Mùa hè là thời điểm mà trẻ em mong đợi nhất vì được tạm gác lại chuyện học hành, có nhiều thời gian ở nhà vui chơi, thư giãn. Nhưng đây lại là thời điểm mà các bậc phụ huynh lo ngại nhất, bởi mùa hè bao giờ cũng mang theo nỗi thấp thỏm về tai nạn thương tích (TNTT) ở trẻ em.
[links()]
Mùa hè là thời điểm mà trẻ em mong đợi nhất vì được tạm gác lại chuyện học hành, có nhiều thời gian ở nhà vui chơi, thư giãn. Nhưng đây lại là thời điểm mà các bậc phụ huynh lo ngại nhất, bởi mùa hè bao giờ cũng mang theo nỗi thấp thỏm về tai nạn thương tích (TNTT) ở trẻ em.
Dịp hè, Vĩnh Long tổ chức nhiều lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ để phòng tránh tai nạn đuối nước. |
Tai nạn quanh nhà
Hơn 1 tháng trôi qua nhưng sự việc bé Trương Quốc Đại, 3 tuổi (Phường 2- TP Vĩnh Long) bị bỏng nước sôi vẫn còn là nỗi ám ảnh đối với mọi người trong gia đình. Điều đáng buồn là tai nạn xảy ra ngay tại nhà, chỉ vì một phút sơ ý, lơ là trông coi của người lớn.
Anh Trương Quốc Chánh- ba bé Đại- kể lại: “Cả nhà nấu lẩu ăn. Dọn ra bàn, bé ngồi đó cùng mọi người. Bé giỡn chồm trúng nồi lẩu bị phỏng cánh tay, nặng nhất ở mông và đùi. Con khóc quá trời, cả nhà ẵm vô bệnh viện cấp cứu liền. Người lớn sơ ý không cẩn thận trông chừng để con bị phỏng, xót lắm”.
Anh Trần Minh Nghĩa (xã An Long, huyện Tam Nông- Đồng Tháp) cũng đang mang nỗi ân hận khôn nguôi khi bệnh nhi là cháu Nguyễn Hữu Hiệp (6 tuổi, con trai anh) vừa được Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long cấp cứu vào sáng 17/6 trong tình trạng co giật do ngộ độc thuốc. Sau vài tháng đi học mẫu giáo, cháu Hiệp được nghỉ hè và chỉ mới theo cha đi ghe chở mướn không bao lâu thì xảy ra cớ sự. Anh Nghĩa cho biết: “Ghe kiến nhiều quá, mua thuốc xịt kiến mà kiến không chết. Người ta chỉ mua Regent Hai lúa xanh trộn với đường thuốc cho kiến nó chết. Thấy vậy tui mua về trộn để vô mấy kẹt ghe, không ngờ con bóc đường đó ăn rồi bị ngộ độc”.
Đây chỉ là 2 trong số trên 230 trường hợp trẻ bị TNTT mà Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long tiếp nhận điều trị trong 2 tháng hè. Trong đó, đa phần là bị ngộ độc, súc vật cắn, té, bỏng, điện giật, tai nạn giao thông, đuối nước. Tuy các trường hợp trên đều may mắn được cấp cứu kịp thời, chưa nguy hiểm đến tính mạng, những vết thương cũng dần dà sẽ lành lại nhưng những tai nạn này ít nhiều để lại sự sợ hãi, nỗi ám ảnh tâm lý đối với bản thân các cháu nhỏ.
BS CK II Phan Văn Năm- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh- nhắc nhở: “Trong mùa hè, TNTT ở trẻ em tăng một cách đáng kể. Chẳng may các cháu bị tai nạn xảy ra thì sơ cứu ban đầu hết sức quan trọng, tuy nhiên tùy từng tình huống mà chúng ta sơ cứu cho phù hợp. Điều đầu tiên chúng ta đưa cháu ra khỏi khu vực nguy hiểm, đồng thời xem đường thở của cháu nếu có dị vật thì lấy ra, xem có thở tốt hay không”. Đối với trẻ té bị trật tay hoặc trật chân, bác sĩ Phan Văn Năm khuyên: “Đầu tiên chúng ta nên giữ trẻ yên tĩnh và chúng ta cố định cho trẻ bằng cách có những vật dụng sẵn có cố định cho trẻ ở tư thế chức năng để cho các bé đừng có xoay động nhiều, sau đó đưa đến cơ quan y tế để chúng tôi có điều kiện chụp X-quang nắn sửa cho phù hợp. Trường hợp trẻ bị phỏng không lan rộng, không có độ sâu thì chúng ta nên sơ cứu thông thường, giữ khô cho trẻ và đưa đến cơ quan y tế. Tuyệt đối phụ huynh không thoa nước mắm hay kem đánh răng vào vết phỏng bởi rất nguy hiểm, dễ nhiễm trùng máu hay vết bỏng xấu”.
Phòng tránh đuối nước
Theo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh, 6 tháng qua, Vĩnh Long có 351 trẻ em bị TNTT (giảm 50 em so cùng kỳ năm 2014). Trong đó, có 8 em tử vong (7 em chết do đuối nước, 1 em chết cháy).
Nguyên nhân chính gây đuối nước ở trẻ em là do công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và kỹ năng phòng, chống TNTT trẻ em trong đó có đuối nước chưa thường xuyên, liên tục. Do nguồn kinh phí hạn hẹp, thiếu điểm vui chơi giải trí dành cho trẻ em nên vào mùa hè các em thường rủ nhau đi bơi ở sông, rạch mà không lường trước được sự hiểm nguy.
Nhiều trẻ không biết bơi (nhất là trẻ nhỏ), không có kỹ năng ứng phó khi có nguy cơ bị đuối nước; gia đình bận công việc làm ăn, bất cẩn, thiếu giám sát đầy đủ của người lớn.
Theo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, bình quân 1 năm, tỉnh chỉ hỗ trợ các huyện- thị- thành tổ chức khoảng 20- 30 lớp dạy bơi bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng tránh đuối nước trong trẻ em. Đối với một địa bàn có nhiều kinh rạch như Vĩnh Long, đây là con số khá khiêm tốn.
Tai nạn đuối nước đang gia tăng- nhất là vào mùa hè và mùa mưa lũ đang thực sự là một vấn đề gây nhiều bức xúc trong cộng đồng, ảnh hưởng đến tâm lý của mỗi người dân và nghiêm trọng hơn là đến sự sống còn và phát triển của trẻ em. Để hạn chế đến mức thấp nhất những trường hợp trẻ em bị đuối nước, các bậc phụ huynh cần chủ động giám sát quản lý để bảo vệ con em. Bên cạnh đó, địa phương cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục nâng cao kiến thức, nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống đuối nước trẻ em, có như vậy mới xây dựng được môi trường an toàn cho trẻ vào những dịp hè.
Tùy vào từng độ tuổi, giới tính mà sự hiếu động của trẻ không giống nhau, song đây không phải là nguyên nhân chính dẫn đến những TNTT thường gặp ở trẻ trong mùa hè. Nguyên nhân thật sự phải kể đến là sự quản lý, trông coi trẻ nhỏ của các bậc phụ huynh chưa được quan tâm đúng mức. Đáng nói là phần lớn các TNTT xảy ra ở gia đình. Chính vì vậy, để các cháu có một mùa hè vui tươi, an toàn và khỏe mạnh, ngành chuyên môn khuyến cáo những bậc phụ huynh nên có kế hoạch chăm sóc quản lý và kiểm soát của người lớn.
Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin