Sau một năm thực hiện Thông tư 30 về việc thay chấm điểm thường xuyên bằng đánh giá đối với học sinh (HS) tiểu học của Bộ GD- ĐT, mục tiêu của Thông tư đã dần đi sát vào thực tế, hiệu quả cũng thể hiện rõ qua cách đánh giá của giáo viên…
Sau một năm thực hiện Thông tư 30 về việc thay chấm điểm thường xuyên bằng đánh giá đối với học sinh (HS) tiểu học của Bộ GD- ĐT, mục tiêu của Thông tư đã dần đi sát vào thực tế, hiệu quả cũng thể hiện rõ qua cách đánh giá của giáo viên…
Qua một năm thực hiện, đã có những chuyển biến tích cực trong học sinh, giáo viên… |
Quen dần với cách đánh giá mới
Thông tư 30 được triển khai thực hiện từ năm học vừa qua, yêu cầu giáo viên không cho điểm HS, mà thay bằng lời nhận xét vào từng bài làm của các môn học. Bỏ xếp loại (giỏi, khá, trung bình…), cuối học kỳ và cuối năm học, mỗi HS được đánh giá theo 3 nội dung gồm: quá trình học tập từng môn học và tham gia các hoạt động giáo dục khác (hoàn thành hoặc chưa hoàn thành), mức độ hình thành và phát triển năng lực (đạt hoặc chưa đạt), mức độ hình thành và phát triển phẩm chất (đạt hoặc chưa đạt).
Một HS được đề nghị khen thưởng, ngoài đề xuất của giáo viên chủ nhiệm, còn phải được các bạn trong lớp bình bầu và tham khảo ý kiến cha mẹ HS. Nội dung, số lượng HS được khen thưởng, tuyên dương do hiệu trưởng nhà trường quyết định.
Theo thầy Trần Minh Triết- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lộc Hòa A (Long Hồ), sau một năm thực hiện, giáo viên, HS, phụ huynh đã quen dần và nội dung càng đi sát vào thực tế. Đối với HS, các em sẽ được giảm rất nhiều áp lực từ điểm số so với các năm học trước, phụ huynh cũng không còn lấy điểm số để so sánh con mình với trẻ khác. Riêng giáo viên, việc đánh giá cũng đang được thực hiện tốt, quan tâm sâu sát tới HS và đã có những nhận xét hướng đến tính tích cực cho HS…
Trưởng Phòng GD- ĐT huyện Mang Thít Trương Thị Thu Hà cho biết, hiện nay nội dung của Thông tư 30 cơ bản đã đến với giáo viên, phụ huynh cũng đã nắm rõ hơn sau một năm triển khai. Hiệu quả của việc thay chấm điểm bằng đánh giá thường xuyên là giáo viên đã có sự chuyển biến tích cực trong từng lời nhận xét, động viên giúp HS phát triển đúng hướng.
Bên cạnh đó, HS cũng tự biết được năng lực của bản thân cũng như mạnh dạn đánh giá bạn bè. Việc chấm điểm cuối năm cộng với những đánh giá thường xuyên cũng sẽ giúp phụ huynh nắm rõ chuẩn kiến thức, năng lực của con mình…
Cần quan tâm nhiều hơn đến HS
… Song vẫn còn một số khó khăn nhất định cần giải quyết trong năm học này (ảnh minh họa). |
Tuy có những chuyển biến trong việc đánh giá HS theo chuẩn kiến thức, năng lực, các em cũng tự tin, mạnh dạn hơn trong các hoạt động giáo dục nhưng cũng còn tồn tại một số khó khăn, cần có những quan tâm đúng mức để nội dung, mục đích của Thông tư 30 đạt hiệu quả cao.
Thầy Đỗ Thành Tám- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Quới A Tuy hiện giáo viên đã nắm rõ những nội dung của Thông tư 30 nhưng còn một số giáo viên chưa nhuần nhuyễn trong việc đánh giá, dẫn đến mục tiêu chưa đạt hiệu quả. Để giải quyết vấn đề này, nhà trường mỗi lần sinh hoạt chuyên môn đều nhắc nhở giáo viên thực hiện tốt những nội dung của Thông tư 30… |
Thầy Trần Minh Triết chỉ rõ, một trong những khó khăn ban đầu là số lượng HS ở mỗi lớp (nếu quá đông) sẽ ảnh hưởng đến quá trình nhận xét của giáo viên. Từ đó, những lời nhận xét sẽ qua loa, chưa sát và chưa hướng tính tích cực đối với từng HS.
Bên cạnh đó, một thực tế là những lời nhận xét đối với HS lớp 1 chưa hiệu quả do các em… chưa biết chữ. Trường hợp này, nếu phụ huynh không quan tâm (vì nhiều nguyên nhân) dễ dẫn đến tình trạng chậm nắm bắt quá trình học của các em. Do đó, ngay từ đầu năm học 2015- 2016, nhà trường đã triển khai rất kỹ để phụ huynh nắm bắt, phối hợp chặt chẽ với nhà trường, giáo viên để theo dõi quá trình học của con em mình.
Trong khi đó, nói về việc có nhiều ý kiến cho rằng “chưa công bằng” trong việc chọn HS khen thưởng trong năm học vừa qua, cô Trương Thị Thu Hà cho biết, khen thưởng lựa chọn trên cơ sở kết hợp chuẩn kiến thức và chuẩn kỹ năng mà giáo viên theo sát các em trong quá trình học. Do đó, những em được khen thưởng là những HS đạt thành tích xuất sắc cả về điểm số cuối năm lẫn năng lực.
“Nắm bắt được tình hình thực tế, năm học 2015- 2016, Phòng GD- ĐT tiếp tục chỉ đạo các trường triển khai giáp tay, cung cấp thông tin để phụ huynh nắm rõ”- cô Trương Thị Thu Hà cho biết.
Ngoài ra, còn một “điều bất cập” ảnh hưởng đến một bộ phận HS và phụ huynh mà theo thầy Đỗ Thành Tám- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Quới A (Long Hồ) thì “điều kiện khen thưởng ở nơi làm việc của phụ huynh dành cho con em họ chưa thống nhất. Ví dụ như nơi làm việc của phụ huynh khen thưởng con em của họ khi có giấy khen đạt xuất sắc, giỏi nhưng theo Thông tư 30 thì giấy khen không có xếp loại mà chỉ là hoàn thành hoặc khen theo từng năng lực”.
Thầy Đỗ Thành Tám có ý kiến, nên thay đổi quan niệm này để phụ huynh và các em không mất quyền lợi khi đã đạt thành tích cao trong suốt cả năm học.
Chỉ qua 1 năm học thay đổi cách đánh giá HS tiểu học, những mặt tích cực cũng dần được thể hiện qua thực tế. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, điều chờ đợi trong năm học này là giáo viên càng có những bước nhận xét sát sao, “không ngại khó” theo hướng tích cực cho HS. Riêng phụ huynh, cũng nên có sự quan tâm cần thiết để cùng nhà trường giáo dục các em theo hướng tốt nhất… |
Bài, ảnh: KHÁNH NGUYỄN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin