
"Cái Bang" hoạt động quanh năm, nhưng những ngày cận tết- cũng là mùa lễ hội- thì "Cái Bang" làm ăn rầm rộ hơn. Ở các điểm bến xe, phà hay dọc các tuyến đường, không hiếm hoi hình ảnh "Cái Bang" là những cụ già, trẻ em, người tàn tật phơi mình dưới cái nắng gay gắt hay ban đêm tiết trời se lạnh để xin tiền của người đi đường.
“Cái Bang” hoạt động quanh năm, nhưng những ngày cận tết- cũng là mùa lễ hội- thì “Cái Bang” làm ăn rầm rộ hơn. Ở các điểm bến xe, phà hay dọc các tuyến đường, không hiếm hoi hình ảnh “Cái Bang” là những cụ già, trẻ em, người tàn tật phơi mình dưới cái nắng gay gắt hay ban đêm tiết trời se lạnh để xin tiền của người đi đường.
![]() |
Dịp tết ở các tuyến đường thường xuất hiện “Cái Bang”. |
Trong số này, có “Cái Bang” hoàn cảnh đặc biệt thật sự khó khăn đáng được giúp đỡ để họ giảm bớt khó khăn trong cuộc sống hiện tại. Song, trong số đó cũng không ít người dùng “khổ nhục kế” để được lòng thương hại của khách đi đường bố thí cho tiền.
Dịp tết, những ai đi phà ngang An Bình (Long Hồ) không khỏi chạnh lòng trước cảnh người ăn xin. Đôi lúc trên cùng chuyến phà mà có 1- 2 người ăn xin khiến nhiều người tỏ ra khó chịu. Thường gặp nhất là một phụ nữ khoảng 50 tuổi, nhỏ người, mặc quần áo cũ rách, bộ dạng trông rất khắc khổ luôn cầm theo toa thuốc tây. Bà cho biết, gia đình nghèo khổ, neo đơn không nơi nương tựa và mắc phải căn bệnh hiểm nghèo nhưng không có tiền đi bệnh viện điều trị.
Bà ra bến phà An Bình nhờ lòng thương hại của khách cho ít tiền lẻ về mua thuốc thang uống qua ngày… Nhìn bà phải đi ăn xin lo bản thân và tiền mua thuốc, nhiều người cảm thương sẵn sàng móc tiền ra cho. Song, cứ vài ngày là bà lại xuất hiện ở bến phà An Bình cũng với “chiêu” cũ xin tiền khách. Về sau, nhiều người quen mặt tỏ ra nghi ngờ bà lão dùng “khổ nhục kế” nên ít ai cho tiền.
Cũng ở bến phà An Bình, thi thoảng có nhóm trẻ em độ 6- 10 tuổi, người ốm nhom, da đen nhẻm, tóc cháy vàng vì nắng trông rất đáng thương xòe tay xin tiền khách lúc đợi qua phà. Một số người thương chúng ở cái tuổi ăn học mà phải ra đường ăn xin.
Nhưng cũng có người tiết lộ về thân phận đáng thương của chúng. Các em đi xin nhưng cha mẹ của chúng ngồi chơi ở các quán nước gần đó hoặc ở nhà đợi các em xin tiền mang về nuôi. Nếu đúng thật như thế thì cha mẹ của chúng đáng bị chê trách, vì lợi dụng lòng non dại, bóc lột sức lao động chính con ruột
của mình.
Trên các tuyến lộ, người đi đường cũng thường bắt gặp hình ảnh cụ bà mặc áo vá chằng vá đụp, đầu quấn khăn phủ kín chỉ để hở đôi mắt và một phần mặt, đầu đội nón lá rách. Trước mặt bà để cái thau nhỏ và bà lúc nào cũng ngồi co ro trên phần đường dành cho người đi bộ qua cầu, nơi đoạn đường đông người qua lại dưới cái nắng như thiêu đốt hay vào ban đêm tiết trời cuối năm lạnh giá.
Những người đi đường ngang qua nhìn cảnh bà cụ “phơi sương” mà động lòng dừng xe lại cho tiền. Ở các ngã ba, ngã tư đường trong nội ô thành phố cũng thường xuất hiện người xin tiền khách khi đợi đèn xanh để đi tiếp hoặc ở các điểm đổ xăng, các quán ăn, nước giải khát cũng là điểm của “Cái Bang” thường lui tới hoạt động. Họ khóc lóc, van xin, nài nỉ… khiến không ít người cảm thấy khó chịu.
Gần đây, lực lượng công an ở một số nơi triệt xóa nhiều đường dây chăn dắt người đi ăn xin. Những người già neo đơn cơ nhỡ, trẻ em lang thang trở thành “công cụ” kiếm tiền cho bọn chúng. Bọn chăn dắt rất hung hăng và hoạt động của chúng cũng rất tinh vi.
Thường chúng giả làm xe ôm chở những “Cái Bang” đáng thương đến điểm đông người, nhất là vào dịp cận tết là mùa làm ăn của chúng và chúng cũng giám sát chặt chẽ, đến chiều thì rước về. Những “Cái Bang” nào lười biếng hoặc xin được ít tiền sẽ bị chúng bỏ đói, hành hạ dã man.
Những khách đi đường cảm thương cho tiền đã vô tình tiếp tay cho bọn chăn dắt. Ở Vĩnh Long thời gian qua, chưa phát hiện nạn chăn dắt, nhưng tình trạng người ăn xin xuất hiện cũng không ít và một số người xem ăn xin như là cái nghề
sinh sống.
Vì hoàn cảnh nghèo khó, bệnh tật, không nơi nương tựa mà nhiều người già, trẻ em, người khuyết tật chấp nhận ra đường làm “Cái Bang” sống nhờ lòng thương hại của khách. Những trường hợp ấy quả thật đáng thương và rất cần mọi người, xã hội chung tay giúp đỡ họ vượt qua khó khăn hiện tại.
Tuy nhiên, trong số họ có người mạnh khỏe nhưng vì lười lao động và lợi dụng lòng thương hại của mọi người để ngửa tay xin tiền thì đáng lên án. Thực tế để nhận biết “Cái Bang” thật có hoàn cảnh đáng thương và “Cái Bang dỏm” cũng rất khó.
Tết đến, thiết nghĩ ngành chức năng cần sớm vào cuộc ngăn ngừa tình trạng nạn chăn dắt người đi ăn xin giả mạo. Song song đó, các ban ngành, đoàn thể, tổ chức, nhà hảo tâm nên quan tâm và có biện pháp giúp đỡ những người thật sự có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để họ không ra đường ăn xin, để giữ gìn hình ảnh đẹp trong lòng khách những ngày tết và những người nghèo cơ nhỡ có một cái tết yên vui, đầm ấm bên người thân yêu của mình.
Bài, ảnh: HOÀI NAM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin