Đem nghề về nông thôn

02:09, 30/09/2015

Với phương châm "học đi đôi với hành", "trao cần câu" và dạy "cách câu", đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) ít nhiều đã có được những kết quả thiết thực. 

Với phương châm “học đi đôi với hành”, “trao cần câu” và dạy “cách câu”, đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) ít nhiều đã có được những kết quả thiết thực.

Nhiều LĐNT đã có thu nhập ổn định sau khi tham gia các lớp dạy nghề ngắn hạn do Sở Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành và các địa phương tổ chức.

Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020” theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2010- 2014, Vĩnh Long đã từng bước đạt được những hiệu quả tích cực. Nhờ học nghề, LĐNT đã có những nhận thức mới, kiến thức mới để nỗ lực vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Các ngành nghề đào tạo tại các xã nông thôn mới như: tiểu thủ công nghiệp, nấu ăn, kỹ thuật nông nghiệp, xây dựng… là những ngành nghề gắn liền với việc làm tại địa phương cho LĐNT.
Các ngành nghề đào tạo tại các xã nông thôn mới như: tiểu thủ công nghiệp, nấu ăn, kỹ thuật nông nghiệp, xây dựng… là những ngành nghề gắn liền với việc làm tại địa phương cho LĐNT.

Vợ chồng chú Nguyễn Văn Bé Tư (xã Vĩnh Xuân- Trà Ôn) có 5 người con. Cả nhà 7 miệng ăn phụ thuộc vào mảnh vườn tạp lâu năm không còn hiệu quả, nên nhiều năm liền gia đình chú là hộ nghèo của địa phương. Mấy năm trước, được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để nuôi bò và nhờ chăn nuôi hiệu quả nên gia đình cô chú dần vượt qua khó khăn. Các con lớn lên cũng có việc làm nên gia đình được thoát nghèo vào cuối năm 2013.

Hiện, chú Bé Tư chạy xe ôm, vợ chú lãnh hàng đan dây nhựa về làm. Ngoài chăn nuôi bò từ nguồn vốn vay giảm nghèo, chú và một số nông dân trong ấp đang theo học lớp dạy nghề chăn nuôi do Trung tâm Dạy nghề giới thiệu việc làm huyện Trà Ôn phối hợp tổ chức. Chú Bé Tư rất phấn khởi: “Chú cùng với mấy anh em học chung nới rộng mô hình chăn nuôi này trong thời gian tới để kiếm thêm thu nhập, có vậy mới thoát nghèo suốt đời chứ”.

Lớp dạy kỹ thuật nuôi lươn do Trường Cao đẳng Cộng đồng Vĩnh Long đào tạo cho người dân ở xã Mỹ An đạt hiệu quả cao nhờ áp dụng đúng các kỹ thuật chăm sóc, vệ sinh chuồng trại. Qua tiếp thu kiến thức và thực tế mô hình ứng dụng cho thấy lươn là vật nuôi tiềm năng, chi phí nuôi thấp, không tốn nhiều diện tích, hiệu quả kinh tế lại cao. Đây được xem là các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật để giúp LĐNT nâng cao hiệu quả LĐ sản xuất ngay trên miếng vườn, thửa ruộng của mình, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo và hoàn thành tiêu chí về thu nhập trong chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay

Thời gian qua, Vĩnh Long xác định các hội, đoàn thể làm nòng cốt trong công tác vận động, làm chuyển biến nhận thức của hội viên, đoàn viên đến hộ dân, người lao động về vai trò của dạy nghề, học nghề gắn với việc làm để giảm nghèo bền vững. Các huyện- thị- thành chủ động khảo sát lại nhu cầu của người học nghề, xây dựng kế hoạch ngành nghề đào tạo, số lượng phù hợp với định hướng phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Tùy theo điều kiện đặc thù của từng vùng, các địa phương phối hợp với trung tâm dạy nghề và các doanh nghiệp tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề đa dạng như đan giỏ, xe lõi lác, đan thảm lục bình- thảm xơ dừa, đan ghế nhựa, kết cườm, làm dạy nghề nông nghiệp,… Cũng nhờ chọn lựa nghề đào tạo phù hợp nên sau khi học nhiều LĐNT đã tiếp tục làm nghề để tăng thu nhập cho gia đình.

Ông Võ Văn Tám- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh động viên LĐNT đang học nghề may công nghiệp tại huyện Mang Thít.
Ông Võ Văn Tám- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh động viên LĐNT đang học nghề may công nghiệp tại huyện Mang Thít.

Nhiều năm qua, các cấp hội phụ nữ (PN) tỉnh đã xây dựng được nhiều mô hình dạy nghề, tạo việc làm tăng thu nhập cho chị em đạt hiệu quả cao, đã tổ chức được hàng trăm lớp dạy nghề như: may công nghiệp, đan thảm lục bình, xe lõi lác, đan giỏ nilon, đan găng tay,... phối hợp giải quyết việc làm cho trên hàng chục ngàn LĐ và thành lập nhiều loại hình hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, tổ liên kết nhằm hỗ trợ PN chuyển đổi nghề, tạo việc làm mới cho PN nông thôn. Điển hình như Trung tâm Sản xuất cộng đồng Tân Long, Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Hòa Lộc, Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Quyết Thắng đã giải quyết trên 1.600 LĐNT.

Để giải quyết việc làm cho người dân, huyện Tam Bình đã chú trọng đầu tư, đẩy mạnh phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp và làng nghề. Hiện huyện có 11 làng nghề chủ yếu đan thảm lục bình và làm bánh tráng giấy, giải quyết việc làm cho gần 2.700 LĐ với thu nhập bình quân từ 1,2- 1,5 triệu đồng/tháng. Chị Trần Thị Cương (xã Ngãi Tứ - Tam Bình) chất phác: “Gia đình tui thuộc diện chính sách ngoài việc học nghề đan lục bình miễn phí, tui còn được hỗ trợ tiền nữa. Học xong là có chuyện mần ngay, kiếm thêm đồng vô đồng ra lo cho con, tui mừng lắm”.

Ông Võ Văn Tám- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: Công tác giải quyết việc làm cho LĐNT luôn được tỉnh chú trọng quan tâm thực hiện. BCĐ các cấp chủ động triển khai nhiều giải pháp thiết thực như gắn đào tạo nghề với nhu cầu xã hội, ưu tiên đào tạo những ngành nghề phục vụ phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch trên địa bàn khu vực nông thôn; các ngành nghề gắn với giải quyết việc làm, tăng năng suất LĐ, tăng thu nhập cho nông dân,...

Tỉnh nâng cao chất lượng hiệu quả đào tạo nghề nhằm gắn liền với tạo việc làm, giải quyết việc làm, tăng thu nhập của LĐNT; góp phần chuyển dịch cơ cấu LĐ và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Trong năm 2015, đào tạo nghề cho LĐNT nhằm nâng cao chất lượng nguồn LĐ của tỉnh, của từng địa phương; đào tạo nguồn nhân lực để phát triển các ngành nghề thế mạnh của từng khu vực, từng mô hình điển hình, định hướng phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương. Đồng thời, tỉnh chú trọng, tăng cường thực hiện mở lớp dạy nghề và giải quyết việc làm, tạo việc làm cho LĐNT tại 22 xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

5 năm qua, chính sách hỗ trợ LĐNT học nghề theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, Vĩnh Long đã dạy nghề cho trên 53.400 LĐNT. Trong số này, có trên 43.100 LĐ có việc làm; chiếm tỷ lệ 80,76% so với tổng số LĐ được đào tạo. Công tác giải quyết việc làm cho LĐNT luôn được chú trọng quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như: tổ chức đào tạo nghề theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng: 7.049 người; được doanh nghiệp, đơn vị bao tiêu sản phẩm: 23.472 người; được tư vấn hướng dẫn tự tạo việc làm, được vay vốn tín dụng tạo việc làm: 12.244 người; thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ: 378 người. Song song đó, chính sách cũng tác động tích cực đến thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, đặc biệt chuyển dịch cơ cấu LĐ theo hướng tích cực, giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở các địa phương.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh