Khoảng thời gian cuối năm và Tết Nguyên đán là dịp thị trường thực phẩm diễn ra rất sôi động do nhu cầu tiêu dùng gia tăng. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc gia tăng những nguy cơ không bảo đảm an toàn thực phẩm, gây ngộ độc và các mối nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng...
Khoảng thời gian cuối năm và Tết Nguyên đán là dịp thị trường thực phẩm diễn ra rất sôi động do nhu cầu tiêu dùng gia tăng. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc gia tăng những nguy cơ không bảo đảm an toàn thực phẩm, gây ngộ độc và các mối nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng...
Nhiều nguy cơ
Theo quy luật cung - cầu vào thời điểm cuối năm, các nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm xác định là “mùa làm ăn”. Chủng loại thực phẩm rất đa dạng, từ các mặt hàng thiết yếu tươi sống như thịt, cá, hải sản, rau, củ quả đến những mặt hàng đặc trưng bao gói sẵn như bánh kẹo, mứt, rượu, bia, nước giải khát và cả những mặt hàng thực phẩm dạng “đặc sản” về phương pháp chế biến và hiếm thấy đều xuất hiện.
Lực lượng liên ngành tiến hành kiểm tra một cơ sở kinh doanh thực phẩm dịp Tết Nguyên đán |
Nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao cũng đồng nghĩa với những nguy cơ về không bảo đảm an toàn thực phẩm gia tăng. Đó là thực phẩm bị ô nhiễm các yếu tố độc hại, thực phẩm giả, thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ… có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, gây ngộ độc thực phẩm.
Trong số các thực phẩm thường được sử dụng và dễ gây ngộ độc cần phải lưu ý đối với các thực phẩm là nguyên liệu thịt, cá dễ bị ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh (tả, lỵ, thương hàn, ký sinh trùng..), ô nhiễm hóa chất độc hại (chất tăng trọng, kháng sinh cấm, chất bảo quản...).
Đối với rau, củ quả có thể xảy ra ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản, hóa chất tăng trưởng, kim loại nặng, vi sinh vật gây bệnh…
Còn những thực phẩm bao gói sẵn thì có nguy cơ ô nhiễm hóa chất tạo màu cấm sử dụng, hóa chất sử dụng làm phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, sản phẩm quá hạn sử dụng, sản phẩm biến đổi chất lượng do bảo quản không đúng yêu cầu.
Đối với thức uống được sử dụng khá phổ biến là rượu bia lại nguy cơ có hóa chất độc hại aldehyt cao, rồi ngâm các loại cây, con chứa các độc tố chết người, thậm chí sử dụng cả cồn công nghiệp - methanol. Bên cạnh đó, các yếu tố về sản xuất, kinh doanh thực phẩm như: điều kiện vệ sinh nơi chế biến, bảo quản thực phẩm, bàn tay của người chế biến, người sử dụng cũng có nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm, thức ăn dẫn tới ngộ độc, hoặc các bệnh lây truyền trong thực phẩm.
Ý thức tự bảo vệ
Các yếu tố nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm vào dịp cuối năm và tết, dẫn tới nguy hại về sức khỏe cho người sử dụng là không hề nhỏ. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng tránh ngộ độc thì người tiêu dùng có vai trò quan trọng trong chuỗi cung cấp thực phẩm và phòng tránh ngộ độc thực phẩm cả ngày thường cũng như trong dịp lễ, tết. Đó là việc lựa chọn - sơ chế - chế biến - bảo quản và tiêu dùng thực phẩm.
Cụ thể: Người tiêu dùng cần ước định nhu cầu tiêu dùng để mua thực phẩm, không tạo tâm lý “mua để tích trữ, dự phòng”, “thích gì mua nấy”... nhất là khi điều kiện bảo quản thực phẩm thiếu, không đủ, không đáp ứng yêu cầu bảo quản. Việc lựa chọn thực phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng các quy định của cơ quan chức năng về nhãn mác, hạn sử dụng, thương nhân sản xuất, đang được bảo quản theo đúng quy định trên nhãn sản phẩm, nơi bày bán phải hợp vệ sinh.
Đặc biệt người tiêu dùng phải sử dụng cảm quan (nhìn, sờ, ngửi) để nhận dạng các tiêu chuẩn cảm quan bảo đảm an toàn thực phẩm trước khi quyết định mua (sản phẩm không bị giập nát, không có màu sắc khác thường, không bị ôi thiu, mốc, ố, ươn...).
Đáng lưu ý, đối với nguyên liệu thực phẩm tươi sống phải được sơ chế sạch sẽ trước khi chế biến, nấu ăn: rau, quả ăn sống phải được rửa sạch dưới vòi nước sạch, ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch; thực phẩm đông lạnh phải rã đông hoàn toàn, rửa bằng nước sạch trước khi chế biến; sử dụng nguồn nước sạch, an toàn để sơ chế, nấu ăn.
Thức ăn nên nấu chín kỹ và ăn ngay sau khi nấu; nếu thức ăn chín đã quá 4 giờ mà không được bảo quản ở điều kiện ủ nóng thì phải nấu lại trước khi ăn.
Thực phẩm, thức ăn đã nấu chín cần phải bảo quản, che đậy cẩn thận theo yêu cầu của từng loại. Thực phẩm phải bao bọc kín trước khi bảo quản. Tránh tiếp xúc giữa thực phẩm sống và thức ăn chín, thức ăn ăn ngay; không dùng chung dụng cụ sơ chế, chế biến thực phẩm sống và thức ăn chín.
Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và trước khi ăn. Đồng thời đảm bảo bữa ăn cân đối về thành phần thịt/cá - rau/quả - tinh bột; tránh lạm dụng rượu, đồ uống có cồn và không sử dụng các nguyên liệu thực phẩm có nguy cơ chứa độc tố tự nhiên như nấm lạ, măng lạ, cá lạ... làm thực phẩm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin