"Cổ điển" với áo dài vẽ thủ công

10:02, 17/02/2016

Bên cạnh những chiếc áo dài đính cườm, hạt đá, kim sa lộng lẫy cho ngày lễ, tết áo dài vẽ hoa văn thủ công tuy mộc mạc, giản dị nhưng lại đem đến phong cách cổ điển, trang trọng cho người mặc.

Bên cạnh những chiếc áo dài đính cườm, hạt đá, kim sa lộng lẫy cho ngày lễ, tết áo dài vẽ hoa văn thủ công tuy mộc mạc, giản dị nhưng lại đem đến phong cách cổ điển, trang trọng cho người mặc.

Chiếc áo có họa tiết vẽ tay vừa độc đáo, sang trọng nhưng vẫn giữ được nét tươi trẻ cho người mặc.
Chiếc áo có họa tiết vẽ tay vừa độc đáo, sang trọng nhưng vẫn giữ được nét tươi trẻ cho người mặc.

Hoa văn…độc quyền

Ghé thăm cửa hàng chuyên vẽ áo dài của anh Thanh Tâm (số 73, Trưng Nữ Vương, Phường 1, TP. Vĩnh Long) khi anh cùng hai người học trò của mình đang chuyên tâm nắn nót từng nét vẽ trên những chiếc áo dài, áo bà ba để kịp giao cho khách. “Người thì mặc để chụp hình, người thì mặc để diễn sân khấu, đám tiệc,… nên khách đến đây ngày nào cũng có”- anh Thanh Tâm chia sẻ.

Không bị gò bó vào những mẫu hoa văn đơn điệu, mỗi một tác phẩm được vẽ trên chiếc áo là sự sáng tạo, mang một sắc thái riêng biệt. “Trước giờ tôi chỉ thích áo vẽ thôi. Vẽ tay mới độc đáo, độc quyền không hoa nào giống hoa nào, mỗi áo, mỗi hoa văn mang một vẻ đẹp khác nhau.”- chị Nguyễn Kim Sa (nghệ sĩ) thích thú với chiếc áo đã vẽ hoàn thành.

So với trước đây, trang phục vẽ thủ công ngày nay có họa tiết phong phú hơn, không chỉ hình hoa sen, cành trúc mà còn được lấy cảm hứng từ phong cảnh quê hương, danh lam thắng cảnh...

Để tạo sự khác biệt và tránh lối vẽ sao chép máy móc theo mẫu, anh Tâm chỉ vẽ mộc và trực tiếp lên áo. Ngay cả với những mẫu vẽ khách đưa, sau khi xem kỹ, anh vẽ lại bằng cảm xúc về hình ảnh ấy. “Tôi nghĩ rằng khi mạnh dạn vẽ trực tiếp lên áo (không nháp trước) là mình đã đặt trọn vẹn suy tư, cảm xúc cho những gì mình đã hoàn tất sản phẩm”- anh Thanh Tâm tâm đắc. Theo anh, ngoài các khâu: vẽ phát họa, vẽ chi tiết chính, thì khâu khó nhất trong vẽ trên trang phục chính là trang trí chi tiết phụ (bố trí cành, lá…), bởi đây là bước cân chỉnh, tạo sự uyển chuyển thể hiện cả cái hồn tác phẩm cùng “gu” thẩm mỹ của chính tác giả .

Nghề làm dâu trăm họ

Tình cờ phát hiện nghệ thuật vẻ trên vải mà cụ thể là vẽ trên trang phục trong một lần đi hội chợ anh rất thích và xin theo học nghề. Thấm thoát đã 23 năm gắn bó với cái nghề “làm dâu trăm họ” vui có, mà buồn cũng có. Anh Tâm nhớ: “Mình may mắn mới vẽ hơn nữa tháng là người ta cho vẽ trên vải rồi, ban đầu vẽ mẫu đơn giản  rồi tăng mức độ khó dần. Hoàn thành tác phẩm mà được khách khen là sung sướng lắm, có thêm động lực để làm việc”. Dừng tay vẽ anh nói tiếp “ Vậy chứ 10 khách cũng có 2 khách chê, chỗ này kim tuyến ít, chỗ kia màu không ưng,…mình buồn lắm”. Những lúc như vậy, bằng tình yêu nghề và muốn trụ cùng nghề anh thầm dặn lòng “khách càng không ưng mình càng cố gắng, sửa đến khi khách vừa lòng mới thôi”.

Muốn sáng tạo trên trang phục là đều không phải ai cũng làm được, bởi nghề này ngoài yêu cầu người học sẵn có đôi bàn tay khéo léo, chăm chỉ rèn luyện thì cần phải có tính sáng tạo và óc thẩm mỹ cao “chứ không tác phẩm sẽ cứ theo lối mòn, thiếu mới mẻ”. Và đó cũng chính là một trong những lý do “có rất nhiều người xin được học nghề rồi lại bỏ nghề”.

Mỗi một tác phẩm nghệ thuật trên áo đều chất chứa cả niềm tâm huyết và sự tỉ mỉ trong từng nét bút của tác giả. Bởi “sai là khó chữa lắm, những trang phục đi viền kim tuyến còn chữa được , chứ vẽ trơn là không thể chữa được bởi vậy vẽ rất mất thời gian, mà tỉ mẫn dữ lắm”. Với các mẫu hoa văn đơn giản, anh Tâm cũng phải mất hơn 2 tiếng mới có thể hoàn thành, còn mẫu cầu kỳ thì phải gần 5 tiếng mới xong. Tuy nhiên, giá cả thì rất phải chăn, chỉ dao động từ 100.000đ-  200.000đ.

Với đa dạng các loại chất liệu khác nhau, qua đôi bàn tay khéo léo cùng “gu” thẩm mỹ của mình, anh Thanh Tâm đã lưu lại trên những tà áo dài nhiều bức tranh phong cảnh, hoa lá, họa tiết trang trí… mềm mại, ấn tượng thu hút mọi ánh nhìn. Những chiếc áo có họa tiết vẽ tay này vừa độc đáo, sang trọng nhưng vẫn giữ được nét tươi trẻ cho người mặc.

Do được vẽ bằng sơn Acrylic chuyên vẽ trên vải và giặt không phai nên sản phẩm vẽ xong có thể giặt được bằng máy mà không bị lem hoặc phai màu. Song, anh Tâm cũng lưu ý khách hàng để giữ sản phẩm được bền màu và luôn mới, sản phẩm cần được bảo quản và giặt ủi đúng cách, không giặt sản phẩm với nước tẩy hoặc hóa chất, không nên ủi trực tiếp lên hình vẽ cũng như dùng bàn chải chà, vò lên hình.

Bài, ảnh: NGỌC LIỄU

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh