoài râm mát, thân cao tán rộng, nên dưới đất trồng xen cau vàng rất hợp. Mình xịt thuốc, rải phân cho xoài, cau vàng “hưởng ké” luôn”- ông Thu nói.
Ông Nguyễn Nhựt Trường cũng đánh giá cao về mô hình này: “Chúng tôi cho đó là lợi thế vườn vùng này, cũng là lợi thế cạnh tranh trong sản xuất, cung ứng hàng hóa sản phẩm nông nghiệp”.
Tiếp tục màu xanh trái ngọt, cây lành
Bình quân thu nhập đầu người đến gần hết năm 2015 của xã Thanh Bình là 31,74 triệu đồng/người/năm. Chủ tịch UBND xã- Điều Hữu Phước cho biết, so với 5 năm trước tức ở đầu nhiệm kỳ, thu nhập 12,29 triệu đồng/người/năm thì nay đã tăng hơn 2 lần.
Mức thu nhập như trên đạt được, đã có phần rất lớn từ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đúng hướng, hiệu quả.
Mùa nối mùa, màu xanh cây lành, trái ngọt tiếp nối ở đất cù lao này. Một vườn bưởi da xanh của người dân ấp Thái Bình (Thanh Bình) đang dưỡng chờ bán tết.
|
Trả lời câu hỏi về điều gì được nhất trong thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới thời gian qua, ông Điều Hữu Phước nói rằng: “Cuộc sống của người dân bớt khó khăn, trình độ dân trí nhận thức nâng lên. Người dân đã ý thức được trách nhiệm của mình với việc phát triển kinh tế địa phương và với chính gia đình mình”.
Trách nhiệm đó được hiểu là sự phối hợp tạo lập mô hình sản xuất bền vững, hiệu quả, gắn với cây (sầu riêng, bưởi da xanh) và con (chăn nuôi bò vỗ béo, bò thịt) của bà con nơi đây.
Cơ cấu phát triển kinh tế- xã hội ở Thanh Bình là 70% nông nghiệp (trồng cây ăn trái), 25% chăn nuôi (bò) và 5% là làm dịch vụ. Dịch vụ cũng là dịch vụ nông nghiệp, phục vụ cho nông nghiệp.
Chính quyền địa phương, người dân nơi đây có nhận định chung thế này: cái gì (cây, con) đem lại hiệu quả kinh tế cao và rõ ràng, thực tế, thì chỉ cần tác động nhẹ một cái là người dân nhanh chóng phối thực hiện theo. Những kết quả sản xuất nói trên có lẽ cùng chung “hiệu ứng” như vậy.
Ông Năm Thu nhận định: “Năm nay “sốt” xoài. Năng suất ổn, giá cả tương đối cao. Đây cũng là mùa hy vọng trong năm, vì giá có thể giữ chân từ đây tới tết”.
Theo ông Năm Thu, cũng vì năng suất và giá cả khá ổn định nên các năm qua đời sống, thu nhập của người dân xứ này đã nâng lên nhiều. Ít nhất cũng 10-15 năm qua, hay như nhà ông Năm Thu, xoài đã có mặt và góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Nhựt Trường chỉ chúng tôi con đường đan ngang bên sông, thuộc ấp Rạch Vọp. Đó là đoạn đường do Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó kinh phí gần như do người dân trúng mùa xoài góp lại. Kinh tế nông nghiệp đem lại hiệu quả cao, đã góp phần cải thiện các mặt đời sống của người dân địa phương là vậy.
Một con đường sắp hoàn thành tại Thanh Bình. Nhà cửa khang trang, đường sá hoàn thiện, góp phần nâng chất đời sống người dân cù lao hôm nay. |
Cù lao Dài ngày trước phát triển kinh tế nông nghiệp chủ yếu từ lác, trồng cây ăn trái, chăn nuôi. Quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, cô đọng lại là các cây trồng chủ lực, hiệu quả như: sầu riêng, bưởi da xanh, măng cụt, chôm chôm, xoài... hay chăn nuôi bò.
Thanh Bình, Quới Thiện hôm nay xanh màu xanh miên man cây lành, trái ngọt. Và vẫn tiếp tục xanh một màu xanh trái ngọt, cây lành bên dòng Cổ Chiên trong quá trình phát triển.
Chủ tịch UBND xã Thanh Bình Điều Hữu Phước |
Cuộc sống của người dân giảm bớt khó khăn, trình độ dân trí nhận thức nâng lên. Người dân đã ý thức được trách nhiệm của mình với việc phát triển kinh tế địa phương và với chính gia đình mình. |
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin