Hái lộc đầu năm

05:02, 04/02/2016

Từ ngàn xưa, người Việt có tục hái lộc đầu xuân. Vào thời điểm sau giao thừa hoặc sớm mùng 1 Tết, người dân đến đình, chùa để hái một cành lộc non mang về với ý nghĩa xin cành lộc nhỏ ở chốn linh thiêng để rước tài lộc, may mắn về nhà.

Từ ngàn xưa, người Việt có tục hái lộc đầu xuân. Vào thời điểm sau giao thừa hoặc sớm mùng 1 Tết, người dân đến đình, chùa để hái một cành lộc non mang về với ý nghĩa xin cành lộc nhỏ ở chốn linh thiêng để rước tài lộc, may mắn về nhà.

Cùng nhau đi hái lộc

Trong hái lộc đầu xuân, lộc là một mầm non bé bỏng vừa nhú ra từ thân cây, từ nách lá. Theo tục người xưa, đầu năm, dân chúng thường ghé lại các cây cổ thụ trong sân đình, chùa để hái một nhánh non đem về treo trước nhà hoặc chưng trên bàn thờ và hy vọng rước được phước lộc về cho gia đình. Việc hái lộc mang ý nghĩa nhân văn vô cùng tinh tế, đó là những điều may mắn, những điều ta cầu, ta mong ước.

Gia đình anh Sâm- chị Thảo nhiều năm nay vẫn giữ tục lệ sáng sớm mùng 1 Tết cả nhà sẽ đi đến vài chùa để cúng vái và hái lộc đầu năm mong may mắn tốt lành cho năm mới, cả nhà được khỏe mạnh, an khang thịnh vượng. “Lộc chỉ cần một nụ nhỏ thôi, không nhất thiết phải bẻ cành, bứt cây. Hái một nụ nhỏ xanh tươi tốt nơi chốn linh thiêng đem về nhà đặt lên bàn thờ với mong muốn mọi chuyện không hay của năm cũ sẽ qua, may mắn tốt lành trong năm mới sẽ đến, mọi chuyện sẽ đâm chồi nảy lộc. Theo tôi, đây là một hành động tâm linh, có giá trị tinh thần, mình tin tưởng và hiểu đúng phong tục của nó thì sẽ rất hay rất đẹp”- anh Sâm chia sẻ.

Tục hái lộc đầu năm còn thu hút cả giới trẻ. Bạn Kim Ngân (20 tuổi) cho biết: “Sáng mùng 1 Tết, cả đám bạn chúng em cũng đi chùa hái lộc, dù không hiểu rõ tục lệ này lắm nhưng tụi em mỗi đứa cũng hái cho mình một nhánh cây nhỏ hoặc nụ hoa nhỏ xinh để lấy lộc, tụi em chủ yếu là đi chơi, cúng viếng chùa cầu mong may mắn trong năm mới”.

Để giữ mãi nét đẹp đầu xuân

Tục hái lộc là một nét đẹp văn hóa truyền thống ngày Tết ở Việt Nam mang ý nghĩa tâm linh, giá trị tinh thần với hy vọng một năm mới nhiều may mắn, tốt lành. Cành lộc rất nhỏ của các loại cây có sức sống mạnh mẽ như sanh, si, sung, đa cũng có ý nghĩa tượng trưng là mang lộc chồi, mang sự sinh sôi nảy nở về nhà. Hái lộc ở đền, chùa ngụ ý xin hưởng một chút lộc của Thần, Phật ban cho đầu năm mới.

Nét đẹp ấy của ông cha ta như muốn nhắc nhở rằng tất cả những may mắn, niềm hạnh phúc của bản thân ta đều xuất phát từ cái tâm, từ hành động, lời nói, ý nghĩ hướng thiện mà chúng ta tạo nên.

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, nhận thức của nhiều người về tục hái lộc đầu xuân đã sai lệch, mang khía cạnh tiêu cực. Sai lầm lớn nhất là nghĩ rằng cành cây càng to, lộc càng nhiều. Vì thế nên nhiều người mang hẳn cả dao đi để “chặt lộc” chứ không phải hái lộc. Có người còn trèo lên cây cao để chọn “lộc đẹp” và không hái riêng cho mình mà còn hái hộ cho bạn bè, người thân. Có người còn lấy cả xe máy chở chậu cây cảnh nhà chùa về cho “đại cát, đại lợi”.

Sự lạm dụng và hiểu sai ý nghĩa có thể gây ra hình thức phá hoại môi trường, gây hình ảnh không đẹp trong ngày Tết cổ truyền. Mong rằng mỗi người trong chúng ta, khi đi chơi xuân, hái lộc đầu năm cần phải hiểu rõ phong tục, không nên hái lộc theo kiểu tràn lan để giữ gìn môi trường sống xanh- sạch- đẹp của chúng ta.

Bài, ảnh: HẢI YẾN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh