Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Lý thuyết đi đôi thực hành

09:10, 22/10/2015

Vừa qua Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Quyết định số 971 sửa đổi, bổ sung Quyết định 1956 để Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong giai đoạn tiếp theo tiếp tục phát huy tốt hơn những thành quả đã đạt được, cũng như nâng cao chất lượng đào tạo nghề.

Vừa qua Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Quyết định số 971 sửa đổi, bổ sung Quyết định 1956 để Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong giai đoạn tiếp theo tiếp tục phát huy tốt hơn những thành quả đã đạt được, cũng như nâng cao chất lượng đào tạo nghề.

LĐNT được học nghề, giới thiệu việc làm giúp cho đời sống ổn định hơn.

Trong những năm qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long xác định công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, góp phần giúp người dân vùng nông thôn có việc làm ổn định và phát triển kinh tế gia đình.

Nhờ làm tốt công tác khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho LĐNT, cùng với việc chủ động liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ và các tổ chức tín dụng để đảm bảo công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm.

Tính từ năm 2010 đến tháng 9/2015, tỉnh đã tổ chức trên 2.000 lớp dạy nghề cho hơn 67.000 LĐNT. Trong đó, số LĐNT có được việc làm sau học nghề là trên 54.000 người đạt 80,6% so với tổng số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề

Để tạo điều kiện thuận lợi cho học viên lớp dạy nghề kỹ thuật chăn nuôi gà tại xã Hiếu Nhơn, huyện Vũng Liêm đến lớp, Trung tâm khuyến nông huyện thay vì xếp lịch học cố định, xuyên suốt trong 30 ngày thì Trung chỉ sắp xếp để học viên học 2 ngày/tuần và lựa chọn ngày sao cho phù hợp với lịch canh tác mùa vụ của bà con nông dân.

Bên cạnh đó, để bà con dễ dàng nắm vững được những các kiến thức lý thuyết đã học, mỗi lớp còn hỗ trợ gà, thức ăn và vaccine để giáo viên hướng dẫn cụ thể phương pháp làm chuồng trại, kỹ thuật sử dụng đệm lót sinh học, chế biến tổ hợp khẩu phần ăn cho từng giai đoạn phát triển của gà, cũng như cách vệ sinh phòng trị bệnh để thực hành ngay tại lớp học.

Anh Huỳnh Văn Chính (xã Hiếu Nhơn- Vũng Liêm) cho biết, đa số học viên đều nắm vững lý thuyết và thông thạo thực hành. Từ đó, nhiều hộ dân đã áp dụng những kiến thức được học trên lớp vào thực tiễn mô hình chăn nuôi của gia đình.

Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông,  anh Phạm Nguyễn Hoàng Anh (xã Tường Lộc- Tam Bình) nhận thấy bản thân không đủ khả năng để thi tuyển vào đại học nên anh quyết định đăng ký tham gia lớp đào tạo nghề cho LĐNT để học nghề sửa xe gắn máy.

Với những kiến thức mà anh có được trong quá trình học nghề, ngay sau khi hoàn thành khóa học, anh Hoàng Anh đã tìm được cho mình một công việc ổn định tại một cơ sở kinh doanh xe mô tô ở TP.Hồ Chí Minh.

Làm việc tại đây được một thời gian, anh thấy rằng tại khu vực nơi anh cư trú dịch vụ sửa xe vẫn chưa mấy phát triển nên anh quyết định về lại quê nhà mở một cửa tiệm sửa xe để ổn định cuộc sống, và làm công tác giảng dạy tại Trung tâm dạy nghề huyện Tam Bình.

Việc chú trọng dạy thực hành để nâng cao chất lượng đào tạo, Đề án đào tạo nghề cho LĐNT giai đoạn 2016-2020 được tin tưởng là sẽ tiếp tục phát huy những hiệu quả tích cực ở giai đoạn đầu tiên.

Qua đó, góp phần giúp người dân ổn định cuộc sống, và tạo được bước chuyển biến tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

 

Quyết định 971 sửa đổi, bổ sung Đề án đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020 quy định:

 

- Đối tượng của Đề án "Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020" là LĐNT từ đủ 15 tuổi đến 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ; có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học, bao gồm: Người lao động có hộ khẩu thường trú tại xã, phường, thị trấn đang trực tiếp làm nông nghiệp hoặc thuộc hộ gia đình có đất nông nghiệp bị thu hồi. 

- Việc tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT chủ yếu là dạy thực hành và được thực hiện tại nơi sản xuất       

- Không tổ chức đào tạo nghề khi chưa dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của người lao động sau khi học

 

 

 

Bài, ảnh: MAI ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh