Phụ nữ xã Bình Ninh: Tạo việc làm, tăng thu nhập

02:07, 21/07/2015

Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế thông qua việc dạy nghề thủ công kết hợp hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên. Đó là cách làm thiết thực của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Bình Ninh (Tam Bình) nhằm giúp các chị em vươn lên, thoát nghèo bền vững.

[links()]

Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế thông qua việc dạy nghề thủ công kết hợp hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên. Đó là cách làm thiết thực của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Bình Ninh (Tam Bình) nhằm giúp các chị em vươn lên, thoát nghèo bền vững.

Ai cũng có việc làm

Nhờ tham gia các lớp dạy nghề, được giao hàng tại nhà mà chị em phụ nữ có thêm thu nhập ổn định.
Nhờ tham gia các lớp dạy nghề, được giao hàng tại nhà mà chị em phụ nữ có thêm thu nhập ổn định.

Theo chân chị Phạm Thúy Hằng- Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Ninh- đến thăm các hội viên tham gia đan hàng thủ công mỹ nghệ ấp An Hòa. Chị cho biết đa số chị em sống bằng nghề nông nghiệp, trình độ còn hạn chế, lao động nông nhàn không có việc làm… nên việc hỗ trợ chị em phát triển kinh tế là công tác trọng tâm của hội. Nhận thấy nghề đan lục bình có thể tạo được việc làm, tăng thu nhập cho hộ gia đình nên Hội LHPN đã lên kế hoạch phối hợp với Trung tâm Học tập cộng đồng và trực tiếp xuống ấp vận động chị em tham gia học nghề. “Lúc đầu còn nhiều khó khăn do chị em chưa tin tưởng vì cho rằng làm hàng này cần tỉ mỉ mà “kiếm được có bao nhiêu tiền”. Nhưng rồi nhờ sự hỗ trợ của các đoàn thể cùng sự nhiệt tình vận động của các chị em có tham gia học nghề đang có thu nhập cao nên đã thu hút đông đảo chị em tham gia đan hàng thủ công mỹ nghệ”- chị nói.

Để đảm bảo việc làm cho chị em, Hội LHPN đã vận động được đại lý thu gom sản phẩm và giao hàng tận nơi. Thông qua công tác dạy nghề và giải quyết việc làm tại chỗ, hội đã nâng số lao động có việc làm ổn định tại địa phương từ năm 2010 là 953 lao động đến nay có 1.345 lao động có việc làm với mức thu nhập từ 1,7- 2 triệu đồng/người/tháng.

Tay thoăn thoắt đan giỏ, chị Dương Nhựt An cho biết: “Từ khi đan hàng thủ công mỹ nghệ này mà cuộc sống gia đình tui cũng đỡ hơn rất nhiều. Ban đầu làm chưa nhanh nhưng riết rồi quen tay. Tháng tui thu nhập trung bình gần 2 triệu đồng”. Gia đình không ruộng đất, chị làm nội trợ, chồng làm thợ hồ không được bao nhiêu tiền lại nuôi 2 con đi học. Từ khi có phong trào này mà gia đình chị có thêm khoản tiền kha khá để trang trải sinh hoạt và nuôi con đi học.

Vừa tham gia lớp dạy vừa giao hàng tận nơi cho chị em, Giám đốc HTX Thủ công mỹ nghệ Quyết Thắng- Phạm Thị Tơ cho biết: “Lúc đầu chỉ có vài chục chị em tham gia thôi nhưng giờ đến hơn ngàn mấy rồi. Ai cũng có thể làm được hết. Chị em nào chịu làm thì nguồn thu cũng kha khá”.

Chị Ngô Thị Hiểu- Chi hội trưởng Chi hội LHPN ấp An Hòa luôn chí thú làm ăn và hết lòng giúp đỡ các chị em phát triển kinh tế.
Chị Ngô Thị Hiểu- Chi hội trưởng Chi hội LHPN ấp An Hòa luôn chí thú làm ăn và hết lòng giúp đỡ các chị em phát triển kinh tế.

Đến nay xã có 6 làng nghề và 1 HTX đan hàng thủ công mỹ nghệ. Có 9/11 ấp được HTX xã giao hàng và có trên 1.380 xã viên nhận hàng về làm. “Không phải là tất cả, nhưng từ bước tạo đà này, nhiều cán bộ hội và hội viên đã có thêm nghề; nhiều người đã phát huy được nghề đã học, trực tiếp làm nghề đem lại nguồn thu cho gia đình”- chị Ngô Thị Hiểu- Chi hội trưởng Chi hội LHPN ấp An Hòa nói.

Hỗ trợ vốn phát triển kinh tế

Cùng với tạo việc làm, Hội LHPN còn vận động chị em góp vốn xoay vòng, nuôi heo đất giúp hộ nghèo, vận động gây quỹ tiết kiệm tại chi hội. 5 năm, có 48 con heo đất, 144 tổ hùn vốn xoay vòng, 21 tổ tiết kiệm tại chi hội thu hút trên 3.280 chị em tham gia, với tổng số tiền huy động được trên 3,82 tỷ đồng giúp trên 1.910 chị em mượn vốn phát triển kinh tế gia đình. Được 2 lần hỗ trợ vốn đầu tư cho việc buôn bán nhỏ, chị Lưu Ngọc Thoại cho biết: “Những lúc khó khăn nhận được vốn hỗ trợ làm mình có động lực phấn đấu làm ăn nhiều hơn. Tuy số tiền không nhiều nhưng cũng phần nào giúp đỡ các hội viên có thêm điều kiện phát triển kinh tế gia đình”.

Nhờ sự quan tâm kịp thời của Hội LHPN mà 5 năm qua đã có 62 hộ thoát nghèo. Điển hình như chị Nguyễn Thị Hồng Thắm là hộ nghèo nhưng từ khi tham gia đan hàng thủ công mỹ nghệ thì hàng tháng chị có thêm thu nhập từ 1,5- 2 triệu đồng. Hiện nay hộ chị thoát nghèo, con cái có thêm điều kiện học hành.

Từ phong trào hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, hội đã góp phần cùng địa phương hoàn thành 3 tiêu chí về hộ nghề, thu nhập và cơ cấu lao động trong xây dựng nông thôn mới. Qua đó cũng tạo được niềm tin và thu hút đông đảo chị em tham gia vào hội. Đến nay, tập hợp được 1.787 hội viên, chiếm 85,5% so độ tuổi quản lý.

Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Ninh cho biết thêm: Bên cạnh sự hỗ trợ của hội, đa phần các chị em đều chí thú chăm lo phát triển kinh tế gia đình cũng vừa góp phần xây dựng xã ngày một phát triển. Thời gian tới, hội sẽ vận động chị em, nhất là các chị em nghèo, cận nghèo, khó khăn chưa có việc làm tiếp tục tham gia học nghề và nhân rộng 11/11 ấp; tạo mọi điều kiện cho HTX hàng thủ công hoạt động hiệu quả; tiếp tục xây dựng, mở rộng các nguồn vốn xoay vòng, quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo…

Bài, ảnh: CẨM HUỆ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh