Hưởng ứng lời kêu gọi thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người lính Cụ Hồ đã chiến đấu quên mình với tinh thần "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh"
[links()]
Hưởng ứng lời kêu gọi thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người lính Cụ Hồ đã chiến đấu quên mình với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” góp phần làm nên chiến thắng vang dội mùa xuân năm 1975. Thời bình, họ tiếp tục là những tấm gương sáng, những“cựu chiến binh (CCB) gương mẫu”.
Ông Nhẫn (thứ 2 từ phải qua) luôn chú trọng nâng cao chất lượng hội và đời sống hội viên. |
Tiên phong, gương mẫu
Sớm ý thức được trách nhiệm với đất nước, cô Đỗ Thị Ngon ở thị trấn Cái Vồn (nay là phường Cái Vồn- TX Bình Minh) quyết định vào bộ đội, thuộc Tiểu đoàn 857. Bà nhớ lại: Thời điểm năm 1969- 1970 là những năm ác liệt ở vùng chữ V- vòng tuyến lửa của tỉnh, bà lại là nữ nên sinh hoạt gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, môi trường quân đội là nơi bà được học và rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, giúp bà kiên cường và vững vàng hơn. Sau khi được đào tạo lớp y tá cứu thương, ngoài làm chuyên môn, chị nuôi, bà còn đảm nhận các công việc của nam giới như đào công sự, đắp trảng xê,...
Sau ngày “đất nước trọn niềm vui”, bà được đưa đi học văn hóa và đã tốt nghiệp Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh năm 1984. Hưởng ứng phong trào “CCB gương mẫu”, sau những năm tháng khoác lên mình màu áo xanh của lính, màu áo trắng của ngành y, đến tuổi về hưu, bà tiếp tục nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu. Trong công tác hội, bà luôn đi đầu trong các cuộc vận động cất nhà “Mái ấm đồng đội”, xây dựng quỹ hội, quỹ khuyến học để giúp con CCB có hoàn cảnh khó khăn, tặng quà tết cho CCB già yếu, bệnh tật...
Cách nay 10 năm, bà được phân công về Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo huyện Bình Minh- nay là Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo TX Bình Minh. Bà nghĩ, đây là cơ hội tốt để phát huy vai trò, trách nhiệm của người lính Cụ Hồ trong công tác vận động an sinh xã hội nhằm xoa dịu nỗi đau, nỗi bất hạnh của người nghèo ở địa phương, trong đó có cả đồng chí, đồng đội.
Bà kể, bước đầu cũng lắm gian truân do hầu như bắt đầu từ “con số không”, nhưng “khó khăn nào cũng vượt qua”, đến nay, mạng lưới hội cơ sở đã phát triển đến 8 xã- phường với 600 hội viên. Tổng giá trị phúc lợi xã hội đạt gần 50 tỷ đồng, giúp cho những mảnh đời khốn khó vượt qua số phận, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Trong xây dựng nông thôn mới, bà đã vận động nhiều chương trình như: bắc cầu, làm đường, hỗ trợ cất và sửa chữa nhà cho hộ nghèo với tổng trị giá trên 1,9 tỷ đồng.
Thi đua là động lực
Nhận thức sâu sắc mục đích và ý nghĩa nhân văn của phong trào thi đua yêu nước “CCB gương mẫu”, ông Bùi Kiên Nhẫn- Chủ tịch Hội CCB Phường 9 (TP Vĩnh Long) luôn tâm niệm “có cán bộ tốt thì có phong trào tốt, có tổ chức chặt chẽ thì phong trào mới thường xuyên liên tục”.
Bà Ngon (bìa phải) kể về những tháng ngày đi bộ đội đầy vất vả nhưng cũng lắm tự hào. |
Vì lẽ đó, ông luôn huy động tối đa yếu tố con người để tạo chuyển biến chất lượng phong trào. Đến nay, đã xóa hết chi hội yếu và thay vào đó là 5/5 đều đạt trong sạch vững mạnh; toàn hội cơ bản không còn hộ nghèo, hộ khá giàu tăng 12%.
Để làm được điều này, hội đã phát huy tối đa nội lực; tiêu biểu là đã vận động góp vốn xoay vòng đạt 74 triệu đồng/tháng, cao nhất trong toàn hội cơ sở ở thành phố. Hầu hết hội viên đều sử dụng hợp lý nguồn vốn nội bộ nên phong trào đã phát huy hiệu quả, giúp hội viên ổn định cuộc sống. Theo ông Bùi Kiên Nhẫn, đó cũng là nhờ làm tốt công tác “dân vận khéo”, nguồn vốn luôn đến kịp thời, kịp lúc khi hội viên cần, người khó khăn thì được ưu tiên nhận vốn trước.
Thêm một cách làm hay nữa là, từ nhiều năm nay, hội hỗ trợ tiền xăng xe cho chi hội trưởng 50.000 đ/người/tháng. Ông kể, trước đây phường có phần đất ao để trống, ông đã xin UBND phường cho san lấp mặt bằng và cất 3 ki ốt để cho thuê. Số tiền thu được, hội trích ra để hỗ trợ hoạt động cho các chi hội trưởng. Tuy không nhiều, nhưng đây là nguồn động viên tinh thần cho anh em.
Qua 40 năm xây dựng và đổi mới đất nước, đời sống người dân đã nâng cao mới với nhiều phương tiện, tiện nghi vật chất hiện đại, nhưng ông Nhẫn vẫn chọn cho mình lối sống giản dị và tiết kiệm theo gương Bác Hồ. Mỗi ngày ông đi làm bằng xe đạp. Tính ra mỗi năm tiết kiệm được 120 lít xăng, tuy chỉ khoảng 3 triệu đồng, nhưng “cái lớn hơn là có lợi cho sức khỏe và môi trường ”- ông nói.
Còn với bà Đỗ Thị Ngon, trước đây, bà gia nhập quân đội để giành lấy sự bình yên cho quê hương. Còn bây giờ, điều làm bà tự hào là huyện Bình Minh đã vươn lên thị xã, đời sống phát triển nhiều mặt. Tuy nhiên, điều bà trăn trở là đối tượng khó khăn vẫn còn nhiều quá. Bà cho biết: “Sắp tới, tôi sẽ rà soát lại để không bỏ sót đối tượng cần được hỗ trợ; đồng thời sẽ triển khai các dự án sinh kế, xây cầu vệ sinh, trợ giúp thường xuyên cho trẻ mồ côi, mua thẻ BHYT cho các hộ khó khăn”.
Hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước “CCB gương mẫu”, các cấp Hội CCB đã phát huy tinh thần đồng đội, đoàn kết tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa cuộc sống đời thường với tinh thần, ý chí, nghị lực không ngừng vươn lên. 6 tháng đầu năm, các cấp hội đã vận động xóa 48 hộ nghèo, xóa 30 căn nhà tạm, hiến gần 2.800m2 đất và 236 cây ăn trái có giá trị để xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng xã nông thôn mới. |
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin