Vỉa hè hiện đại, nhân văn

07:12, 30/12/2015

Thiết kế vỉa hè có cao trình phù hợp, thuận lợi cho người đi bộ, nhất là cho người khuyết tật tiếp cận dễ dàng là một trong những quy định khi xây vỉa hè mới. Xây lối lõm xuống ở vỉa hè dành cho xe lăn, không chỉ đơn giản là một lối đi mà còn có ý nghĩa nhân văn lớn.

Thiết kế vỉa hè có cao trình phù hợp, thuận lợi cho người đi bộ, nhất là cho người khuyết tật tiếp cận dễ dàng là một trong những quy định khi xây vỉa hè mới. Xây lối lõm xuống ở vỉa hè dành cho xe lăn, không chỉ đơn giản là một lối đi mà còn có ý nghĩa nhân văn lớn.

Đường Trần Đại Nghĩa (Phường 4) có vỉa hè giúp người khuyết tật dễ di chuyển hơn.
Đường Trần Đại Nghĩa (Phường 4) có vỉa hè giúp người khuyết tật dễ di chuyển hơn.

Cần thiết có chuẩn chung

Vỉa hè là không gian chung của cộng đồng, là một phần không thể thiếu trong không gian đô thị.

Theo ghi nhận, tại một số tuyến đường nội ô TP Vĩnh Long, vỉa hè nhiều tuyến đường có dấu hiệu xuống cấp, đồng thời các vỉa hè này lại không được thiết kế đồng bộ, mỗi phố một kiểu, làm cho vỉa hè trở nên nhấp nhô, khấp khểnh khiến người đi đường phải “lên đồi xuống dốc”.

Nhiều chỗ vỉa hè cao, chạy xe lên không cẩn thận là bị té vì trợt bánh xe, nhiều chỗ phải đặt vỉ sắt.

Cụ thể như, vỉa hè đường Hưng Đạo Vương (Phường 1) có nhiều gờ xi măng kém mỹ quan, không an toàn giao thông lại quá hẹp, khó tìm lối cho người đi bộ.

Vỉa hè đã chật, nhiều lúc hàng dãy xe máy “leo” lên lấn chiếm, khiến người đi bộ gặp nhiều khó khăn phải đi tràn xuống lòng đường. Vỉa hè một số tuyến đường nội ô thành phố còn nhỏ hẹp như đường 3 Tháng 2, đường Trần Phú,...

Hiện nay, những con đường này không đáp ứng được yêu cầu giao thông đô thị. Nhưng các tuyến đường này khó có thể mở rộng bởi nhà cửa kiến trúc hai bên đường đều kiên cố.

Do đó, thực hiện thiết kế chuẩn chung cho vỉa hè là điều rất cần thiết bởi không chỉ góp phần tăng vẻ mỹ quan cho thành phố mà còn thuận tiện cho người đi bộ, xe ra vào, lên xuống, trong đó có cả người khuyết tật.

Theo đó, một số tuyến đường mới cũng đã được thiết kế theo hướng thân thiện hơn với người đi đường như đường Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Văn Thiệt...

Đang ngồi đẩy xe lăn trên đường Trần Đại Nghĩa, chú Nguyễn Văn Tí- bán vé số cho biết: “Tui thấy nhiều vỉa hè rất khó lên xuống cho dân khuyết tật bán vé số như tụi tui.

Một số đường dốc cao lại không có đường lên dành cho xe lăn nên phải “bó tay” đành đi dưới lòng đường nhưng cũng lo lắm vì không an toàn. Chỉ mong sao các tuyến đường khác vỉa hè cũng dễ đi như vầy”...

Trong khi đó, vỉa hè đường Nguyễn Huệ (Phường 2) cũng được nhiều người đi bộ hài lòng bởi không chỉ có đường rộng rãi, cây xanh, cảnh quan thoáng mát, sạch sẽ lại có thêm những băng ghế đá để người đi bộ có thể ngồi nghỉ khi mỏi chân.

Ông Đặng Minh Quân- Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Vĩnh Long cho biết: Vỉa hè được xem là một phần bộ mặt đô thị, có rất nhiều tiện ích nhưng cần nghiên cứu một số vấn đề như: bên cạnh lối đi dành cho người đi bộ cần dành không gian phát triển mảng xanh.

Do đó, cần có chuẩn chung đảm bảo độ cao vừa phải, hài hòa với mặt đường để tiện cho người đi bộ, xe ra vào, lên xuống, trong đó có cả người khuyết tật.

Hướng tới xây vỉa hè mang tính thân thiện, nhân văn

Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị TP Vĩnh Long có hiệu lực từ tháng 11/2015, quy định quản lý về quy hoạch, kiến trúc cảnh quan đô thị trên phạm vi toàn thành phố đồng thời kiểm soát việc xây dựng, chỉnh trang, phát triển phù hợp với quy hoạch chung và quy hoạch phân khu của các phường.

Trong đó, thiết kế chung cho vỉa hè cũng được chú trọng. Theo đó, chiều rộng của vỉa hè cho một làn người đi bộ tối thiểu là 0,75m, độ dốc ngang của vỉa hè tối thiểu là 1% và tối đa là 4%, có hướng đổ ra mặt đường.

Đồng thời, xây dựng bó vỉa hè dạng vát theo quy cách thống nhất trong toàn đô thị để đảm bảo việc dắt xe lên xuống được dễ dàng.

Đường 3 Tháng 2 (Phường 1) có vỉa hè chật hẹp, xe máy phải đậu dưới lòng đường.
Đường 3 Tháng 2 (Phường 1) có vỉa hè chật hẹp, xe máy phải đậu dưới lòng đường.

Bà Nguyễn Thị Phương Thúy- cán bộ Trung tâm Quy hoạch xây dựng Vĩnh Long (Sở Xây dựng) cho biết: Riêng đối với vỉa hè hiện hữu, ở những phố cũ thì việc giữ lại và tôn tạo những vỉa hè gạch đủ màu.

Các khu vực đang còn phải đào đắp vỉa hè nhiều lần để cải tạo nâng cấp hạ tầng, thì nên thiết kế sao cho sau khi đào đắp vẫn có thể tái sử dụng vật liệu phủ bề mặt đã sử dụng trước đó, để tiết kiệm chi phí xây dựng và thời gian thi công.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát và sớm khắc phục hậu quả của việc xây dựng bó vỉa ở những nơi hè phố quá cao (người dân tự làm thêm đường dốc) vừa gây mất mỹ quan vừa không đảm bảo an toàn giao thông. Đồng thời, cần bố trí các điểm hạ thấp bó vỉa hè để rẽ vào các khu nhà thuận lợi, để bộ hành (cả người khuyết tật đi xe đẩy) qua đường dễ dàng.

Đối với, vỉa hè xây mới, vỉa hè, đường đi bộ trong đô thị phải được xây dựng đồng bộ, đảm bảo yêu cầu vật liệu để lát vỉa hè là loại nhám, không trơn mượt. Kết cấu vỉa hè phải có cao trình phù hợp thuận lợi cho người đi bộ, nhất là người khuyết tật tiếp cận được dễ dàng.

Ngoài ra kết cấu vỉa hè mới có thể tận dụng được để tổ chức giao thông tạm thời trong những điều kiện cấp thiết, đồng thời nghiên cứu chỉnh trang hệ thống cây xanh, thảm cỏ sao cho phù hợp bề rộng vỉa hè, loại bỏ di dời cây trồng ảnh hưởng đến việc đi lại của người đi bộ, hạn chế tầm nhìn của người tham gia giao thông và mỹ quan đô thị.

Ông Đặng Minh Quân cho biết thêm: Đối với các vỉa hè trên các tuyến đường mới sẽ quy hoạch xây dựng theo hướng thân thiện, nhân văn tạo thuận lợi cho người đi bộ và người khuyết tật như đường Võ Văn Kiệt, đường Trần Đại Nghĩa,...

Vỉa hè đô thị không chỉ đơn thuần là một lối đi mà nó còn là không gian kiến trúc tạo vẻ mỹ quan đô thị.

Do đó, khi xây mới, cải tạo, chỉnh trang sửa chữa vỉa hè phải đảm bảo các yêu cầu phù hợp với định hướng phát triển kiến trúc của thành phố theo hướng thân thiện, văn minh, hiện đại để vỉa hè không chỉ là nơi đi bộ mà còn là điểm nghỉ chân thú vị cho người đi đường.

 

Ông Nguyễn Trung Kiên- Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long cho biết: Hiện đô thị TP Vĩnh Long chưa có quy hoạch đồng bộ.

Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị TP Vĩnh Long rất quan trọng bởi đây là cơ sở để các phường- xã triển khai thực hiện các quy định về cấp phép, sửa chữa, cải tạo công trình. Qua đó, tạo nền tảng để TP Vĩnh Long đạt đô thị loại II trước năm 2020.

 

Bài, ảnh: THẢO LY

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh