Người ta hay nói "con hư tại mẹ", con cái không nên người thì mọi chuyện đều đổ hết cho người mẹ. Liệu sự thật có đúng là như vậy?
Người ta hay nói “con hư tại mẹ”, con cái không nên người thì mọi chuyện đều đổ hết cho người mẹ. Liệu sự thật có đúng là như vậy?
Cha mẹ phải luôn đồng hành trong chăm sóc và dạy dỗ con cái. (Ảnh mang tính minh họa). |
Tại mẹ chiều hư !?!
Cuối tuần, T.T.- cô bạn thân rủ tôi uống cà phê. Ngồi suốt buổi “trầm” quán, tôi phải nghe cô bạn bức xúc kể lể đủ điều về chuyện nhà. Con trai đang học lớp 7 của T.T. vừa qua thi học kỳ không đạt, cô giáo chủ nhiệm gọi phụ huynh vào để trình bày về việc học tập và đạo đức của con trai.
Cậu học sinh T.D. thời gian gần đây có biểu hiện chán học, nhiều bữa không đến lớp, trong giờ học thì không tập trung, không chú ý đến bài giảng của giáo viên, thành tích học tập sa sút, khi giáo viên nhắc nhở thì em có thái độ phớt lờ, không tiếp thu. Giáo viên chủ nhiệm yêu cầu phụ huynh chú ý đến con nhiều hơn để tìm hiểu nguyên nhân và phối hợp với nhà trường tìm ra biện pháp giáo dục để chuyển biến tình hình.
T.T. tá hỏa khi nghe cô giáo nói như thế, bởi mỗi ngày T.T. đều đặn chở con đến trường thì sao lại có chuyện không đến lớp. Vừa buồn lo vừa giận con, T.T. chợt nhớ lại dạo gần đây con trai mình có biểu hiện khác trước rất nhiều. Từ cậu bé hay trò chuyện với ba mẹ, ngoan ngoãn nay thay đổi ít nói hẳn, hay rút trong phòng mình dán mắt trước màn hình vi tính.
Mỗi chiều rước con, T.T. thấy con hay tụ tập với một nhóm các cậu học sinh nói cười rổn rảng trong sân trường, mặt mày có vẻ ngổ ngáo nhưng T.T. cũng không mấy chú ý vì nghĩ là bạn bè trong lớp thôi. Bây giờ xảy ra cớ sự này nhất định phải tìm hiểu kỹ lưỡng lại các mối quan hệ của con, siết chặt mọi việc học và chơi của thằng bé.
“Buồn và tức nhất là khi nói với cả nhà thì mọi người bên nội, ngoại gì cũng đổ thừa tại tôi. Ông chồng thì nổi nóng lên la mắng con thậm tệ, la luôn tôi là cứ luôn nuông chiều nó mọi chuyện, không quản lý nó chặt chẽ. Trong khi con là con chung phải có trách nhiệm chung, suốt ngày anh ấy cứ lo công việc rồi bạn bè, đồng nghiệp không ngó ngàng đến con, một mình tôi cáng đáng hết, giờ xảy ra chuyện không hay lại đổ hết lỗi cho tôi”- T.T. bức xúc tâm sự.
Đừng đổ lỗi cho ai
Chồng T.T. phải lo việc kinh doanh, còn T.T. có cửa hàng buôn bán, cả hai đều rất bận rộn, nhưng T.T. cũng phải bỏ ra thời gian để chăm sóc, đưa rước con trai đi học. Vì là người gần gũi con hơn nên khi con nên người hay hư hỏng thì người mẹ vẫn luôn phải lãnh trách nhiệm. Vậy còn trách nhiệm của người cha?
Đã có không ít những ông bố có tính gia trưởng, coi công việc phục vụ gia đình, chăm sóc con cái là của người mẹ. Sự thờ ơ, thiếu quan tâm của cha hay mẹ rất ảnh hưởng đến con cái, khiến con trở nên lo lắng, hung hăng, tiêu cực. Sự thờ ơ của cha còn ảnh hưởng đến trẻ nhiều hơn cả mẹ.
Trẻ thường chú ý và chịu ảnh hưởng ở người có “quyền lực cao” trong gia đình. Do đó, nếu trẻ cảm nhận cha là người chủ gia đình có thể khi trưởng thành trẻ sẽ giống tính cách của cha nhiều hơn mẹ.
Cha mẹ là tấm gương của con cái. Nhưng với con trai thì sự tác động, dạy dỗ của người cha là vô cùng quan trọng. So với trước đây, các bé trai bây giờ có quá nhiều trò tiêu khiển, giải trí, mà trong số đó có không ít trò vừa ảnh hưởng tới thời gian học hành, vừa tiêu tốn tiền của cha mẹ như trò chơi điện tử.
Không ai có thể phủ nhận vai trò quan trọng của người mẹ đối với việc hình thành tính cách, tình cảm, nếp sống của con cái. Sự gần gũi của người mẹ đối với con cái giúp hình thành trong các em những tình cảm nhân ái, đôn hậu, biết quan tâm tới những người xung quanh.
Mặt khác, nhờ đức tính tỉ mỉ của người mẹ có thể uốn nắn cho các em một nếp sinh hoạt có văn hóa, biết làm việc nhà, đi đứng, nói năng, ăn uống ý tứ... nhưng còn nhiều điều khác các em lại nhận từ phía cha.
Các nhà tâm lý nói rằng xã hội ngày nay nên từ bỏ quan điểm “con hư tại mẹ” để nhấn mạnh thêm về ảnh hưởng của người cha trong việc nuôi dạy con cái. Bởi vì tình thương yêu, sự quan tâm của người cha dành cho con tác động đến nhân cách của con nhiều hơn mẹ. Người cha thường là “thần tượng”, là người mà con cái có phần nể sợ, tôn trọng, sự quan tâm dạy dỗ đúng mức của người cha luôn ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của con cái.
Trẻ sinh ra có khoảng 50% gien của mẹ và 50% gien của cha. Theo các nhà khoa học, dù nhận được đột biến gien tương đương nhưng trẻ phát huy nhiều đột biến thừa hưởng từ cha. |
Bài, ảnh: HẢI YẾN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin