Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 28 về tín dụng đối với những hộ mới thoát nghèo. Quyết định này, giúp cho những hộ mới thoát nghèo có thêm động lực để phát triển sản xuất và thoát nghèo bền vững.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 28 về tín dụng đối với những hộ mới thoát nghèo. Quyết định này, giúp cho những hộ mới thoát nghèo có thêm động lực để phát triển sản xuất và thoát nghèo bền vững.
Cho vay thêm vốn giúp cho những hộ mới thoát nghèo phát triển sản xuất và thoát nghèo bền vững. |
Nhờ chí thú làm ăn nên anh Lê Văn Đó (xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh) được thoát nghèo vào năm 2010. Niềm vui ấy tưởng chừng như sắp được nhân đôi, khi gia đình anh Đó đang rất phấn khởi để chờ đón mùa thu hoạch trên 1 công bưởi mà cha mẹ vợ đã cho, nhờ trúng mùa, lại được giá.
Song, sự cố vỡ đê do triều cường diễn ra vào đầu năm 2012 đã khiến cho bưởi chết hàng loạt vì ngập nước, chỉ có thể bán được củi.
Sau sự cố vỡ đê ấy, anh Đó đã nhanh chóng cải tạo lại đất và xuống giống để trồng lại số bưởi đã bị thất thoát. Nhưng không còn được thuận lợi như trước, khiến gia đình anh đối mặt với rất nhiều khó khăn, phải đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập.
Nhờ được nguồn vốn vay tín dụng đối với hộ vừa mới thoát nghèo, gia đình anh Đó được thêm cơ hội làm ăn từ mảnh vườn của mình.
Cùng chung hoàn cảnh với anh Đó, anh Trần Văn Gìn (ấp Mỹ Thới 2, xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh) cũng đã vươn lên thoát nghèo.
Song, chỉ với 1 công bưởi mà cha mẹ cho để canh tác, vợ chồng anh Gìn phải nuôi 2 đứa con nhỏ đang tuổi ăn tuổi lớn, cùng với 2 đứa cháu mà người em của anh gửi lại để đi làm ăn xa và người cha già nay yếu mai đau.
Trong khi vườn bưởi thì khô cằn, năng suất thấp do bị ảnh hưởng của sự cố vỡ đê năm 2012, nên cuộc sống gia đình anh rất đỗi khó khăn.
Để có tiền trang trải cho cuộc sống hàng ngày, anh Gìn buộc phải vay nóng 40 triệu đồng để mua chiếc ghe nhỏ, rồi mua trái cây bỏ mối cho các chợ xã, chợ huyện hoặc chở lên Sài Gòn bán lẻ.
Vốn ít không mua được nhiều, lợi nhuận không bao nhiêu, hàng tháng lại phải đóng lãi cho số tiền đã vay nên vợ anh đành phải bỏ lại con nhỏ để lên Sài Gòn phụ giúp việc nhà. Giờ đây, với số tiền 15 triệu đồng vay được từ chương trình tín dụng dành cho những hộ mới thoát nghèo, sẽ giúp cho vợ chồng anh Gìn có thêm nguồn vốn để tiếp tục mua bán, ổn định cuộc sống.
Có thể thấy việc triển khai thêm một chương trình tín dụng ưu đãi dành riêng cho những hộ mới thoát nghèo là vô cùng thiết thực, tạo điều kiện để những bà con thuộc diện này có thêm cơ hội để phát triển sản xuất, kinh doanh, thoát nghèo bền vững.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng- Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Vĩnh Long, hiện ngân hàng đã triển khai thực hiện và giải ngân được 4,3 tỷ đồng với 208 hộ vay, bình quân dư nợ 21 triệu đồng/hộ vay.
Để đưa nguồn vốn chương trình tín dụng này đối với người thụ hưởng nhanh chóng và hiệu quả thì UBND xã- phường phối hợp rà soát chính sách hộ mới thoát nghèo từng năm để làm cơ sở cho UBND huyện- thị- thành phê duyệt.
Mặt khác, UBND xã xây dựng nhu cầu vốn chương trình này hàng năm phù hợp để làm cơ sở cho ngân hàng chính sách lập kế hoạch vốn cho vay kịp thời. Để nguồn vốn sử dụng có hiệu quả, ban quản lý tổ tiết kiệm và vốn vay, hội đoàn thể nhận ủy thác cho vay hướng dẫn hộ vay xây dựng phương án làm ăn phù hợp và hiệu quả.
|
Quyết định số 28/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo quy định: - Mức cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội và hộ mới thoát nghèo thỏa thuận nhưng không vượt quá 50 triệu đồng/hộ. - Thời hạn vay được dựa trên chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của những hộ mới thoát nghèo nhưng không quá 5 năm. - Lãi suất áp dụng đối với các khoản vay của hộ mới thoát nghèo là 8,25%/năm. - Lãi suất nợ quá hạn là 10,72%/năm. - Quyết định số 28/2015 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/9/2015 đến hết ngày 31/12/2020. |
Bài, ảnh: MAI ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin