Hiệu quả từ đề án ngoại ngữ quốc gia

05:02, 17/02/2016

Việc dạy và học ngoại ngữ trong những năm qua luôn được các trường quan tâm, đặc biệt là khi đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 (gọi tắt là đề án) được triển khai. Thực hiện từ năm 2013, đến nay đã có những hiệu quả tích cực…

Việc dạy và học ngoại ngữ trong những năm qua luôn được các trường quan tâm, đặc biệt là khi đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 (gọi tắt là đề án) được triển khai. Thực hiện từ năm 2013, đến nay đã có những hiệu quả tích cực…

Từ khi triển khai đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, đến nay đã có nhiều chuyển biến tích cực đáng ghi nhận (ảnh minh họa).
Từ khi triển khai đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, đến nay đã có nhiều chuyển biến tích cực đáng ghi nhận (ảnh minh họa).

Nâng cao khả năng ngoại ngữ

Đề án “Giáo dục quốc gia 2020” của Bộ GD- ĐT đã được ngành giáo dục tỉnh triển khai thí điểm vào năm học 2014- 2015 cho 2 trường THPT, 12 trường THCS và 62 trường tiểu học. Đây là những trường đáp ứng đầy đủ về năng lực giảng dạy và cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học. Qua đó, Sở GD- ĐT đã xây dựng kế hoạch thực hiện, nắm sát tình hình thực tế.

Theo đề án, giáo viên dạy ngoại ngữ phải đạt trình độ B2 đối với bậc tiểu học và THCS, trình độ C1 đối với bậc THPT, giáo dục thường xuyên, CĐ và trung học chuyên nghiệp theo khung tham chiếu năng lực ngoại ngữ chung của Châu Âu. Để đạt được mục tiêu này, các giáo viên cần được tập huấn để nâng cao trình độ tiếng Anh và phương pháp giảng dạy giao tiếp, lấy người học làm trung tâm để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ.

Mục tiêu của đề án ngoại ngữ quốc gia là đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, CĐ và ĐH có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Để chuẩn bị cho đề án này, Sở GD- ĐT đã liên kết với một số trường ĐH và trung tâm ngoại ngữ để bồi dưỡng nâng cao năng lực trình độ cho giáo viên giảng dạy. Đến nay, đã có gần 50% giáo viên đạt chuẩn B2 ở cấp tiểu học, có gần 23% bậc THCS và bậc THPT có gần 20% giáo viên đạt chuẩn C1.

Cùng với việc đáp ứng yêu cầu về năng lực giảng dạy Tiếng Anh, Sở GD- ĐT còn đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy ngoại ngữ như: tivi, máy vi tính, bảng tương tác thông minh, bộ thiết bị tích hợp dạy Tiếng Anh và một số thiết bị khác.

Những mặt tích cực ban đầu

Sau một năm triển khai, hiện nay, ở các trường thí điểm đã có những mặt tích cực đáng ghi nhận. Theo thầy Nguyễn Hồng Phước- Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm thì qua một năm thực hiện thí điểm, năng lực học ngoại ngữ của học sinh đã có sự tiến bộ rõ rệt.

Các em được tiếp cận gần hơn với chương trình quốc tế, có chủ điểm rõ ràng, phát huy được cả 4 kỹ năng nghe- nói- đọc- viết, xóa bỏ hạn chế của chương trình đang được dạy đại trà ở các trường hiện nay. Từ các tiết dạy sinh động, các em dễ dàng tiếp thu và phát huy tính ham thích học tập của học sinh.

Trong khi đó, tại Trường THPT Mang Thít, khi tiếp nhận đề án, ban giám hiệu nhà trường đã đặc biệt quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và giáo viên giảng dạy đã đạt chuẩn C1, C2 theo tiêu chuẩn Châu Âu và được tham gia đầy đủ các lớp tập huấn nghiệp vụ theo yêu cầu của đề án.

Đồng thời, việc tuyển chọn học sinh theo học chương trình mới được thực hiện ngay từ đầu năm học theo nguyện vọng và nhà trường tiến hành khảo sát năng lực để đánh giá kiến thức ngoại ngữ của học sinh. Qua 1 năm thực hiện thí điểm cho 2 lớp học, học sinh đã có sự tiến bộ rõ rệt, phát huy được khả năng ngoại ngữ của mình.

Thầy Nguyễn Văn Tri Ngôn- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Mang Thít cho rằng, với cách học mới đã giúp các em dễ nhớ từ vựng mới, kích thích sự ham học hỏi của từng thành viên trong nhóm. Nhờ đó, việc học Tiếng Anh theo chương trình mới sẽ dễ dàng hơn đối với các em.

Dù là chương trình giảng dạy mới nhưng việc dạy và học đã phát huy được những hiệu quả ban đầu. Không như phương pháp dạy truyền thống, chương trình học theo đề án ngoại ngữ quốc gia đã phát huy được khả năng tư duy, tính sáng tạo và tìm tòi học hỏi của học sinh, đặc biệt các em được làm quen với kỹ năng làm việc nhóm ngay từ cấp tiểu học, THCS,…

Theo Sở GD- ĐT, sau 3 năm thực hiện đề án (giai đoạn 2013- 2015), tuy có những thuận lợi, có những bước tiến bộ và phát triển nhất định nhưng so với trình độ chung của khu vực và cả nước thì vẫn còn hạn chế về đội ngũ, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học. Đồng thời trình độ giáo viên khi khảo sát năng lực lần đầu thấp nên công tác bồi dưỡng đạt chuẩn vẫn còn nhiều khó khăn…

 

Bài, ảnh: KHÁNH DUY- THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh