Để người khuyết tật tự tin hòa nhập cộng đồng

07:12, 03/12/2015

Cũng như mọi người trong xã hội, người khuyết tật (NKT) được bình đẳng tham gia vào mọi hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế. Nhưng không chỉ vậy, nhiều NKT còn tự khẳng định bản thân bằng ý chí, nghị lực vượt khó,… tự nuôi sống bản thân và gia đình

Cũng như mọi người trong xã hội, người khuyết tật (NKT) được bình đẳng tham gia vào mọi hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế. Nhưng không chỉ vậy, nhiều NKT còn tự khẳng định bản thân bằng ý chí, nghị lực vượt khó,… tự nuôi sống bản thân và gia đình.

Đồng thời, để giúp NKT tự tin hòa nhập cộng đồng, Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo các cấp cũng đã góp phần hỗ trợ không nhỏ.

Vượt qua khiếm khuyết

Đến chợ xã Hòa Bình (Trà Ôn), chúng tôi gặp anh Bùi Tuấn Em- người thanh niên tật nguyền giàu nghị lực.

Anh Tuấn Em cười: “Tôi mới đi sửa cái ti vi ở Thới Hòa về”. Lau mồ hôi nhễ nhại trên trán, anh Tuấn Em hớp ngụm nước, cười: “Tôi có ki ốt ở chợ nhưng khách kêu là mình chạy thôi, nhiều khi đồ đạc cồng kềnh mình vô tận nhà tiện hơn”.

Anh Bùi Tuấn Em còn dạy nghề miễn phí cho nhiều người khuyết tật.
Anh Bùi Tuấn Em còn dạy nghề miễn phí cho nhiều người khuyết tật.

Học xong lớp 12, anh Tuấn Em học nghề sửa chữa điện tử ở Vĩnh Long. Học nghề 2 năm, anh về quê vay tiền thuê quầy ở chợ để sửa chữa và buôn bán linh kiện điện tử từ năm 2008 đến nay.

Anh chia sẻ: “Năm lên 3 tuổi, tôi bị sốt bại liệt và teo chân phải, đi đứng khó khăn. Tôi đã từng tự ti, mặc cảm về khuyết tật của mình”. Nhưng khi lớn hơn, tôi hiểu là mình phải cố gắng nhiều, thật nhiều, phải có cái nghề để nuôi sống bản thân, gia đình mình. Cha mẹ không thể sống suốt đời để nuôi tôi được”.

Anh cười hạnh phúc: “Giờ, tôi đã có vợ và con gái 4 tuổi, tôi tự hào vì tự lao động nuôi gia đình mình và nuôi mẹ”. Không chỉ vậy, anh Tuấn Em còn dạy nghề miễn phí cho 4 NKT, anh nói: “Tôi muốn anh em có hoàn cảnh giống mình cũng tự tin, có việc làm giúp đỡ cho bản thân, gia đình và xã hội”.

Nói đến anh Huỳnh Chí Dũng (TP Vĩnh Long)- nhiều NKT trong TP Vĩnh Long đều biết. Bởi, anh Dũng không chỉ biết vươn lên nuôi sống bản thân mà còn tham gia nhiều hoạt động xã hội và giúp đỡ cho nhiều người khác.

Anh không chỉ tự học để nâng cao trình độ mà còn học nghề và động viên những NKT khác cùng tham gia.

Ngoài ra, anh Dũng còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Hiện anh Dũng là Ủy viên CLB NKT Phường 1. Anh chia sẻ: “Hiện nay, CLB NKT phường đã triển khai được hình thức góp vốn xoay vòng, nhờ đó, hỗ trợ được vốn cho NKT vươn lên trong cuộc sống”.

Căn nhà mới của ông Lê Văn Nhi (thứ 2 từ phải sang) và chú Lê Ngọc Diễm.
Căn nhà mới của ông Lê Văn Nhi (thứ 2 từ phải sang) và chú Lê Ngọc Diễm.

Trao cần câu cơm

Ngoài ý chí, nghị lực thì sự động viên, hỗ trợ kịp thời của tổ chức hội, cá nhân, tổ chức hảo tâm cũng là một trong những điều kiện để NKT hòa nhập cộng đồng. Chúng tôi thăm căn nhà mới của chú Lê Ngọc Diễm (ấp Tân Thuận, xã Hòa Bình- Trà Ôn) khi chú vừa đi bán vé số. Chú Diễm đã bị tật một chân từ khi mới lọt lòng mẹ, không tự đi được.

Cha chú Diễm- ông Lê Văn Nhi (gần 80 tuổi)- đón chúng tôi bằng nụ cười móm mém: “Hồi sáng này, mấy cô chú lại trao tặng cho cái nhà vừa xong là nó đi bán vé số liền. Mừng thì mừng nhưng đâu có ăn ở không được”. Rồi ông Nhi chỉ tay về mảnh đất trống bên cạnh nhà: “Cái nền nhà cũ đó, tôi, nó và má nó ở 38 năm, giờ được cất cho cái nhà này. Tôi mừng muốn khóc, giờ chỉ còn 2 cha con nương tựa nhau. Tôi già, nó lại tật nguyền”.

Chú Trương Văn Tuấn- Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo xã Hòa Bình cho biết: “Ngoài vận động 1 căn nhà, chúng tôi còn giúp vốn cho 10 đối tượng, xây 14 nhà vệ sinh cho NKT”.

Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo xã Hòa Bình là đơn vị nhiều năm liền đứng đầu trong tỉnh về hỗ trợ cho NKT. Rồi chú Tuấn kể cho chúng tôi nghe những tấm gương khuyết tật trong xã, nay đã đi làm ăn xa: “Có nhiều người làm thợ hớt tóc, làm móng tay ở Sài Gòn, lương hơn 10
triệu/tháng…”.

Trà Ôn là một trong những huyện mạnh về công tác hỗ trợ cho NKT. Ông Nguyễn Văn Việt- Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo huyện Trà Ôn cho biết: “Để giúp đỡ những NKT hòa nhập cộng đồng.

Thời gian qua, chúng tôi không chỉ trao quà, trao nhà mà còn tăng cường các hoạt động như hỗ trợ vốn, dạy nghề miễn phí cho NKT còn khả năng. Chỉ tính trong năm 2015, chúng tôi đã đào tạo nghề cho hơn 260 NKT”.

Song song đó, trong đào tạo nghề cho NKT, còn chú ý đến kỹ năng có sẵn của họ, cũng như việc giáo dục hòa nhập NKT khi còn nhỏ tuổi. Trung tâm Hỗ trợ phát triển hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Vĩnh Long đang dạy nghề cho gần 20 NKT.

Đây là nơi phát hiện và đào tạo nghề cho NKT trong tỉnh cũng như đào tạo kỹ năng cho giáo viên trong việc giáo dục hòa nhập.

Ông Hứa Minh Tâm- Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh nói: “Mỗi NKT đều có những năng lực khác nhau, do đó, phải phát hiện được những năng lực đó và đưa ra phương thức giáo dục hiệu quả nhất”.

 
Tổng số NKT trong tỉnh Vĩnh Long là 18.118 người. Có khoảng 6.300 người còn khả năng lao động, trong đó, có hơn 4.000 người có việc làm ổn định. Trong năm 2015, các cấp hội đã giới thiệu học nghề cho 284 người, đào tạo nghề 342 người, giới thiệu việc làm 580 người, giúp vốn hỗ trợ sinh kế 806 người.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh