Tác hại không lường khi hít khói thuốc lá thụ động

04:08, 21/08/2015

Các nghiên cứu y tế chỉ ra rằng, các nguy cơ làm bệnh hô hấp cấp tính thêm trầm trọng hơn ở trẻ có bố, mẹ hoặc có một người trong gia đình hút thuốc lá.

[links()]

Các nghiên cứu y tế chỉ ra rằng, các nguy cơ làm bệnh hô hấp cấp tính thêm trầm trọng hơn ở trẻ có bố, mẹ hoặc có một người trong gia đình hút thuốc lá.

Các bệnh do hút thuốc lá thụ động gây ra mà mỗi người cần biết.
Các bệnh do hút thuốc lá thụ động gây ra mà mỗi người cần biết.

Ngoài những đối tượng chủ động hút thuốc lá bị ảnh hưởng sức khỏe bởi các bệnh về hô hấp thì những người không hút thuốc lá mà tiếp xúc khói thuốc lá cũng sẽ bị ảnh hưởng sức khỏe. Phụ nữ có thai, trẻ vị thành niên (nhất là độ tuổi 13-15),... cũng bị ảnh hưởng tương tự khi phải hít khói thuốc lá thụ động.

“Trong suốt thế kỷ XX, nạn dịch thuốc lá gây ra cái chết của hơn 100 triệu người trên toàn thế giới. Ước tính trong Thế kỷ XXI, thuốc lá sẽ giết chết 1 tỷ người”- (Tổ chức Y tế Thế giới, MPOWER, 2008). Theo điều tra năm 2014 (Điều tra toàn cầu về thực trạng sử dụng thuốc lá trong học sinh độ tuổi 13-15 năm 2007): 47,7% học sinh lứa tuổi 13-15 phơi nhiễm với khói thuốc lá tại nhà; 66,5% phơi nhiễm với khói thuốc tại nơi công cộng trong nhà.

Các bệnh do hít khói thuốc lá thụ động được ghi nhận là mức độ ảnh hưởng không kém khi gây ra cho người hút thuốc lá chủ động. “Rất nhiều bằng chứng chắc chắn chỉ ra rằng hít khói thuốc thụ động là một yếu tố nguy cơ sức khỏe đáng chú ý, nó là nguyên nhân gây chết sớm của hàng ngàn người không hút thuốc mỗi năm” (Richard Carmona, U.S Surgeon General, 2006).

Môi trường có khói thuốc lá là nguyên nhân gây nên nhiều bệnh cho người không hút thuốc như: ung thư, các bệnh đường hô hấp và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Mỗi năm thế giới có khoảng 600.000 ca tử vong do hít khói thuốc lá thụ động gây ra.

Phụ nữ mang thai thường xuyên hít phải khói thuốc thụ động dễ bị sảy thai, thai nhi chậm phát triển hoặc sinh non. Nguy cơ sảy thai ở phụ nữ hút thuốc cao gấp 3 lần so với phụ nữ không hút thuốc (theo báo cáo tổng quan về thuốc lá và sức khỏe của Tổng hội Y khoa Hoa Kỳ, Tổ chức Y tế Thế giới; các báo cáo về tình hình hút thuốc lá và gánh nặng bệnh tật do thuốc lá gây ra ở Việt Nam- Văn phòng Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá 2011). Cũng theo báo cáo này, ở trẻ em, hít khói thuốc lá thụ động gây viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, làm nặng thêm các triệu chứng hen và là một trong những nguyên nhân gây đột tử ở trẻ sơ sinh. Khói thuốc lá làm tăng 22% nguy cơ trẻ sinh ra nhẹ cân và làm giảm cân nặng trẻ sơ sinh từ 200- 400g.

Với hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (như chết khi đang ngủ, được định nghĩa như cái chết bất ngờ của trẻ nhỏ mà không rõ nguyên nhân) thì tỷ lệ đột tử ở trẻ em phơi nhiễm với thuốc lá trong quá trình bào thai cao hơn trẻ em khác từ 1,4- 8,5 lần. Viêm đường hô hấp cấp tính ở trẻ là bệnh cấp tính phổ biến nhất trong thời kỳ thơ ấu.

Các bệnh hô hấp cấp tính có thể phân ra thành các bệnh liên quan tới đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới (viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi). Khói thuốc lá khiến người hít thụ động thấm vào đường dẫn khí và phế nang của phổi có thể gây bệnh hô hấp cấp tính và làm bệnh nặng hơn do tăng phù nề và viêm phổi. Các triệu chứng hô hấp mãn tính ở trẻ em khi phải hít khói thuốc lá thụ động là viêm tai giữa, viêm amidan, các triệu chứng hen và ảnh hưởng chức năng phổi.

Những thay đổi của cơ thể sau khi bỏ thuốc lá (nguồn WHO):

* 20 phút: Huyết áp và mạch giảm dần tới mức bình thường.

* 8 giờ: Lượng oxy trong máu trở về trạng thái bình thường. Nguy cơ bị nhồi máu cơ tim bắt đầu giảm. Nhiệt độ ngoài da bắt đầu tăng.

* 24 giờ: Lượng CO trong máu bắt đầu được đào thải; phổi bắt đầu quá trình tự làm sạch và phản xạ ho tăng để thải đờm.

* 48 giờ: Cảm giác ngon miệng và mùi vị bắt đầu được cải thiện.

* 1 tuần: Giấc ngủ trở lại bình thường.

* 2 tuần- 3 tháng: sự lưu thông máu trong cơ thể và chức năng thông khí được cải thiện.

* 1- 9 tháng: Các triệu chứng như ho, tiết dịch nhầy, mệt mỏi, khó thở giảm; nhung mao của tế bào niêm mạc phế quản trở lại hoạt động bình thường, giảm tốc độ suy đa chức năng thông khí đối với người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

* 1- 2 năm: Nguy cơ nhồi máu cơ tim giảm 20- 50%; giảm tỷ lệ bệnh tái phát và tăng tỷ lệ thành công trong điều trị, phẫu thuật mạch vành.

* 5 năm: Nguy cơ đột quỵ giảm tới mức như người không hút thuốc sau 5- 15 năm cai thuốc.

* 10 năm: Nguy cơ tử vong do ung thư phổi giảm một nửa so với người tiếp tục hút thuốc; các nguy cơ ung thư miệng, họng, thực quản, bàng quang, thận, tụy cũng sẽ giảm so với người hút thuốc lá.

 

Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh