Góp tình riêng xây tượng đài bất tử

06:02, 03/02/2016

Tỉnh Vĩnh Long hiện có 2.696 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Nhưng đó không còn là một con số cụ thể nữa, khi mà mỗi cuộc đời mẹ là cả một câu chuyện dài về những mất mát hy sinh, đã hòa quyện vào niềm tự hào chung của lịch sử dân tộc. 

Tỉnh Vĩnh Long hiện có 2.696 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Nhưng đó không còn là một con số cụ thể nữa, khi mà mỗi cuộc đời mẹ là cả một câu chuyện dài về những mất mát hy sinh, đã hòa quyện vào niềm tự hào chung của lịch sử dân tộc.

Khi mà thời gian của từng ngày trôi qua là thử thách ghê gớm đối với quý mẹ đều đã bước vào tuổi “gần đất, xa trời”. Do đó, mỗi đợt phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” là niềm vui, niềm hạnh phúc của quý mẹ cũng đã trở thành niềm vui chung của toàn xã hội.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh- Trương Văn Sáu trao bằng phong tặng “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” đến các mẹ.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh- Trương Văn Sáu trao bằng phong tặng “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” đến các mẹ.

Cho dù có chứng kiến bao nhiêu lần những ngày lễ như thế này, dù tiếp xúc nhiều mẹ rồi nhưng chúng tôi vẫn khó lòng kiềm nén được cảm xúc. Các mẹ đều đã tuổi cao sức yếu, có mẹ phải ngồi xe lăn, có mẹ cũng không kịp đợi đến ngày được chứng kiến phút giây này.

Mỗi mẹ là cuộc đời riêng, nhưng tất cả đều có một điểm chung là sẵn sàng chịu mọi gian khổ, hy sinh, không đòi hỏi gì cho riêng mình, chỉ có mong muốn bình dị là con cháu thành người, mãi mãi trung thành với Tổ quốc, để xứng đáng với thế hệ cha ông, xứng đáng truyền thống yêu nước của dân tộc.

Trong đợt này, Vĩnh Long có thêm 139 Mẹ Việt Nam anh hùng; nhưng chỉ có 26 mẹ được phong tặng, và trong đó đã có đến 9 mẹ vì lý do sức khỏe nên không đến dự lễ.

Hỏi thăm, cả đêm qua, hầu như các mẹ đều có chung tâm trạng bồn chồn khó ngủ được bởi niềm vui, niềm hạnh phúc quá lớn lao và những kỷ niệm cũ ùa về, tạo nên cảm xúc buồn vui lẫn lộn. Mẹ Trương Thị Ba (85 tuổi, ở xã Vĩnh Xuân- Trà Ôn) mới 5 giờ sáng đã tươm tất trong bộ áo dài mới may. Mẹ có chồng là liệt sĩ Nguyễn Văn Tó và con trai là liệt sĩ Nguyễn Văn Long.

Bản thân mẹ cũng tham gia kháng chiến. Mẹ Ba nói, giọng sang sảng: “Chồng con tôi đều hy sinh mà tôi không nhìn mặt được lần cuối cùng. Đau thì có đau mà giận lắm, quyết đánh giặc chứ không có nguôi lòng”.

Mẹ Ba cười khoe: “Thằng cháu nội nay đã lớn, đòi thi vô ngành công an noi gương cha, ông nó”. Mẹ Ba nói thêm: “Không ai mong chồng con mình hy sinh để được ngày này đâu. Hồi đó, mình chiến đấu vì nhiệm vụ với đất nước chứ mình không nghĩ sẽ được gì đâu. Nhưng được Đảng, Nhà nước quan tâm, mẹ rất vui mừng, mừng vì mọi người còn nhớ
tới mình”.

Đối với mẹ Võ Thị Cần (xã Hiếu Nhơn- Trà Ôn) thì niềm vui hôm nay chen lẫn những nỗi buồn. Chồng của mẹ là liệt sĩ Huỳnh Văn Hòn, hy sinh năm 1961 và con trai là liệt sĩ Huỳnh Văn Tuội hy sinh năm 1974. Mắt mẹ ngân ngấn nước: “Ngày ổng hy sinh, tôi có bầu thằng út mới hơn 1 tháng, vừa thương chồng, vừa thù giặc, vừa tủi phận mình và thương con không biết mặt cha”. Rồi người con trai thứ hai lớn lên xin đi bộ đội, mẹ đâu nỡ chối từ. Ngày anh đi, mẹ Cần đã chuẩn bị sẵn sàng tâm lý cho những cuộc chia tay không gặp lại. Nhưng sự hy sinh của anh thì lòng mẹ sao tránh khỏi đau buồn: “Nó hy sinh cũng độ này năm 1974, còn mấy tháng nữa là giải phóng rồi. Cũng trong đêm đó, người anh chú bác cũng hy sinh”.

Khi đất nước chiến tranh, các mẹ đã trở thành những người chiến sĩ âm thầm lập nên những chiến công; rất nhiều mẹ không ngại gian nguy, đào hầm nuôi giấu, đưa cán bộ qua sông,… bị địch bắt giam cầm, đánh đập dã man vẫn cắn răng chịu đựng.

Trong khi đó, những người thân, gia đình các mẹ được truy tặng cũng không giấu được ngậm ngùi vì “mẹ không còn để nhận vinh dự này”. Cô Nguyễn Thị Năm (Phường 5- TP Vĩnh Long) rơi nước mắt: “Mẹ tôi (mẹ Nhung) mất sớm. Cả đời mẹ chỉ có khổ cực, đau thương, không chờ được giây phút này”. Mẹ Nhung có 5 người con là 5 người tham gia cách mạng.

Trong đó, có 3 người con hy sinh. Bản thân mẹ Nhung và cô Năm cũng nuôi chứa cán bộ, nhà cô có đến 4 hầm bí mật. Cô Năm nhớ nhất là cái chết của người anh thứ tư, hy sinh rồi còn bị địch chặt đầu quăng dưới sông, người dân thương tiếc nên lặn mò ráp lại.

Rồi người em thứ sáu, bị địch truy đuổi bắn bị thương. “Nó chui vào trong hầm nhưng lính lần theo dấu máu tới. Lúc đó, còn anh vợ nó ngồi chung trong hầm. Nó ôm 3 trái lựu đạn, kêu anh vợ chạy đi. Nó quăng 2 trái lựu đạn lên giết địch, còn 1 trái nó tự xử mình”- cô Năm lại chậm nước mắt.

Từ cù lao Dài, mẹ Mai Thị Tám và con trai là chú Nguyễn Đồng Tâm đến với lễ truy tặng, phong tặng trong niềm vui, tự hào và hạnh phúc. Mờ sáng, mẹ con chú Tâm đã có mặt phía bên kia phà để lên xe. Mẹ Tám nói, mắt còn sưng: “Vui lắm nên không ngủ được. Ngày trước hòa bình là đủ vui rồi, nay còn được danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng”.

Các mẹ đều đã tuổi cao, sức yếu.
Các mẹ đều đã tuổi cao, sức yếu.
 

Mang trong mình căn bệnh ung thư đại tràng, mẹ Nguyễn Thị Đồng xã Hiếu Nhơn (Vũng Liêm) vẫn rạng rỡ niềm vui: “Mẹ xem đây là vinh dự của chồng, của con mẹ”. Trong dòng họ của mẹ Đồng có đến 16 người hy sinh và 7 Mẹ Việt Nam anh hùng.

Mỗi cuộc đời được kể lại bằng nước mắt, bằng nỗi đau đứt ruột; nhưng vẫn chứa đựng niềm tin, ý chí sắt đá của những người phụ nữ kiên cường. Và tất cả những cuộc đời ấy, đã hợp thành niềm tự hào dân tộc, xây nên những tượng đài bất tử của Tổ quốc.

Trong đợt phong tặng, truy tặng lần này, được diễn ra trong những ngày giáp Tết Bính Thân, không khí mùa xuân đã tràn về khắp mọi nẻo quê hương. Đặc biệt, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vừa kết thúc thành công rực rỡ. Toàn quân, toàn dân ta càng vững tin vào sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, bảo vệ vững chắc những thành quả cách mạng đã đánh đổi bằng biết bao xương máu của các thế hệ anh hùng liệt sĩ, sự hy sinh thầm lặng lớn lao của quý mẹ; hiện thực hóa lời dặn của Bác: “Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Văn Quang: “Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến các Mẹ Việt Nam anh hùng, chăm lo cho gia đình chính sách, các đồng chí thương binh và người có công với cách mạng. Việc phụng dưỡng được thực hiện bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú”.

Bài, ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh