Hàng ngày, 53 em học sinh của Trường Tiểu học Tô Hùng Vĩ phải đi xuồng để tránh con đường vòng dài gần 6km.
Khi được hỏi về ước muốn có một cây cầu bắc qua sông Cái Tàu- Sóc Tro để thuận tiện
cho việc đến trường, các em đều trả lời “dạ có”.
Niềm mơ ước về một chiếc cầu bắc qua sông để con đường đến trường được gần hơn, không còn phải nơm nớp lo sợ mỗi khi đi xuồng đã hiện rõ trên gương mặt của các em khiến chúng tôi xót xa trên suốt chặng đường về…
Hàng ngày, 53 em học sinh của Trường Tiểu học Tô Hùng Vĩ phải đi xuồng để tránh con đường vòng dài gần 6km. |
Dựa trên đề án sáp nhập trường 2013- 2014 của huyện Tam Bình, từ tháng 8/2014 đến nay, hơn 100 học sinh của Trường Tiểu học Long Phú B (xã Long Phú- Tam Bình) phải tách ra học tại 3 điểm trường mới, trong đó, có 53 em học tại Trường Tiểu học Tô Hùng Vĩ (ấp Phú Yên, xã Tân Phú- Tam Bình).
Những tưởng mọi chuyện sẽ diễn ra bình thường, thế nhưng từ ngày đến điểm Trường Tiểu học Tô Hùng Vĩ, 53 em học sinh này phải vượt thêm chặng đường vòng gần 6km hoặc đổi lấy quãng đường 6km đó là những chuyến xuồng 3 lá chông chênh băng qua sông Cái Tàu- Sóc Tro để đến trường.
Với tình trạng như vậy, việc đi lại của các em tiềm ẩn những mối nguy hiểm khó lường, đặc biệt là vào mùa nước lên, bên cạnh đó là sông Cái Tàu- Sóc Tro vốn dĩ có nhiều tàu bè qua lại.
Em Nguyễn Thị Quỳnh Như (học sinh lớp 4/1) nói: “Chúng em sợ lắm, nước lũ về càng sợ hơn”. Em Bùi Thị Quỳnh Như- cùng lớp 4/1- tiếp lời: “Chúng em mừng lắm khi nơi đây có một cây cầu vững chắc để chúng em đi học gần hơn”.
Một cây cầu mới để con đường đến trường của các em nhỏ thêm gần, thêm an toàn là mong muốn hơn bao giờ hết, không chỉ của các em, mà còn là của nhiều bậc phụ huynh và cả những người làm công tác giáo dục nơi đây.
“Nhà tui nhìn qua sông là thấy trường rồi. Vậy mà phải đi vòng 5- 6 cây số. Nếu có cây cầu là qua tới trường liền. Các nhà hảo tâm mà cho bà con chúng tôi cây cầu thì mừng lắm”- anh Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ.
Thầy Nguyễn Văn Sơn- Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hùng Vĩ cho biết, có rất nhiều em học sinh học ở trường này có nhà ở phía bên kia sông thuộc xã Long Phú. Khổ nỗi là cây cầu bắc qua sông thì không có.
Cũng vì cái chữ mà các em hàng ngày phải đi xuồng băng qua sông, có em vì lo sợ đành phải đi đường vòng rất xa, ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng học tập của các em.
“Nhà trường chúng tôi cũng rất mong có một cây cầu mới để học sinh an tâm đi học và góp phần giúp chất lượng học tập cao hơn nữa”- thầy bày tỏ. Và giải pháp “trước mắt” của trường là nếu cha mẹ học sinh bận việc không đến đón con thì nhà trường cử thầy cô giáo làm nhiệm vụ đưa học sinh qua sông.
Trao đổi vấn đề này với ông Văn Thanh Sang- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú, ông cũng cho biết, địa phương rất bức xúc và lo lắng về sự an toàn của học sinh mỗi khi qua sông nhưng “kinh phí địa phương đâu có đủ để mà làm cầu”.
Ở góc độ địa phương, ông Văn Thanh Sang cũng đề nghị các cơ quan hữu quan có giải pháp hỗ trợ địa phương kinh phí xây cầu, trước mắt là đảm bảo an toàn cho học sinh nơi đây, về lâu về dài cũng tạo điều kiện để người dân hai bờ sông Cái Tàu- Sóc Tro đoạn 2 xã Tân Phú và Long Phú được thuận tiện trong giao thương hàng hóa.
Bài, ảnh: TRẦN NGỌC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin