Cuộc sống đô thị bận rộn. Tìm người giúp việc là giải pháp của nhiều gia đình để giải quyết khối công việc nhà như: giặt giũ, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, đặc biệt là giữ trẻ,
[links()]
Cuộc sống đô thị bận rộn. Tìm người giúp việc là giải pháp của nhiều gia đình để giải quyết khối công việc nhà như: giặt giũ, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, đặc biệt là giữ trẻ, chăm lo cho người lớn tuổi, người bệnh… Tuy nhiên, tìm được người giúp việc phù hợp không dễ.
Nghề giúp việc nhà cần được đào tạo để chuyên nghiệp hơn. |
Thất vọng với người giúp việc
Hiện nay, nhiều gia đình ở thành thị do bận rộn các công việc ngoài xã hội nên không có thời gian và điều kiện làm việc nhà. Xuất phát từ nhu cầu đó, nghề giúp việc ngày càng trở nên cần thiết hơn. Làm những công việc không tên tưởng chừng đơn giản nhưng đòi hỏi người lao động phải cẩn thận, sạch sẽ và tỉ mỉ. Chăm chút từng bữa ăn ngon, dọn dẹp từng góc nhà sạch sẽ, gọn gàng… đem đến sự hài lòng, ấm áp cho người sử dụng lao động.
Hơn 10 năm gắn bó nghề giúp việc gia đình, với chị Thạch Thị Hồng (huyện Cầu Kè- Trà Vinh) đây là nguồn thu nhập giúp trang trải cuộc sống của mẹ con chị. Thật thà, nhiệt tình, chu đáo nên việc nhà nào chị cũng làm thật nhanh, thật tốt khiến các bà nội trợ hài lòng. Đôi tay từng nhọc nhằn với ruộng vườn giờ lại tỉ mỉ trong việc bếp núc. Chính sự chịu khó của chị và sự đối đãi chân tình của người sử dụng lao động nên mối quan hệ tốt đẹp duy trì nhiều năm.
Chị Nguyễn Thị Hồng Hương- chủ một doanh nghiệp tư nhân ở thị trấn Trà Ôn cho biết, nhu cầu tìm người giúp việc ở thị trấn này khá nhiều nhưng tìm không dễ. Chị và chồng bận việc làm ăn suốt ngày nên rất cần người giúp việc. Tuy nhiên, từng phải thay người mấy lần vì người giúp việc xin nghỉ nhiều quá.
Vợ chồng là công chức nhà nước, lại không ở gần người thân nên sau khi sinh con, chị Nguyễn Thanh Thùy (Phường 1- TP Vĩnh Long) tìm người giúp việc. Chị Thùy chia sẻ: “Vợ chồng tôi sợ nhất mỗi lần người giúp việc xin nghỉ vài hôm. Mọi chuyện trong nhà rối như tơ vò. Để giữ chân, tôi đã “chiều” người giúp việc hơn cả người nhà”. Còn sau mấy lần tìm “nhầm” người giúp việc, vợ chồng chị Mai Cẩm Hồng (Phường 5- TP Vĩnh Long) quyết định không thuê người nữa. Chị bức xúc: Vợ chồng tôi bận việc cơ quan suốt ngày nên trông cậy người giúp việc dọn dẹp nhà cửa, trông con. Tuy nhiên, liên tục gặp mấy người “trời ơi”. Người thì không siêng năng, ngủ nhiều đến nỗi để bé thức một mình không ai trông; người thì có người yêu, vợ chồng tôi đi vắng là dắt về nhà suốt. Chẳng những vậy, người nào cũng làm được chừng vài tháng là bắt đầu đòi hỏi, nghỉ bất ngờ hoài để đòi tăng lương, thêm khoản này khoản nọ… Giờ “ngán” rồi nên vợ chồng gửi con cho ngoại, tự sắp xếp việc nhà luôn.
Cần được đào tạo
Thường giúp việc theo giờ, chị Liêu Hoa (Phường 1- TP Vĩnh Long) nói: Công việc có liên tục trong tháng, thường là dọn dẹp nhà cửa, rửa chén, phụ chạy bàn… giá 50.000 đ/buổi.
Chị Nguyễn Thị Vân Hương- Chủ tịch Hội Phụ nữ Phường 1 (TP Vĩnh Long) cho biết: Nhu cầu tìm người giúp việc liên hệ qua hội phụ nữ phường khá nhiều, chủ yếu là dọn dẹp nhà cửa, rửa chén hội nghị theo giờ, theo buổi… Còn lại, đa số các hộ gia đình tự tìm người giúp việc toàn thời gian.
Theo ghi nhận của chúng tôi, trước đây, TP Vĩnh Long có dịch vụ Osin thời đại- giới thiệu người giúp việc cho những nơi có nhu cầu, nhưng cũng chưa qua đào tạo. Hiện dịch vụ này cũng không còn. Cô H.- một người giúp việc trên 50 tuổi ở TP Vĩnh Long- cho rằng, nghề giúp việc rất đơn giản, không cần phải qua tập huấn, đào tạo gì vẫn có thể làm được. Tuy nhiên, cô này cũng cho biết thêm, đa số người thuê đến dọn dẹp nhà cửa, rửa chén, quét nhà, rất ít ai thuê chăm sóc trẻ, nuôi người bệnh… Thiết nghĩ, đây là vấn đề dễ hiểu, bởi hầu hết các bà mẹ thường không yên tâm giao con mình cho một người lạ, lại không được trang bị đầy đủ kiến thức về chăm sóc trẻ.
Theo Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm TP Vĩnh Long, hàng năm, trung tâm có mở các lớp dạy nấu ăn, kỹ thuật thẩm mỹ, tiểu thủ công nghiệp… Nhưng trước nay chưa có lớp đào tạo nghề giúp việc. Nhu cầu tìm người giúp việc liên hệ qua trung tâm hàng năm có nhưng không nhiều. Theo trung tâm, người giúp việc cần được đào tạo để biết cách sử dụng máy móc thiết bị, giữ trẻ, chăm sóc người bệnh… Tuy nhiên, để mở lớp đào tạo thì nhu cầu phải nhiều và phải có giáo viên nghề đó, trong khi nghề giúp việc còn khá… mơ hồ.
Chị Nguyễn Thị Hồng Hương cho biết thêm, gần đây, nhờ người quen giới thiệu, nhà chị đã tìm được 2 người khá ưng ý: một người nấu ăn, một người giữ trẻ. Tuy nhiên, không thể phó mặc mà phải luôn quan tâm, hướng dẫn, đặc biệt đối với chị giữ trẻ. Hàng ngày, tôi đi chợ rồi nhờ các chị nấu ăn dùm. Nếu các chị được đào tạo kiến thức về chăm sóc, dinh dưỡng cho bé thì yên tâm hơn nhiều. Mặt khác, tôi nghĩ người giúp việc cần được đào tạo tác phong làm việc chuyên nghiệp hơn. Đối với những người giúp việc nhiệt tình, được việc, chúng tôi rất quý. Ngoài tiền công hàng ngày, còn thưởng thêm.
Thiết nghĩ, nhịp sống đô thị tất bật, giúp việc đã trở thành một nhu cầu phổ biến và trở thành phương kế mưu sinh cho không ít người lao động. Hơn nữa, nghề giúp việc đã được chính thức công nhận là một nghề. Vì thế, bên cạnh đào tạo các kỹ năng, người lao động cần được đào tạo về tác phong làm việc, đạo đức nghề nghiệp… Người giúp việc muốn được pháp luật bảo vệ cần phải thấy rõ công việc mình làm là một nghề, phải làm việc đúng với khả năng của mình, không nên thích thì làm, không thích thì nghỉ. Về phía người sử dụng lao động, bên cạnh việc thực hiện đúng pháp luật, cần phải có sự thông cảm, chia sẻ và tôn trọng người giúp việc để tạo môi trường làm việc thân thiện, lâu bền.
Nghị định 27/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về giúp việc gia đình có hiệu lực từ 25/5/2014, chính thức công nhận giúp việc gia đình là một nghề. Nghị định thỏa thuận công việc giữa người giúp việc gia đình và bên sử dụng lao động phải lập hợp đồng bằng văn bản; lương (bao gồm cả chi phí ăn, ở của người lao động nếu có) không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng; người sử dụng lao động phải trả thêm một khoản tiền tương đương với mức đóng BHXH bắt buộc, BHYT để người lao động tự lo bảo hiểm; một ngày đêm người lao động phải được nghỉ ít nhất 8 tiếng, trong đó có ít nhất 6 tiếng liên tục, mỗi tuần người lao động phải được nghỉ ít nhất 1 ngày hoặc bình quân mỗi tháng phải được nghỉ ít nhất 4 ngày, một năm người lao động được nghỉ phép 12 ngày hưởng nguyên lương nếu làm việc đủ 12 tháng… |
Bài, ảnh: QUYÊN HIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin