Tết đã đến gần thật gần, lịch trao quà tết của các tổ chức, cá nhân, công ty, doanh nghiệp cũng dày đặc hơn… Bỗng nhớ đến câu chuyện những cuộc "vi hành" ngày cuối năm của Bác- rơi nước mắt khi chứng kiến dân ta "Tết mà không có tết".
Tết đã đến gần thật gần, lịch trao quà tết của các tổ chức, cá nhân, công ty, doanh nghiệp cũng dày đặc hơn… Bỗng nhớ đến câu chuyện những cuộc “vi hành” ngày cuối năm của Bác- rơi nước mắt khi chứng kiến dân ta “Tết mà không có tết”. Bác ơi! Học theo gương Bác, ngày nay, cả xã hội đang chung tay góp sức cho người nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đều có tết. Cái tết ấm nồng bởi tình người, tình dân tộc.
San sẻ yêu thương cho xuân thêm ấm. |
Không ai “không có tết”
Bà Phạm Thị Loan- Chủ tịch UBND xã Tân Phú (Tam Bình) cười rạng rỡ: “Đảm bảo hộ nghèo, hộ cận nghèo hay rơi vào hoàn cảnh khó khăn đều có ít nhất 2 phần quà trong tết này”. Vì ngoài phần quà do Nhà nước hỗ trợ, xã Tân Phú còn làm rất tốt công tác xã hội hóa nhiều năm nay để “tết đến, có nhiều cá nhân, tổ chức tặng quà”.
Cùng bà Loan đi trao những căn nhà mới, xóa nhà tạm cho 15 hộ dân ngày gần tết, chúng tôi thấy niềm hạnh phúc ngọt ngào của cả nhà hảo tâm lẫn người được trao nhà. Đó là Hội Từ thiện Cà phê Suối Mơ đã nhớ từng hoàn cảnh khác nhau để hỏi han, tặng quà. Còn nữa, những bà cụ hơn 80 tuổi vẫn chịu khó ngồi xe gần 4 giờ liền để từ TP Hồ Chí Minh về huyện Tam Bình làm từ thiện. Vợ chồng anh Nguyễn Hoàng Dũng (xã Tân Phú) ôm đứa con hơn tháng tuổi cười: “Hôm bữa khởi công nhà thì tui đi sanh nó, nay đã có nhà đàng hoàng ở rồi”.
Trên đường đi trao quà, chúng tôi rôm rả chuyện trò chuyện làm ăn,… Chủ một doanh nghiệp bảo đừng ghi tên anh, vì: “Tụi anh rất vui khi được lo cho mọi người cái tết ấm cúng hơn”.
Tôi thích những chuyến đi trao quà tận nhà, vì ở đó chúng tôi hiểu thế nào là “của cho không bằng cách cho”. Chúng tôi đã thấy những cô chú đại diện nhà hảo tâm không khỏi chạnh lòng khi ghé những căn nhà tạm bợ... Để rồi, có người phải ra hiên nhà, lặng lẽ lấy thêm tiền cho vào bao thư bổ sung cho phần quà ấy.
Hội Chữ thập đỏ TP Vĩnh Long và các cơ sở hội trực thuộc sẽ trao hơn 5.000 phần quà tết cho bà con nghèo thành phố dịp tết này. 8 giờ 15 phút sáng 29/1, Hội Chữ Thập đỏ TP Vĩnh Long đã trao xong hơn 105 phần quà cho người nghèo, nạn nhân da cam, trong khi chương trình 7 giờ 30 mới bắt đầu, sớm hơn những chương trình trao quà tôi từng thấy. Mấy cô chú trao quà cho biết: Đơn giản vì bà con đến sớm, mình phát sớm, chỉ nhắn nhủ dăm ba câu rồi phát quà cho bà con đỡ mệt.
Ấm tình người
Còn nhớ nụ cười hồn nhiên của em Vũ Thị Tuyết Sương (Phường 5)- nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Em bước cao bước thấp ôm quà ra về. Còn tôi ôm túi gạo, song hành cùng em chờ người nhà đến rước: “Em mừng lắm chị. Tết nào cũng có người cho quà. Mẹ em chỉ cần mua thịt heo nữa là đủ rồi”. Cô Nguyễn Thị Hà (Phường 9) cũng khoe: “Tuần sau, cô còn đi nhận một phần của phường nữa nè! Nhiều người thương mình, cho mình quà còn vui vẻ hỏi thăm mình nữa con”.
Cùng các bạn đoàn viên Phường 9 (TP Vĩnh Long) đến thăm những gia đình trẻ mồ côi, chúng tôi biết các em cần nhiều hơn những phần quà. Tuy nhiên, quà tặng là cả tấm lòng thơm thảo của người cho, như một phần san sẻ chứ không đơn thuần là hiện vật.
Chúng tôi thắp nén hương cho người vợ mới mất cách nay mấy tháng của anh Nguyễn Hồng Vũ. Gương mặt trẻ trung, xinh đẹp ấy khiến ai trong chúng tôi cũng chạnh lòng. Vợ anh mất ở cái tuổi 32 bởi căn bệnh lạ trước nay hiếm có. Sau vài tháng phát bệnh, chị qua đời. Căn nhà của anh chị vỏn vẹn 11m2, trong một con hẻm vừa đủ cho 1 chiếc xe máy chui vào. Anh Vũ cười buồn: “Đây là nhà của năm cha con tôi”. Chị mất đi, để lại cho anh 4 đứa con (3 trai, 1 gái- PV), trong đó, cháu lớn nhất mới lớp 5 và bé nhỏ nhất đang học mẫu giáo. Ngày ngày, anh Vũ đi làm thợ nhôm nuôi các con. Phần quà cho anh: gạo, bánh kẹo, sữa, quần áo, tập vở, mì,… 200.000đ và cả sự sẻ chia cảnh “gà trống nuôi con”. Chia tay chúng tôi ra về, anh dẫn theo cô con gái út. Bé cười hồn nhiên vẫy đôi tay trắng nõn chào cô chú…
Trong khi đó, chị Phạm Thị Kim Hạnh với công việc phụ quán cơm, thu nhập 70.000 đ/ngày ở Phường 9 lại là chỗ dựa cho 3 đứa con. Chồng chị mất cách đây hơn 4 tháng. Căn nhà nhỏ không có một vật gì giá trị ngoài mấy cái bằng khen của con. Chị Hạnh khoe: “Mấy đứa nó biết mình nghèo, ráng học giỏi nên tui mừng lắm,... Cỡ nào cũng ráng cho nó đi học”. Thương mẹ, con trai lớn đang học cấp III, ngày học đêm đi làm thêm 1 buổi ở Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên được 30.000 đ/buổi. “Tội nghiệp, nó hiểu chuyện rồi, tự cố gắng lo tiền học, không để tui lo”. Phần quà tết mà các đoàn viên Phường 9 đem lại cho chị sẽ là niềm động viên, an ủi, bởi “tui cũng chưa sắm sửa được gì cho tết”- chị Hạnh nói.
Tết là dịp để gia đình đoàn tụ, là lúc cho mọi người thể hiện tình người, sự yêu thương đồng cảm với những mảnh đời khó khăn trong xã hội. Giờ đây, thực hiện tâm nguyện của Bác Hồ làm sao để đồng bào ta “ai cũng có tết” thì không chỉ có Đảng, Nhà nước quan tâm mà còn có các tổ chức, cá nhân chung một tấm lòng, sẻ chia cho xuân thêm ấm.
Bà Nguyễn Thị Lệ- Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Vĩnh Long nói: “Chúng tôi luôn biết ơn những nhà hảo tâm đã đồng hành cùng hội trao quà cho người nghèo, người già neo đơn,… góp phần sẻ chia những khó khăn trong xã hội. Để tạo được niềm tin cho các nhà hảo tâm, chúng tôi luôn cố gắng tổ chức các chương trình thật tốt, thu chi rõ ràng, quà đúng người. Tết Bính Thân này, riêng Hội Chữ thập đỏ thành phố sẽ cố gắng vận động và đảm bảo sao cho người nghèo TP Vĩnh Long đều có tết”.
|
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin