Đó là những người phụ nữ Việt Nam "anh hùng bất khuất, trung hậu đảm đang", những người phụ nữ không chỉ hy sinh chồng, con cho độc lập, mà còn cống hiến cả thanh xuân và sức vóc của mình, đó là mẹ Việt Nam.
Trong cái se lạnh sớm mai của những ngày cận tết, chúng tôi về xã Hòa Bình (Trà Ôn) để thăm những Mẹ Việt Nam anh hùng, được phong tặng danh hiệu trong ngày 2/2.
Vào ấp Tường Thạnh rồi lại băng qua một cánh đồng vào ấp Hiệp Thạnh, chúng tôi thấy lòng ấm lên khi được gần, được nghe những câu chuyện “rứt ruột” của các mẹ, cảm nhận mùa xuân đã đậu xuống thềm nhà.
Đó là những người phụ nữ Việt Nam “anh hùng bất khuất, trung hậu đảm đang”, những người phụ nữ không chỉ hy sinh chồng, con cho độc lập, mà còn cống hiến cả thanh xuân và sức vóc của mình, đó là mẹ Việt Nam.
Mẹ Gỏ kể về con dao kỷ vật kháng chiến của chồng. |
Đau thương lắm nhưng cũng kiên hùng lắm
Tết này, mẹ Huỳnh Thị Gỏ tròn 90, mẹ vẫn còn có thể đi dạo chơi xung quanh hàng xóm láng giềng nhưng ký ức thì lúc quên, lúc nhớ. Tuy nhiên, những người con lớn, đã nghe mẹ kể nhiều lần, đã từng chứng kiến chính là “nhật ký” của mẹ.
Mẹ có chồng là liệt sĩ Nguyễn Văn Ba và con trai là liệt sĩ Nguyễn Văn Hùng đều hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mẹ không còn nhớ rõ chồng, con mình đã hy sinh như thế nào chỉ có thể nói “đau thương lắm”.
Theo lời kể của ông Nguyễn Thanh Hồng- con trai thứ 4 của mẹ cũng là thương binh 2/4: “Ba tôi bị bắt đày ra Côn Đảo hơn 10 năm thì được về trong đợt trao trả tù binh với Pháp. Sau đó, ba về tiếp tục hoạt động cách mạng và đến năm 1959, trong một lần ám sát sĩ quan Mỹ, ba tôi bị giặc bắn chết. Năm đó, tôi mới lên 10 tuổi.
Bản thân mẹ Gỏ là người tù kháng chiến. Những năm 60, mẹ là Phó Hội Phụ nữ xã Hòa Bình từng lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh, biểu tình của phụ nữ xã.
Tai, mắt đã suy giảm vì tuổi cao, nhưng giọng mẹ Gỏ khá rành rọt dù câu chuyện dễ lẫn lộn đầu đuôi: “Tui hô trước “Đả đảo bất công” thì chị em cũng hô theo, mình hô bất công mà nó cũng bắt, nó kêu mình “Đả đảo cụ Hồ” tui đâu có chịu.
Vậy là nó bắt tui đi từ Hòa Bình đến Trà Vinh rồi lên khám lớn, ngót nghét 1 năm trời”. Mẹ Gỏ chỉ những vết thương, cách hành hạ tù binh của Mỹ,… Tui nói tui không biết gì hết”.
Đòn roi của giặc không làm mẹ sợ, nhà mẹ có 2 hầm bí mật mẹ nuôi cán bộ tỉnh về. Còn nhớ, lần giặc vào nhà xét đồng chí Hai Mai không kịp chạy đi đã chui vào hầm dưới bồ lúa trốn. Chúng nó nghi, đốt bồ lúa “Cũng hên là đồng chí Hai Mai thoát nạn lần đó”- ông Nguyễn Thanh Hồng kể.
Mẹ Gỏ còn quyên góp “hũ gạo kháng chiến” và vận chuyển vào cho bộ đội. Mẹ còn nhớ những lần qua bót giặc “Tui kêu trước, tui đi chợ mấy chú ơi!” Trên bót hỏi vọng xuống: “Bà đi đâu mà chở nhiều vậy?” “Dạ ông nội tui chết, tui chở đồ đi làm đám”- mẹ Gỏ cười móm mém.
Còn nhiều nữa những hy sinh thầm lặng, những hành động anh hùng của mẹ nhưng mẹ không còn nhớ rõ. Nhưng kỷ vật của chồng, mẹ xem như bảo vật không thể nào quên: Đó là con dao găm dùng giết Việt gian.
Mẹ đã cất nó như cất cả một quá khứ hào hùng của chồng và cả tình yêu thương của người vợ. “Tui cất mà tụi nhỏ không biết chỗ nào đâu”. Rồi mẹ đem con dao khoe với chúng tôi, vui như niềm tự hào về chồng, về con của mẹ.
Lòng yêu nước của cha, của mẹ đã truyền cho ông Hồng và ông đã thoát ly gia đình đi kháng chiến.
Cầm cày nuôi con
Mẹ Đặng Thị Bê (79 tuổi) là hàng xóm láng giềng của mẹ Gỏ lại là một phụ nữ chịu thương chịu khó, thay chồng nuôi 7 người con khôn lớn. Mẹ Bê có chồng là liệt sĩ Trương Văn Hiệu và con là liệt sĩ Trương Văn Tịnh cùng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Mẹ còn nhớ rất rõ buổi chiều 30/9/1971, mẹ hay tin chồng mất. “Nghe anh em kể lại, đang họp thì "cán gáo" quần đảo, chồng tôi bị giặc bắn hy sinh ngay giữa đồng. Sợ giặc lôi mất xác, anh em mới chặt chiếc xuồng ra làm đôi, úp xác rồi tấp bùn lên chôn ngay tại ruộng”.
Chồng mất khi mẹ sinh người con trai út mới được mấy tháng, nhà lại ở trong vùng chiến lược. Thương chồng, mẹ chỉ dám nuốt nước mắt vào lòng.
Rồi người con trai thứ ba cũng ra đi theo tiếng gọi non sông. Mẹ chỉ tay: “Nhà kế bên đây, cũng có thằng con tuổi cỡ thằng Ba nhà này. Cha cũng tham gia kháng chiến. Nó mới 15, 16 tuổi mà bị tụi nó bắt bớ, đánh đập và bắn chết luôn tại chỗ. Nên khi thằng Ba xin theo con đường của cha nó, tui không cản”.
Mẹ Bê vui vầy bên con cháu. |
Mẹ Bê cười hiền khô: “Cưới nhau xong thì ổng vào du kích đi bẩm thê lê luôn. Tui cũng không biết ổng đi đâu, chỉ biết ở nhà cố gắng làm lụng nuôi con”.
Chồng hy sinh khi con gái lớn nhất mới lên 10, đứa út mới tròn 8 tháng. Ngày ngày, mẹ Bê buông dầm cầm chèo để nuôi con. Nhà có đôi trâu, tới mùa là mẹ cầm cày đổi công cấy, rảnh mùa thì mẹ đi buôn bán “lăn lóc ngược xuôi”.
Có những khi đi làm đồng về mệt và đói, nhà còn mấy chén cơm nguội mẹ cũng không dám ăn, đành ôm bụng đói để dành chia phần tụi nhỏ. Cứ sáng cơm, chiều cháo mà mẹ đùm bọc bầy con 7 đứa lây lất đi qua những tháng năm bom đạn ì đùng.
Bây giờ thì mẹ đã thấy sướng rồi “Cơm ngày 2 bữa no, ngon không còn sợ giặc giã nữa và còn vinh dự được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Bên ngôi nhà khang trang, mẹ Bê vui cùng cháu nội, cháu cố. Ngoài sân, mấy cây mai đã nở vàng. Niềm vui hòa bình, vui vì có Đảng rạng ngời trong đôi mắt mẹ. Chúng tôi ra về, mẹ nói tới, nói lui mấy bận: “Bây giờ mẹ vui dữ lắm, mong sống thêm vài năm nữa để hưởng cảnh yên vui. Mà mấy đứa lần sau ghé, điện cho mẹ hay trước, ăn với mẹ bữa cơm nghe”.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin