Dạy con nên người, sống tự lập như thế nào? Đó là câu hỏi luôn canh cánh trong lòng các bậc cha mẹ, nhưng vì quen làm "nô lệ" cho con nên họ đang mắc vào cái bẫy tự giăng - làm hại con cái…
Dạy con nên người, sống tự lập như thế nào? Đó là câu hỏi luôn canh cánh trong lòng các bậc cha mẹ, nhưng vì quen làm “nô lệ” cho con nên họ đang mắc vào cái bẫy tự giăng - làm hại con cái…
Một khóa học kỹ năng dành cho trẻ em. Ảnh: KHÁNH BÌNH |
Nuôi mãi không lớn…
Cậu bé có hình dáng to khỏe, mập mạp học lớp 6 một trường điểm ở trung tâm TPHCM và thường ăn sáng ở quán bánh cuốn gần trường. Mỗi khi cậu xuất hiện là khách hàng quen thuộc lại phải chứng kiến hình ảnh cậu bé được mẹ cung phụng, chăm bẵm một cách thái quá.
Luôn ngồi như tượng, không tự cầm đũa để ăn, cậu bé to tròn ấy còn được mẹ đưa ly nước lên tận miệng và lấy khăn ướt lau miệng. Sau đó, mẹ cậu xốc nách con trai đứng dậy và xách cặp táp của con ra xe.
Khi nghe khách buột miệng: “Chiều con kiểu gì lạ vậy…”, cô chủ quán vội tiếp lời: “Thằng bé ấy đến ăn bánh cuốn ở đây từ khi học lớp 1 và bây giờ nó vẫn là cậu ấm không có… tay, vì mẹ nó giành làm hết mọi việc”.
Có lẽ câu chuyện này không phải cá biệt bởi có rất nhiều bà mẹ, ông bố, kể cả ông bà đang tự nguyện làm osin cao cấp cho con cháu mình mà không nhận thấy họ đang hại đứa trẻ, nếu không muốn nói là hủy diệt tính tự lập của con cháu mình.
Do có tâm lý lo sợ con mình không an toàn nếu thả ra ngoài xã hội, nhiều bậc cha mẹ “úm con” như gà ấp trứng, lúc nào cũng kè kè theo con mọi lúc mọi nơi. Quan sát ở nhiều trường cho thấy, có phụ huynh đưa con đến trường nhưng không thể rời xa con và đợi đến giờ ra chơi tiếp cho con hộp sữa, cái bánh, ly nước ngọt… như thể chúng sắp chết đói vậy.
Anh Phạm Hổ, phụ trách các chương trình học kỳ quân đội của Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam cũng chia sẻ những câu chuyện “úm con” thái quá của nhiều bà mẹ. Mặc dù đóng tiền cho con đi trải nghiệm cuộc sống, rèn luyện gian khổ nhưng nhiều bà mẹ đòi được thăm con mỗi ngày hoặc tiếp đồ ăn quá nhiều.
Họ sợ con thiếu thốn và không thể “cai con” được vài ngày dù chúng đã 12-15 tuổi và khi tham dự trại hè chúng được chăm sóc, ăn uống đầy đủ. Bước vào môi trường thử thách của quân đội, nhiều học viên nhí đã trưởng thành, biết sống tự lập hơn. Thế nhưng, về đến nhà, được bảo bọc, được cưng chiều như cũ, các em lại hiện nguyên hình là những “cậu ấm, cô chiêu” chỉ biết nhận mà ít biết sẻ chia. Lỗi tại ai?
Cô Thúy An, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn quận 1, cho biết: “Có một số học trò được thụ hưởng quá nhiều tình yêu thương, vật chất từ nhỏ nên không xác định được mục tiêu sống, vươn lên để trưởng thành.
Các em không muốn học, không có ước mơ và không nhìn thấy tương lai phía trước… Đó là hệ quả của việc dạy con theo kiểu “gà công nghiệp” và tiếp cho con quá nhiều sự bảo bọc mà không dạy các em phải tự chịu trách nhiệm, phải sống có mục đích, có ý nghĩa…”.
Một trong những trường hợp điển hình đó là em V. học lớp 9. Sống trong môi trường quá đầy đủ, dư thừa và được cha mẹ đưa rước bằng xe hơi, được đi du lịch khắp nơi và mỗi ngày có gia sư đến nhà chỉ bảo việc học hành, làm bài tập giùm, V. chẳng phải động não việc gì.
Khi phát hiện em chán học, học sa sút, trong khi kỳ thi chuyển cấp vào lớp 10 đang gần kề, nhà trường mời cha mẹ và em đến phòng giám thị thì được nghe câu trả lời: “Em không thích học và cũng không biết mình học để làm gì…”. Cuối cùng, em này thi rớt lớp 10 công lập và cha mẹ đành để con mình học THPT ở một trường tư thục cho phù hợp với năng lực, trình độ.
Hãy buông tay
Chính quan niệm “mình đã khổ thì con phải sướng” đã tước mất sự tự do, tự tin, khát vọng vươn lên của đứa trẻ vì được cha mẹ bù đắp tình thương, sự bảo bọc đến mức bội thực. Gieo nhân nào gặt quả nấy! Nếu không biết dạy con cái cách nhận - cho và tự đi bằng đôi chân, suy nghĩ bằng cái đầu của mình thì dù đã lớn, chúng vẫn như một đứa trẻ.
Và khi rời xa giá đỡ của cha mẹ, chúng sẽ vấp ngã hoặc không thể đứng vững một mình. Không những thế, ở giai đoạn “vàng” - những năm đầu đời mà không được dạy dỗ đúng cách - được gieo mầm yêu thương - nhân ái - sẻ chia thì lớn lên các em sẽ bị khuyết tật về tâm hồn, cảm xúc.
Theo tiến sĩ Trần Việt Quân (Câu lạc bộ dạy con nên người), nhiều bậc cha mẹ chỉ “biết nuôi và chưa biết dạy con đúng cách”. Để tạo ra những giá trị sống tốt đẹp, làm giàu hành trang sống cho con cái thì phải giúp con mình tạo ra “bộ lọc thông minh, linh hoạt”.
Sự khai tâm từ nhỏ, cùng bộ lọc này sẽ giúp con cái dừng đúng ranh giới an toàn - loại bỏ những cái xấu, thói hư không phù hợp và tiếp nhận cái mới giàu tính nhân văn, trung thực, sống có trách nhiệm. Tương tự, Th.S Nguyễn Thị Tâm (Công ty Tư vấn tâm lý và ứng dụng Hồn Việt) cũng cho rằng, không cần sự giàu có, đầy đủ mới dạy con nên người.
Nếu mỗi bậc cha mẹ biết cách yêu thương, gieo vào lòng con nghị lực, sự tự tin và hun đúc ước mơ có ý nghĩa thì chúng sẽ trưởng thành. Còn nuông chiều, đáp ứng mọi nhu cầu của trẻ, ép chúng làm theo ý thích của mình là hại con, thậm chí là nguyên nhân châm ngòi cho bạo lực học đường bùng nổ.
“Và việc nắn con đi theo đường cha mẹ vạch sẵn, dồn nén con làm theo ý mình sẽ gây ra tâm bệnh và nó có thể giết chết tương lai của chúng” - Tiến sĩ Trần Việt Quân nhấn mạnh về cách dạy con theo kiểu áp đặt. Theo đó, những trẻ được nuông chiều thường tỏ yếu đuối, còn những trẻ bị ảnh hưởng của lối dạy con gia trưởng, cứng nhắc dễ trở nên hung bạo, gây tội ác.
Dạy con là cả một quá trình dài và đến một thời điểm thích hợp cha mẹ hãy tập buông tay ra, đừng bảo bọc, đừng sợ chúng vấp ngã hay phạm sai lầm… Chính sự vấp ngã sẽ dạy chúng những bài học để đứng lên, trưởng thành, mạnh mẽ và nên người.
Theo http://www.sggp.org.vn/xahoi/2015/10/398161/
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin