Soạn giả, NSND Viễn Châu qua đời

08:02, 02/02/2016

Ông mất đi, nghệ thuật sân khấu cải lương đã mất một bậc đại thụ dày công đóng góp, để lại sự thương tiếc vô bờ trong lòng giới nghệ sĩ và công chúng mộ điệu.

Sau một thời gian dưỡng bệnh tại nhà riêng, NSND Viễn Châu qua đời vì tuổi cao sức yếu, vào lúc 13 giờ 15 phút ngày 1/2, hưởng thọ 92 tuổi. Tang lễ của ông sẽ được tổ chức tại Nhà Tang lễ TPHCM. NSND Lệ Thủy, NSND Kim Cương và Ban ái hữu nghệ sĩ của Hội Sân khấu TPHCM cùng gia đình đang chuẩn bị hậu sự cho ông.

 

Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là hương cả, là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá.

Năm 19 tuổi, ông đã mày mò học và đàn thạo các loại đàn tranh, violon, guitar được đánh giá là bậc thầy đờn tranh cùng với Năm Cơ đàn sến và Văn Vỹ guitar phím lõm.

Năm 1950, ông viết vở cải lương "Nát cánh hoa rừng" với bút danh Viễn Châu, phóng tác từ truyện đường rừng của Khái Hưng. Đây là vở cải lương đầu tiên của ông được đoàn Việt kịch Năm Châu trình diễn trên sân khấu đại ban tại Sài Gòn cũng trong năm 1950, được công chúng hoan nghênh nhiệt liệt.Từ đó, tên tuổi Viễn Châu bắt đầu được giới mộ điệu chú ý. Các tác phẩm biểu diễn đàn tranh của ông được nhiều hãng đĩa thu thanh và phát hành liên tục. Ngoài đoàn Việt kịch Năm Châu, ông còn cộng tác với các đoàn hát: Kim Thanh Út Trà Ôn (1955), Thanh Tao (1958), Thanh Nga (1962), Dạ Lý Hương (1969), Tân Hoa Lan (1969). Đồng thời, ông còn cộng tác với các hãng đĩa Việt Nam (1950), Kim Long (1951), Việt Hải (1953), Thăng Long (1954), Sống Mới (1968), Nhạc ngày xanh (1969), Hồn nước (1973, của Ngọc Chánh sản xuất băng từ),…

Sau năm 1975, ông cộng tác với Đoàn Văn công (1975), hãng băng Sài Gòn Audio (1978) và nhiều đoàn hát ở các tỉnh. Năm 1984, ông cùng đoàn nghệ thuật 284 lưu diễn ở các nước Tây Âu như: Đức, Bỉ, Pháp, Ý.

Cả cuộc đời ông từ năm 1950 trở đi toàn tâm ý dồn hết cho nghệ thuật cải lương được người hâm mộ gọi là ông Vua cải lương. Trong giới cổ nhạc xưa nay, hiếm soạn giả nào có gia tài đồ sộ hơn 2.000 bài vọng cổ và nhiều kịch bản cải lương đóng góp cho kho tàng sân khấu Việt Nam như ông. Ông còn là người khai sinh ra tân cổ giao duyên, khi ghép tân nhạc vào bản vọng cổ.

NSND Viễn Châu đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân năm 2012, Huân chương Lao động hạng Ba vào năm 2014… Ông mất đi, nghệ thuật sân khấu cải lương đã mất một bậc đại thụ dày công đóng góp, để lại sự thương tiếc vô bờ trong lòng giới nghệ sĩ và công chúng mộ điệu.

Theo http://www.sggp.org.vn/vanhoavannghe/2016/2/410974/

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh