Thay đổi cách nhìn về căn bệnh HIV

05:11, 27/11/2015

Trong một thông báo đưa ra gần đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, HIV/AIDS cần được xem như một bệnh mãn tính. Chúng ta cần xóa bỏ các định kiến chưa đúng trong xã hội về căn bệnh này. Có như vậy, việc phòng chống sự lây lan bệnh mới đạt được hiệu quả.

Trong một thông báo đưa ra gần đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, HIV/AIDS cần được xem như một bệnh mãn tính. Chúng ta cần xóa bỏ các định kiến chưa đúng trong xã hội về căn bệnh này. Có như vậy, việc phòng chống sự lây lan bệnh mới đạt được hiệu quả.

Người nhiễm HIV cần được sống, học tập và làm việc công bằng như mọi người. Ảnh minh họa.
Người nhiễm HIV cần được sống, học tập và làm việc công bằng như mọi người. Ảnh minh họa.

Không đánh đồng HIV với tệ nạn xã hội

Hiện nay, dịch HIV ở Việt Nam được nhận định vẫn đang ở giai đoạn tập trung, tức là người nhiễm HIV vẫn tập trung chủ yếu trong nhóm người nghiện chích ma túy do dùng chung bơm kim tiêm với người nhiễm HIV và nhóm phụ nữ mại dâm do quan hệ tình dục không an toàn. Vì vậy, nhiều người trong xã hội có quan điểm cho rằng HIV/AIDS, ma túy và mại dâm đều là một tệ nạn xã hội.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), thì chỉ có khoảng 45% người nhiễm HIV hiện nay là người tiêm chích ma túy và khoảng 3% trong số họ là phụ nữ mại dâm. Số còn lại khoảng 52% là thuộc các nhóm khác như là vợ, chồng hay bạn tình của người nhiễm HIV; người vô tình nhiễm HIV,… HIV không phân biệt tuổi tác, giới tính, vị trí xã hội, nghề nghiệp, mà có thể lây nhiễm cho bất cứ ai nếu người đó có hành vi không an toàn.

Theo bác sĩ Lê Văn Việt- Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Vĩnh Long, việc đánh đồng hay gắn kết HIV với các tệ nạn xã hội là hết sức nguy hiểm, gây nên sự kỳ thị, phân biệt đối xử, dẫn đến tình trạng lây nhiễm do nhiều nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan từ những người mang bệnh.

Các chuyên gia y tế cho rằng, kỳ thị có thể tạo ra tâm lý chủ quan trong xã hội vì cho rằng HIV là tệ nạn xã hội nên chỉ nhóm người “tệ nạn” như người nghiện ma túy, người bán dâm mới có nguy cơ lây nhiễm, khiến nhiều người không chủ động tự bảo vệ mình trước nguy cơ bị lây nhiễm.

Thứ hai, tạo ra sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Khi bị đánh đồng nhiễm HIV với tệ nạn xã hội thì dư luận sẽ coi họ là người xấu xa thay vì coi họ là những bệnh nhân. Sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV làm họ sợ hãi, xa lánh cộng đồng và trốn tránh, từ đó gây ra tâm lý “trả thù”. Vì mặc cảm nên những người này không dám tiếp cận các dịch vụ y tế, không hợp tác với cộng đồng trong việc phòng chống bệnh.

Xóa bỏ kỳ thị, tiếp cận dịch vụ y tế

Bản thân người nhiễm HIV/AIDS phải đối mặt với 2 “cuộc chiến” hàng ngày: cuộc chiến với căn bệnh và cuộc chiến tâm lý do tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử. Và cuộc chiến tâm lý có phần khắc nghiệt hơn đối với họ, nhất là trẻ em đang ở độ tuổi đến trường.

Do đó, một trong những giải pháp để kiểm soát sự lây lan của HIV/AIDS là phải xóa bỏ kỳ thị bằng các chương trình nâng cao nhận thức, giúp người bệnh có cơ hội hòa nhập cộng đồng, sống tích cực và tiếp tục đóng góp cho xã hội.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là người bệnh cần được tiếp cận với các phác đồ điều trị và thuốc đặc trị, giúp phục hồi sức khỏe và giảm khả năng lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Một trong những loại thuốc điều trị HIV/AIDS đã được chứng minh hiệu quả và được sử dụng phổ biến là thuốc kháng vi rút ARV. Bệnh nhân nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV sớm (khi mới phát hiện) có 2 ưu điểm đó là làm giảm tỷ lệ bệnh tật và giảm tử vong.

Theo thống kê của Bộ Y tế, điều trị ARV giúp giảm 53% nguy cơ chuyển sang AIDS và mắc các loại bệnh nhiễm trùng cơ hội (lao, viêm phổi, viêm gan B…), giảm lây truyền HIV (giảm 96% nguy cơ lây truyền HIV qua quan hệ tình dục, giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%).

Bác sĩ Nguyễn Văn Kích- Phó Khoa Điều trị (Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS) cho rằng, người được điều trị bằng ARV kết hợp tư vấn tốt có thể phục hồi sức khỏe, phục hồi khả năng lao động, vượt qua mặc cảm tâm lý, sống có ý nghĩa hơn.

Nguồn thuốc ARV điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS trước đây hầu hết do các tổ chức quốc tế tài trợ nhưng trong tương lai gần sẽ bị cắt giảm nhanh và chấm dứt hẳn vào năm 2017. Người nhiễm HIV đang điều trị ARV miễn phí có thể bị gián đoạn. Những người nhiễm HIV đang chờ được điều trị ARV mà không có cơ hội tham gia sẽ có nguy cơ nhiễm trùng cơ hội cao, khiến chi phí y tế càng tăng,…

Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh