Cùng xây tổ ấm

08:11, 26/11/2015

Phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) là một nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Trước hết, mỗi thành viên trong gia đình phải có ý thức xây dựng gia đình, mà trong đó, vai trò "xây tổ ấm" của phụ nữ vô cùng đặc biệt.

Phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) là một nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Trước hết, mỗi thành viên trong gia đình phải có ý thức xây dựng gia đình, mà trong đó, vai trò “xây tổ ấm” của phụ nữ vô cùng đặc biệt.

Dịu dàng xây tổ ấm

Phụ nữ ngày nay vừa tất bật với công việc ngoài xã hội vừa bận rộn với gia đình, con cái. Do đó, rất cần sự sẻ chia, thông cảm và giúp đỡ từ chồng con. Song, hơn ai hết, họ vẫn là người “giữ lửa” gia đình, cùng xây tổ ấm.

Chị Lệ khoe những tấm ảnh gia đình.
Chị Lệ khoe những tấm ảnh gia đình.

Đem cuốn album ảnh gia đình ra cho chúng tôi xem, cô Đỗ Mỹ Lệ- giáo viên về hưu (Khóm 3, Phường 5- TP Vĩnh Long) không giấu tự hào: “Hình này là tôi với ảnh mới quen nè.

Hình này là lúc sinh nhật con nè, lúc đi du lịch nè,…” Nhìn những tấm hình trắng đen, hình màu xếp theo thứ tự thời gian mới biết cô Lệ yêu quý và gìn giữ nó cẩn thận như nâng niu chính gia đình mình.

Cô Lệ cười tươi: “Từ xưa đến giờ, ông xã chưa bao giờ đánh tôi một bạt tay nào. Tranh cãi với nhau thì có nhưng cũng nhanh chóng làm lành. Mỗi lần vợ chồng cãi nhau thì một người sẽ nhịn, đi uống cà phê khi “tỉnh táo” mới về”.

Ông xã lớn hơn cô chục tuổi, cô nói: “Trước đây, nhiều người xì xầm tôi… có chồng già. Nhưng tôi thấy mình hạnh phúc khi nhận được sự yêu thương chăm sóc từ chồng”. Gần 70 tuổi, ông xã cô Lệ nay ốm mai đau, hôm chúng tôi đến ông còn nằm viện. “Ngày trước anh ấy xách cho tôi từng xô nước để tắm gội thì ngày nay tôi lo lắng cho anh ấy từng bữa cơm, giấc ngủ”.

Cô nói thêm: “Tôi cho rằng muốn gia đình không có bạo lực thì trước tiên phải đảm bảo cuộc sống và phụ nữ phải biết “liệu cơm gắp mắm”, sau nữa là sẻ chia, tôn trọng nhau”.

Tổ ấm xinh đẹp của chị Ngô Thị Hồng Phượng (Khóm 3, Phường 5) được thiết kế tinh tế dù không gian không lớn.

Chị khoe: “Ông xã là kỹ sư xây dựng và thiết kế ngôi nhà này”. Vợ chồng chị Phượng có với nhau 2 cô con gái “xinh như mộng” và chị cười thật tươi, mãn nguyện với hạnh phúc mình đang có. “Có chồng người Bắc tiền đong gạo đếm- nhiều người nói với tôi như vậy. Nhưng 13 năm qua, tôi thấy mình thật sự hạnh phúc”.

Chồng chị- anh Nguyễn Tuấn Anh- là trụ cột chính trong gia đình, chị Phượng làm công tác mặt trận ở khóm và chăm sóc gia đình. Còn anh lúc nào cũng trân trọng và thông cảm cho những vất vả của vợ. “Mỗi khi thấy nét mặt chồng thay đổi, thở dài là mình hỏi thăm, động viên ảnh,… Vợ chồng phải biết san sẻ cho nhau”- chị Phượng nói.

Gia đình chị Phượng lúc nào cũng rộn rã tiếng cười.
Gia đình chị Phượng lúc nào cũng rộn rã tiếng cười.

Chia sẻ, hiểu nhau

“Chén trong sóng còn khua” vợ chồng dĩ nhiên không tránh được chuyện giận hờn. Tuy nhiên, không phải cứ giận hờn là đánh mắng nhau. “Gia hòa vạn sự hưng”, nhiều gia đình đã ý thức được tầm quan trọng này và cùng đồng lòng xây dựng gia đình hạnh phúc.

Sinh 2 con đầu lòng đều là gái, chị Nguyễn Thị M.T. (Trà Ôn) nhiều lần chịu cảnh cãi vã cùng chồng, có lần anh còn đánh chị vì “dám trả treo”.

Chị M.T. kể: “Mỗi lần ảnh đi đám tiệc hay nhậu nhẹt với bạn bè là bị người ta chọc ghẹo vì sanh toàn con gái nên về mắng nhiếc vợ. Chị có giải thích cho anh hiểu là chị không quyết định được giới tính thai nhi thì anh chửi và đánh vợ. “Thời gian đó, tôi như sống trong địa ngục và có lần tôi đã viết đơn định ly dị với chồng…

Nhưng rồi nhìn 2 con gái bé bỏng… tôi không nỡ”- chị chia sẻ. “Một lần, ảnh nhậu say bị té xe gãy 2 xương sườn. Rốt cuộc cũng chỉ có 3 mẹ con tôi chăm sóc, từ đó ảnh mới hiểu giá trị gia đình rồi yêu thương mẹ con tôi hơn, không còn chuyện đánh đập nữa”. Chị M.T. cười: “Giờ chồng tôi ít nhậu lắm, lo chăm mấy công vườn cam nên kinh tế cũng khá lên”.

Chị Đặng Thị M. (Tam Bình) cũng có hơn 5 năm “không muốn nhìn mặt chồng”. Chị M. tâm sự: “Có lần ảnh lấy con dao rượt tôi chạy vòng vòng xóm. Con gái lớn thấy vậy đi báo công an xã, ảnh bị nhốt ở xã 1 đêm nhưng vẫn chứng nào tật đó, thậm chí còn đánh đập tôi nhiều hơn”.

Thời gian trôi qua, chị M. sống trong cảnh bạo hành mà không dám nói vì sợ “vạch áo cho người xem lưng”. Nhà chị lại ở giữa đồng nên có gây gổ cũng ít người nghe thấy. Chị M. nhớ như in: “Mới 2 năm trước thôi, ảnh đi nhậu về và chửi vợ con như thường lệ, tôi và 3 đứa con chịu hết nỗi nên khi bị ảnh đánh thì tôi chống lại, 3 đứa con gái cũng bênh mẹ mà giận cha”.

Gia đình chị M. rơi vào chiến tranh lạnh. Sau đó, nhờ các chị bên hội phụ nữ can thiệp, hướng dẫn, hòa giải cho 2 vợ chồng. “Tôi không còn so sánh ảnh với người đàn ông nào khác, vậy là ảnh bớt ghen liền. Mấy đứa nhỏ cũng xin lỗi ba,… rồi tôi chăm sóc cho ảnh hơn,… Lâu lâu nhắc lại những ngày mới quen nhau. Chồng tôi cũng hứa với vợ con, với các chị phụ nữ là không đánh vợ con nữa. 2 năm rồi, ảnh làm đúng lời hứa”- chị M. vui cười nói.

Hạnh phúc gia đình được giữ vững không phải chỉ nhờ sự hy sinh của một người mà là sự vun vén, chan hòa của tất cả các thành viên trong gia đình. Trong đó, phụ nữ cũng phải dày công vun đắp để ngôi nhà là chốn bình yên hạnh phúc và cũng có nghĩa là không còn bóng dáng của BLGĐ.

 

Chị La Thị Kim Thi- Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 5 cho biết: “Để phòng chống BLGĐ, về phía Hội Phụ nữ, chúng tôi sử dụng biện pháp tuyên truyền là chủ yếu. Khi phát hiện những biểu hiện nhen nhóm của BLGĐ, chúng tôi can thiệp ngay không để dẫn đến đánh nhau,…Tôi cho rằng khi người dân có trình độ nhận thức cao thì sẽ tránh được bạo lực về thể xác, tinh thần. Phường 5 cũng có địa chỉ tin cậy để các chị em phụ nữ “tin cậy” nhờ tương trợ”.

 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh