Trong những tháng cuối năm 2015, xã Mỹ Hòa đón nhận liên tiếp những niềm vui, khi Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy phép chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi Năm Roi Bình Minh.
Trong những tháng cuối năm 2015, xã Mỹ Hòa đón nhận liên tiếp những niềm vui, khi Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy phép chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi Năm Roi Bình Minh.
Trước đó, làng tàu hủ ky Mỹ Hòa cũng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu. Đó là cơ sở để sản phẩm địa phương có điều kiện vươn mạnh ra thị trường trong nước và hướng đến thị trường quốc tế. Đây cũng là 2 loại đặc sản được “săn đón” mỗi khi vào vụ tết.
Chị Hằng đang ra sản phẩm tàu hủ ky. |
Làng nghề ăn “tết ấm”
Những ngày này, từ thị trấn Cái Vồn vừa qua đò Bờ Chùa vừa “giáp mặt” làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa nằm ngay bên sông Từ Tải, đã thấy không khí rộn ràng. Từ chủ lò cho đến các người thợ đều phấn khởi, dù ai cũng đang hối hả cuốn theo những đơn hàng tết từ khắp nơi trên cả nước.
Những kiện hàng đầy ứ được đóng kiện, những bếp lò đỏ lửa hầm hập như một công trường; những ghe than cặp bến liên tục... Tết năm nay đã khác trước nhiều lắm. Ai đã nhiều lần đến đây, thì sẽ không khỏi ngạc nhiên, vì giờ đây đã không còn nghe bà con than thở nữa, dù vẫn còn nhiều việc phải làm để đẩy mạnh sự phát triển bền vững của làng nghề, nhưng gặp ai cũng thấy cười rạng rỡ và câu nói cửa miệng “sống được” là biết năm nay bà con làng nghề sẽ ăn “tết ấm”.
Ông Đinh Công Hoàng (Ba Hoàng)- Chủ nhiệm Tổ hợp tác sản xuất Tàu hủ ky Mỹ Hòa- hồ hởi cho biết: “Ôi, vào mấy ngày này là quay không kịp thở, đơn hàng mối quen, mối mới đặt tới tấp, nên lò đỏ lửa 24/24, thợ làm bở hơi tai, còn mình cũng quay như chong chóng”.
Đầu tư cả tỷ bạc mở rộng sản xuất, các dãy lò luân phiên đỏ lửa, mỗi ngày lò ông Ba Hoàng sử dụng khoảng 1 tấn đậu nành nguyên liệu, xuất thành phẩm 200- 250kg/ngày. Mặc dù giá xuất lò năm nay chỉ có 80.000đ/kg (thấp hơn năm rồi 10.000đ), những bù lại số lượng tăng lên và giá cả nguyên liệu thì rất ổn định, nên vẫn có lời.
Từ đó, thu nhập của mấy trăm người làm công cũng tăng lên đáng kể. Đang lăng xăng ra tàu hủ bên những miệng lò, chị Hằng vui vẻ: “Thu nhập vào vụ tết tăng hơn ngày thường. Mỗi ca đứng lò, thợ chính được 400.000đ, các khâu khác cũng đều có thu nhập tròm trèm 10 triệu đồng.
Cho nên cực mà vui”. Ông Năm Thậm cho biết: “Mình có 4 dãy lò với 72 chảo cần 8 công nhân phụ trách các khâu. Hồi xưa thì trữ rơm lúa mùa, sau này chuyển qua than củi tràm, củi đước, giờ toàn bộ các lò đều chuyển qua than đá nó ngợi hơn”. Là thợ đứng lò hơn chục năm, anh Nguyễn Văn Tý so sánh, thu nhập giờ tăng gấp đôi so với mấy năm trước, nên vợ chồng cùng làm là sống khỏe.
Niềm vui lớn nhất, mang lại cơ hội phát triển bền vững cho làng nghề là nhờ có chứng nhận đăng ký thương hiệu, nên có thể mở rộng thị trường. Chính quyền, cơ quan chức năng của TX Bình Minh lại rất quan tâm và hỗ trợ hết mình. Vừa rồi thị xã cũng đã hỗ trợ Tổ hợp tác khoảng 20 triệu đồng để nhận “Sản phẩm thương hiệu chất lượng cao”.
Hiện từ Hà Nội cũng đặt hàng, nhưng làng nghề chưa cung cấp nổi, trong đó có nguyên nhân thời gian bảo quản của sản phẩm hiện chỉ trong khoảng 10 ngày đổ lại. Theo ông Ba Hoàng, hiện Tổ hợp tác có khoảng 40 hộ, tất cả tuân thủ nguyên tắc tuyệt đối về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Do đó, để kéo dài thời gian bảo quản lên 1- 2 tháng, TX Bình Minh đang làm việc với Trường ĐH Cần Thơ, giúp làng nghề ứng dụng khoa học kỹ thuật để giải quyết khâu này. Ông Ba Hoàng lặp đi lặp lại đến mấy lần: “Chất bảo quản mua ngoài chợ dễ ụi, nhưng làm vậy là tiêu không chỉ mình tui mà cả làng nghề. Cho nên mình phải làm ăn căn cơ bằng việc áp dụng khoa học kỹ thuật đàng hoàng”.
Là người có uy tín, gắn bó với nghề lâu năm, ông Ba Hoàng có nhiều chuyện để khoe, để tâm sự về những trăn trở cho sự phát triển của làng nghề; nhưng chuông điện thoại cứ réo liên tục, câu chuyện với chúng tôi luôn bị ngắt quãng. Cũng mong sao bà con làng nghề tàu hủ ky cứ tiếp tục... “mệt dài dài” theo kiểu này, thì vui biết mấy.
“Bưởi Năm Roi Bình Minh” canh tết
Đóng kiện bưởi Năm Roi để đưa ra phía Bắc. |
Hiện TX Bình Minh có trên 1.900ha bưởi Năm Roi, trồng chủ yếu ở các xã: Mỹ Hòa, Đông Thành và Thuận An, sản lượng cung cấp cho thị trường hàng năm gần 24.000 tấn. Nhưng riêng Mỹ Hòa đã có diện tích bưởi đến khoảng 1.300ha. Với năng suất bình quân trên 20 tấn/ha, giá bán ổn định đã cho nông dân thu nhập khá, đạt từ 360- 600 triệu đồng/ha/năm.
Vườn bưởi 6,5 công của anh Tùng luôn đạt năng suất khá cao do đang áp dụng kỹ thuật phun thuốc và dưỡng phân theo quy trình mới. Cả vườn không bị sâu đục trái, vỏ trái láng, đẹp, mỗi chùm từ 3- 4 trái, nên phải chiết bỏ bớt.
Tết năm trước, giá bưởi vào “cơn sốt” hầm hập, thu tại vườn trên 45.000 đ/kg, nhưng anh chỉ cho trái vụ tết có 2,5 công, còn lại để vụ trái tháng 4. Năm nay, anh Tùng tăng diện tích vụ tết lên 3,5 công vì thương lái có nhu cầu đánh hàng mạnh ra phía Bắc.
Là 1 trong những vườn “đẹp” có năng suất khá cao, vườn bưởi 8 công của anh Năm Thỏ mới được 5 năm, cây còn khỏe, trái to, đều, đẹp, nhưng anh cũng chỉ đánh vụ tết 3 công. Năm Thỏ cho biết, giá bưởi tết năm nay thấp hơn năm rồi chút đỉnh, hiện thương lái thu tại vườn là 31.000 đ/kg, loại trái từ 1kg trở lên.
Tuy không cao nhưng với giá này thì bà con nhà vườn vẫn dễ thở hơn. Theo bà con trồng bưởi, những năm gần đây người ta rất chuộng chưng bưởi ngày tết, thị trường lại mở rộng ra phía Bắc, nên vào vụ tết là giá cả khá ổn.
Trái bưởi có ưu điểm để được lâu ngày, dễ vận chuyển đi sợ không bị hư, giập, nên dần được chọn thay thế một số loại trái cây chưng truyền thống ngay với người dân ở miền Tây Nam Bộ. Cho nên giá bưởi chợ thường cũng tăng mạnh vào những ngày cận tết.
Câu chuyện tàu hủ ky Mỹ Hòa và bưởi Năm Roi Bình Minh, không chỉ là câu chuyện vụ tết, mà có điểm chung là việc hướng đến xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu độc quyền, tăng dần hàm lượng tri thức vào trong quá trình sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật cao... đã mở ra những cơ hội mới, thị trường mới cho sản phẩm địa phương.
Theo ông Ba Hoàng, hiện Tổ hợp tác có khoảng 40 hộ, tất cả tuân thủ nguyên tắc tuyệt đối về vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, để kéo dài thời gian bảo quản lên 1- 2 tháng, TX Bình Minh đang làm việc với Trường ĐH Cần Thơ, giúp làng nghề ứng dụng khoa học kỹ thuật để giải quyết khâu này. |
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin