Lòng dân Đông Thạnh với Bác Hồ

06:02, 13/02/2016

Bác Hồ kính yêu của chúng ta đi xa nhưng người dân Việt Nam luôn tôn thờ kính trọng. Ở Đông Thạnh (TX Bình Minh), người dân có một tập tục rất hay.

Bác Hồ kính yêu của chúng ta đi xa nhưng người dân Việt Nam luôn tôn thờ kính trọng. Ở Đông Thạnh (TX Bình Minh), người dân có một tập tục rất hay.

Đó là nhà nhà đều thờ ảnh Bác ở nơi trang nghiêm, hàng ngày thắp hương tỏ lòng tưởng nhớ. Đặc biệt, vào dịp Tết Nguyên đán hay lễ Quốc khánh hàng năm, nhiều gia đình còn tổ chức cúng giỗ Bác như ông bà tổ tiên của mình. Họ xem những ngày tết mà có ảnh Bác trong nhà như là Người đang cùng con cháu vui xuân.

Họ còn tâm niệm trong nhà có ảnh Bác để hàng ngày được nhìn thấy Bác mà học tập, soi rọi lại chính bản thân và giáo dục con cháu phát huy truyền thống cách mạng của ông cha đi trước.

Hàng năm, vào ngày 2/9, bà Nguyễn Kim Liên đều tổ chức lễ giỗ Bác Hồ.

Hàng năm, vào ngày 2/9, bà Nguyễn Kim Liên đều tổ chức lễ giỗ Bác Hồ.

 

Bác ở cùng chúng cháu

Những ngày cuối năm, đến xã Đông Thạnh, người dân đã nhộn nhịp đón xuân. Đặc biệt trong nhà dân, bên cạnh bàn thờ tổ tiên, không thể thiếu ảnh Bác Hồ đặt ở nơi trang nghiêm có lư hương, hoa quả tươi.

Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh Nguyễn Văn Dũng cho biết: Năm 2008, xã phát động phong trào thờ ảnh Bác trong nhà, người dân hưởng ứng rất tích cực. Sau này, người dân thống nhất làm khung ảnh Bác bằng nhôm, nhiều hộ còn đặt làm ảnh 3D rất đẹp. Hiện 100% hộ dân, trường học, cơ quan trong xã đều có thờ ảnh Bác.

Để tỏ lòng thành kính vị Cha già của dân tộc cả đời hy sinh cho đất nước, vào dịp tết, lễ Quốc khánh (2/9), nhiều gia đình còn làm giỗ cúng Bác như ông bà, tổ tiên của mình…

Gia đình bà Nguyễn Kim Liên (ấp Thạnh Lý) hàng năm vào ngày 2/9 đều tổ chức giỗ Bác long trọng với heo quay, thịt cá đủ đầy và có đến 70- 80 bà con ở xóm, cùng con cháu về dự.

Bà Liên cho biết: Gần như là tập tục, cứ đến ngày 2/9 là bà con tự đến, người gói bánh, người phụ nấu nướng, mua hoa quả… đến cúng Bác. Người dân, con cháu đến dự giỗ thắp hương tưởng nhớ, khấn lạy rồi cùng nhau quây quần bên mâm cơm ăn uống, vui vẻ bàn luận công đức của Bác...

Trong niềm vui, bà Liên lấy trong tủ ra bức ảnh Bác Hồ theo công nghệ 3D rất đẹp, rơm rớm nước mắt:

“Thời kháng chiến, tôi làm công tác phụ nữ ở địa phương. Khi hay tin Bác mất, tôi bật khóc như đứa trẻ và để tang Bác. Rồi biến đau thương thành hành động chiến đấu chống Mỹ. Sau ngày giải phóng đến ngày 2/9, gia đình tổ chức giỗ Bác được 1 lần. Cách đây khoảng 10 năm, tôi dành một phần tiền hưu hàng năm cúng giỗ Bác để tưởng nhớ vị anh hùng của dân tộc, suốt đời hy sinh cho nước, nhân dân…”.

Rời gia đình bà Liên, chúng tôi đến thăm nhà bà Trần Thị Hợi (ấp Đông Thạnh A). Nhà bà Hợi vừa mới xây xong rất khang trang. Bà cùng con dâu đang lau chùi ảnh Bác chuẩn bị đặt lên tủ thờ.

Bà Trần Thị Hợi cùng con dâu đặt ảnh Bác lên tủ thờ.
Bà Trần Thị Hợi cùng con dâu đặt ảnh Bác lên tủ thờ.

Bà Hợi cho biết: Gia đình thờ ảnh Bác từ hồi còn chiến tranh chống Mỹ. Năm 1988, chồng (ông Trần Văn Nhan- PV) tham gia chiến trường ở Campuchia làm khuôn ảnh bằng cây gõ mun về gắn ảnh Bác thờ. Hồi ổng còn sống (ông Nhan mất năm 2011- PV), hễ thấy ảnh Bác ở tờ báo, pa nô là cắt ra, xếp ngay ngắn cất trong tủ. Ổng còn kéo lụa ảnh Bác.

Tết năm nào ổng cũng dành một ngày để tổ chức cúng tưởng niệm Bác. Ổng mất rồi, gia đình vẫn duy trì việc thờ cúng Bác như ông bà tổ tiên của mình… Và còn rất nhiều người dân ở xã Đông Thạnh cũng thể hiện tấm lòng kính trọng Bác như vậy.

Giáo dục, rèn luyện con cháu

Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh cho biết thêm: Từ việc thờ ảnh Bác, đảng viên, quần chúng học tập làm theo tấm gương của Bác mà từng bước hoàn thiện bản thân. Người dân chí thú làm ăn, cải thiện cuộc sống và sẵn sàng cùng với chính quyền địa phương xây dựng quê hương.

Xã có 3 trường học đều đạt chuẩn quốc gia và hàng năm có từ 20- 30 học sinh đậu các trường đại học. Đặc biệt, xã Đông Thạnh là xã đầu tiên của TX Bình Minh đạt xã nông thôn mới…

Học tập làm theo gương Bác, người dân xã Đông Thạnh sẵn sàng đóng góp công sức, tiền của xây dựng quê hương.
Học tập làm theo gương Bác, người dân xã Đông Thạnh sẵn sàng đóng góp công sức, tiền của xây dựng quê hương.

Bà Liên rất tâm đắc việc thờ ảnh Bác trong nhà, vì qua đó tự soi rọi lại bản thân, học theo tấm gương của Bác và đặc biệt giáo dục con cái. Bà Liên cho biết, trước đây, đứa cháu ham chơi lêu lổng, bà lấy tấm gương của Bác để giáo dục, rèn luyện dần.

Sau này, đứa cháu có nhận thức và đã chí thú làm ăn, trở thành trụ cột trong gia đình. Gia đình bà Hợi cũng giáo dục con cái qua tấm gương của Bác nên 2 đứa con của bà đều thành đạt, hiếu thảo.

Người dân xã Đông Thạnh đều có quan niệm thờ ảnh Bác như là trách nhiệm của con cháu đối với một vị anh hùng dân tộc. Hàng ngày, được nhìn ảnh Bác để học tập, soi rọi lại chính bản thân và giáo dục thế hệ trẻ sau này. Cuộc vận động học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Bác và thờ ảnh Bác trong nhà đã thật sự đi vào lòng người dân nơi đây.

Bài, ảnh: VĂN MINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh