Sức sống mới ở vùng đồng bào Khmer

06:10, 17/10/2015

Ở Vĩnh Long, đồng bào dân tộc Khmer có trên 21.000 người, chiếm 2,1% dân số, sinh sống cộng cư và hòa nhập với đồng bào Kinh, Hoa, tập trung chủ yếu ở các huyện Trà Ôn, Tam Bình, Vũng Liêm và TX Bình Minh. 

Ở Vĩnh Long, đồng bào dân tộc Khmer có trên 21.000 người, chiếm 2,1% dân số, sinh sống cộng cư và hòa nhập với đồng bào Kinh, Hoa, tập trung chủ yếu ở các huyện Trà Ôn, Tam Bình, Vũng Liêm và TX Bình Minh.

Những năm qua, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer đã được cải thiện đáng kể. Đây là kết quả từ sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho đồng bào Khmer phát triển sản xuất thông qua các chương trình, dự án của Đảng và Nhà nước ta.

Học sinh người dân tộc Khmer được miễn học phí.
Học sinh người dân tộc Khmer được miễn học phí.

Khởi sắc vùng đồng bào Khmer

Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết 24 về công tác dân tộc và chính sách đổi mới toàn diện của Đảng và Nhà nước, các ấp vùng đồng bào dân tộc Khmer có bước chuyển biến tích cực.

Đặc biệt, kết quả thực hiện các chương trình, dự án của Chính phủ làm bộ mặt vùng đồng bào thay đổi đáng kể, không còn cảnh nhà ở tạm bợ, trình độ dân trí được nâng cao, hình thành các khu chợ, góp phần thay đổi rõ nét vùng nông thôn dân tộc Khmer.

Khoa học kỹ thuật được đưa vào sản xuất ngày càng nhiều. Việc xây dựng nông thôn mới đạt những thành tựu đáng kể, góp phần nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc Khmer;...

Các tuyến đường liên ấp, liên xã, liên xóm ngày nay, nếu không là đan thì cũng được rải đá. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu từng bước được đầu tư, hoàn thiện đến nay đảm bảo xe 2 và 4 bánh đến được các xã ngay cả vào mùa mưa. 11/11 xã có đông đồng bào dân tộc đều có trạm y tế đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân.

Và bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ cho đồng bào dân tộc Khmer, làm cho đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng đổi mới. Ông Sơn Um (xã Đông Thành- TX Bình Minh) phấn khởi: “Bây giờ nước sạch mỗi nhà đều có, điện cũng có. Đường lộ tráng nhựa, xe chạy êm ru, nhà nào cũng có xe máy hết trơn. Được Đảng, Nhà nước quan tâm, thành ra mình phát huy tinh thần, thấy người nào mần ăn làm giàu thì học theo”.

Tỉnh Vĩnh Long luôn quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo ở những vùng mà điều kiện dạy và học còn nhiều khó khăn. Qua đó, đầu tư xây dựng 40 trường học từ mầm non đến THPT nhằm phục vụ tốt cho công tác dạy và học. Tỷ lệ học sinh Khmer các cấp được huy động đến trường đạt trên 98%, tỷ lệ tốt nghiệp THPT những năm gần đây đạt trên 95%.

Nhiều hộ Khmer có ý thức, cho con học hành, có nghề ổn định để thoát khỏi cảnh nghèo. Vợ chồng ông Thạch Chia- Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tân Mỹ (Trà Ôn) có 3 con gái thì cả 3 đều tốt nghiệp đại học và hiện làm giáo viên, cuộc sống ổn định. Ông Chia tâm sự: “Vợ chồng mần lúa, chăn nuôi rồi ai kêu gì mần đó mới tích cóp được 6 công ruộng. Nghĩ sau này, có chia 1- 2 công cho tụi nhỏ mần thì khó vẫn hoàn khó, nên chỉ có học mới thay đổi cuộc sống”.

Ý thức vươn lên

Chương trình xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho người dân tộc được tỉnh đặc biệt quan tâm. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc Khmer giảm hàng năm, từ 45,38% (năm 2009) xuống còn 23,11% (năm 2013) và đến nay không còn hộ đói, cơ bản xóa nhà ở tạm bợ.

MTTQ và các đoàn thể có những hình thức, giải pháp thiết thực giúp đỡ đồng bào Khmer vươn lên thoát nghèo, song phần lớn họ có ý thức, hạn chế việc trông chờ ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước.

Gia đình ông Thạch Duôl (ấp Hóa Thành 1, xã Đông Thành- TX Bình Minh) trước đây là hộ nghèo, ít đất canh tác. Nhờ được xã hỗ trợ vốn để chuyển đổi ngành nghề, ông đã phát triển chăn nuôi bò, sau đó là nuôi heo kết hợp với làm ruộng để phát triển kinh tế gia đình.

Ngoài ra, các con ông còn được xã đào tạo nghề và giới thiệu việc làm tại các công ty, xí nghiệp. Đến nay, gia đình ông đã khấm khá, có của ăn của để, các con đều có việc làm ổn định.

Gia đình ông Thạch An (ấp Sóc Ruộng, xã Tân Mỹ- Trà Ôn) được xem là một trong những hộ thoát nghèo bền vững của xã trong những năm qua. Ông cho biết, trước đây gia đình nghèo lắm. Do ít đất sản xuất, lại không có nghề nghiệp nên vợ chồng ông làm mướn đủ nghề, vậy mà đói nghèo vẫn luôn đeo bám.

Năm 2010, ông được hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc Khmer nghèo theo Quyết định 74 của Thủ tướng Chính phủ với 13 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, ông phát triển mô hình chăn nuôi bò với quyết tâm thoát nghèo.

Nhờ siêng năng, cần cù và tích lũy đến nay đàn bò nhà ông đã được 4 con. Ngoài ra, để ổn định cuộc sống và có điều kiện nuôi con ăn học, vợ chồng ông còn tích cực làm thuê, trồng sen để tăng thêm thu nhập. Năm 2013, được Nhà nước hỗ trợ một phần và sự giúp đỡ của người thân, gia đình ông Thạch An cũng đã xây dựng được căn nhà khang trang. Đây cũng là năm mà gia đình ông được xét thoát nghèo.

Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ Đặng Văn Ba cho biết, công tác xóa đói giảm nghèo cho người dân tộc Khmer luôn được xã đặt lên hàng đầu. Điều quan trọng nhất là đồng bào dân tộc trên địa bàn xã đã có sự chuyển biến tích cực về mặt nhận thức.

Nếu như trước đây các hộ dân tộc Khmer chỉ làm nông nghiệp để đủ ăn, thì giờ đây bà con đã có ý thức vươn lên để khá giàu. Từ sự chuyển biến này mà bà con tin tưởng, đồng thuận tham gia các mô hình giảm nghèo, phát triển kinh tế do địa phương khuyến khích thực hiện.

Mỗi lần về có dịp về vùng đồng bào dân tộc Khmer, chúng tôi đều nhận thấy có sự khởi sắc. Ðể có được kết quả đó, ngoài sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, là sự phấn đấu tự lực vươn lên của đồng bào Khmer. Cùng với sự quan tâm hỗ trợ và đầu tư của Nhà nước và ý thức tự lực vươn lên, đời sống của đồng bào Khmer chắc chắn sẽ được đổi thay từng ngày.

Theo ông Sơn Ry ta- nguyên Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long, 5 năm qua, từ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, vùng đồng bào Khmer trong tỉnh đã có sự đổi thay đáng kể trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là về hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc của tỉnh có sự chuyển biến quan trọng; hệ thống công trình hạ tầng tiếp tục được xây dựng góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn mới; công tác giáo dục, y tế có nhiều tiến bộ. Qua đó, tạo được sự chuyển biến tích cực và đổi mới kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống. 

 

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh