Khi viện phí tăng, ai bị áp lực hơn?

07:09, 29/09/2015

Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã soạn thảo thông tư quy định về mức giá chung đối với dịch vụ y tế. 

[links()]

Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã soạn thảo thông tư quy định về mức giá chung đối với dịch vụ y tế. Thực chất đây là việc chuyển các khoản chi trước đây do Nhà nước bao cấp trực tiếp cho các bệnh viện vào giá, chuyển phần ngân sách này sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT.

Viện phí hiện hành đã được điều chỉnh năm 2012 nhưng đa số địa phương mới áp dụng mức 60- 80% khung. Theo lộ trình được Chính phủ chấp thuận, bắt đầu từ năm 2016- 2020, Bộ Y tế sẽ áp dụng lộ trình tăng viện phí bằng cách lần lượt đưa lương, phí quản lý, khấu hao tài sản cố định vào giá dịch vụ.

Hiện toàn tỉnh còn gần 30% dân số chưa tham gia BHYT. Ảnh minh họa: VINH HIỂN
Hiện toàn tỉnh còn gần 30% dân số chưa tham gia BHYT. Ảnh minh họa: VINH HIỂN

Khi tăng viện phí, về cơ bản người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách xã hội sẽ không bị ảnh hưởng vì theo Luật BHYT bổ sung sửa đổi từ ngày 1/1/2015, tất cả các đối tượng này khi đi khám chữa bệnh được BHYT thanh toán 100% chi phí. Với những hộ cận nghèo, Nhà nước hiện đang hỗ trợ tối thiểu 70% chi phí tham gia BHYT và được BHYT thanh toán 95% nên mức độ tác động không nhiều.

Hiện nay giá dịch vụ y tế khá thấp, nhiều người không thuộc diện được hỗ trợ mua BHYT còn chần chừ chưa tham gia, người có thu nhập cao thì sẵn sàng chấp nhận chi tiền ra khi đi khám chữa bệnh.

Theo thống kê gần đây cho thấy, người không tham gia BHYT đang chiếm tỷ lệ gần 30% dân số. Viện phí tăng trong thời gian sắp tới sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến họ rất nhiều- nhất là những người nhiễm HIV đang điều trị, người không may mắc bệnh hiểm nghèo.

Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS- Bộ Y tế cho biết, hiện cả nước có trên 90.000 người nhiễm HIV đang được điều trị miễn phí thuốc ARV. Mỗi năm, số tiền chi trả cho thuốc trên dưới 420 tỷ đồng, số tiền chi cho thuốc, các xét nghiệm liên quan của người bệnh HIV trung bình khoảng 4 triệu/ người/ năm. Người bệnh hiện không quan tâm đến thẻ BHYT vì họ được miễn phí điều trị hoàn toàn. Nhưng khi thuốc ARV, các xét nghiệm liên quan đã được đưa vào danh mục chi trả của BHYT, nếu không có thẻ BHYT thì thực sự sẽ là một gánh nặng về chi phí điều trị cho người nhiễm HIV.

Theo lộ trình, từ tháng 3/2016, nhà tài trợ sẽ không tiếp nhận người mắc HIV mới, trong khi đó mỗi năm Việt Nam có khoảng 800- 1.000 người nhiễm HIV mới phải điều trị bằng thuốc ARV. Khi điều trị HIV bằng thuốc ARV, người nhiễm khỏe hơn do tải lượng vi rút xuống thấp. Việc điều trị bằng ARV cũng làm giảm 95% nguy cơ lây nhiễm HIV sang người khác. Khi bỏ điều trị thì không chỉ làm tăng nguy cơ kháng thuốc, kéo theo việc điều trị tốn kém gấp cả chục lần mà lo ngại nhất do nồng độ vi rút trong máu tăng cao sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV sang người khác. Con số người nhiễm HIV có thẻ BHYT hiện chiếm khoảng 30% số bệnh nhân có thẻ. Khi không còn sự viện trợ, viện phí tăng thì người bệnh sẽ bỏ điều trị vì không có khả năng chi trả.

Nếu tham gia BHYT, các đối tượng không bị ảnh hưởng nhiều khi viện phí tăng. Ảnh: VINH HIỂN
Nếu tham gia BHYT, các đối tượng không bị ảnh hưởng nhiều khi viện phí tăng. Ảnh: VINH HIỂN

Chỉ riêng thông báo chi phí khám chữa bệnh đa tuyến 6 tháng đầu năm nay tại một huyện thôi mà quỹ BHYT phải thanh toán thay người bệnh trên 5 tỷ đồng. Như: Phan Hữu Nghiêm, mã bệnh D66, 2,35 tỷ đồng; Phạm Thị Nhỏ, mã bệnh J16, 104 triệu đồng; Trương Văn Bé Năm, mã bệnh N13.3, 112 triệu đồng; Nguyễn Thị Nhuần, mã bệnh l49, 153 triệu đồng; Nguyễn Thị Cúc, mã bệnh J15, 126 triệu đồng; Phan Văn Kiếm, mã bệnh K30, 201 triệu đồng; Trần Văn Út, mã bệnh I05, 93 triệu đồng; v.v... Nhiều người bệnh được hưởng quyền lợi BHYT không giấu nổi xúc động, trong đó có bệnh nhân Phan Hữu Nghiêm chia sẻ: “Tấm thẻ BHYT đã giúp ước mơ thoát khỏi đau đớn suốt 11 năm qua của con thành hiện thực rồi cô ơi!”…

Mức đóng BHYT đối với người dân thuộc hộ gia đình hiện nay là 4,5% của mức lương cơ sở 1.150.000 đ/tháng/người, 51.750 đ/người/tháng. Trường hợp người dân tham gia hết hộ thì mức đóng từng người sẽ thấp hơn, được giảm từ thành viên thứ 2 trở đi, lần lượt là 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất. Từ người thứ 5 trở đi bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Giả sử gia đình có 5 người, số tiền đóng BHXH trong tháng như sau:

Người thứ nhất 51.750đ;

Người thứ hai 36.225đ (51.750đ x 70%);

Người thứ ba 31.050đ (51.750đ x 60%);

Người thứ tư 25.857đ (51.750đ x 50%);

Người thứ năm 20.700đ (51.750đ x 40%).

Hàng tháng, cả gia đình chỉ đóng 165.582đ, mỗi ngày gia đình này chỉ phải đóng 5.500đ.

Việc triển khai thực hiện Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012- 2015 và tới 2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 đã đem lại nhiều quyền lợi của người tham gia BHYT, nhất là đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Trước hết người nghèo, người dân tộc thiểu số không phải cùng chi trả, trước kia là phải cùng chi trả 5%. Theo quy định mới sẽ được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng; người nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống ở các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn thì sẽ được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh trong khu vực điều trị nội trú nếu đi khám chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến. Bộ Y tế khẳng định, khi viện phí mới ra đời sẽ không ảnh hưởng tới người nghèo mà đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là người không tham gia BHYT. Chỉ có tham gia BHYT mới không bị áp lực nặng nề nếu không may bị bệnh, nhất là bệnh hiểm nghèo.Vì vậy, người dân cần ý thức để dự phòng rủi ro, không phải lo sợ không đủ tiền chi trả nếu không may bị bệnh.

Tại hội nghị vào tháng 3/2015 với Bộ Y tế và BHXH Việt Nam, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nhấn mạnh việc thực hiện BHYT toàn dân là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, rất tiến bộ và rất nhân đạo để cộng đồng chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau. Đây cũng là việc thực hiện bình đẳng, tiến bộ và công bằng xã hội ở nước ta.

NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG (TP Vĩnh Long)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh