Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Vĩnh Long, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Vĩnh Long đã hỗ trợ hàng chục ngàn hội viên bằng nhiều hình thức để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo ổn định cuộc sống.
[links()]
Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Vĩnh Long, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Vĩnh Long đã hỗ trợ hàng chục ngàn hội viên bằng nhiều hình thức để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo ổn định cuộc sống.
Nhờ sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hội viên phụ nữ thoát nghèo bền vững. |
Nhờ vay được từ vốn ủy thác của Hội PN vào năm 2009, gia đình chị Nguyễn Ngọc Phượng (ấp Bàu Xép, xã Tân An Luông- Vũng Liêm) cải thiện tốt cuộc sống. Từ đồng vốn vay được chị dùng chăn nuôi, trồng trọt, có đồng ra đồng vào nuôi con đi học và chi tiêu trong nhà. Nhờ vậy, gia đình chị thoát nghèo. Năm 2001, chị Trương Thị Ngọc Hân (ấp Vĩnh Thành, xã Hựu Thành- Trà Ôn) lập gia đình ra riêng với vỏn vẹn công ruộng. Ngày ngày chồng chị làm thuê, chị thì ở nhà lột hạt điều để chăm con nhỏ. Năm 2006, Hội PN xã giới thiệu cho chị vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Chị dùng vốn vay để chăn nuôi bò. Vợ chồng cố gắng mần ăn, tích lũy từ tiền bán bò chị cất được nhà mới và gia đình thoát nghèo trong năm 2013.
Giai đoạn 2010- 2015, từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, các cấp hội PN giúp gần 213.000 lượt hộ vay vốn, với dư nợ đến hiện nay là 546 tỷ đồng, tăng gấp 1,38 lần so với tổng dư nợ năm 2010, chiếm 0,45% tổng doanh số của khối đoàn thể. Hộ vay hoàn trả vốn, lãi đúng kỳ hạn theo thỏa thuận và cam kết được thực hiện tốt. Tỷ lệ nợ quá hạn giảm xuống đáng kể qua từng năm. Năm 2010, tỷ lệ nợ quá hạn là 0,67%; đến năm 2014 tỷ lệ nợ quá hạn chỉ còn 0,53%. Trong đó, các chương trình cho vay chiếm tỷ lệ cao như: cho vay hộ nghèo, học sinh- sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nước sạch vệ sinh môi trường
nông thôn…
Ngoài nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng, các cấp hội PN còn duy trì tốt hoạt động của hàng ngàn tổ PN tiết kiệm, giúp nhau làm kinh tế gia đình, nên đã hạn chế được tình trạng cho vay nặng lãi ở các địa phương, đồng thời cũng nâng cao được hiệu quả sản xuất. Phối hợp với các ngành liên quan chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, dạy nghề giúp các chị sử dụng hiệu quả đồng vốn vay.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh- Nguyễn Thị Minh Hạnh đánh giá, những mô hình giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nữ nông thôn vừa giúp các thành viên của tổ tiết kiệm vay vốn có thêm thu nhập góp phần đáng kể trong việc thực hiện đóng tiết kiệm, trả lãi vay hàng tháng tránh lãi tồn đọng. Đồng thời, những hộ vay vốn nào gặp khó khăn trong quá trình hoàn trả nợ vay hoặc chậm đóng lãi, không có tiền đóng tiết kiệm, nhưng chí thú làm ăn và có quyết tâm trả nợ, cũng được hội vận động tham gia vào các mô hình này nhằm tạo thu nhập cho các thành viên, tạo điều kiện cho các chị hoàn trả nợ.
Từ đó, hoạt động tiết kiệm thông qua tổ tiết kiệm vay vốn được các hộ vay tích cực tham gia. Các tổ viên trong tổ giúp đỡ nhau từng bước có thói quen thực hành tiết kiệm để tạo lập nguồn vốn tự có và quen dần với sản xuất hàng hóa, hoạt động tín dụng và tài chính. Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ viên trong việc vay vốn và trả nợ ngân hàng. Đến nay có 1.100 tổ tiết kiệm vay vốn, có gần 40.000 thành viên tham gia với tổng số tiền tiết kiệm trên 26,7 tỷ đồng.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh- Nguyễn Thị Minh Hạnh phấn khởi, đánh giá hoạt động vay vốn đã giúp hỗ trợ PN giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình của các cấp hội LHPN tỉnh ngày càng có hiệu quả cao, từ đó tạo điều kiện cho PN nghèo, cận nghèo tiếp cận và áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh ngày càng phổ biến thông qua hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật, trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất trong các buổi sinh hoạt tổ vay vốn... Từ các nguồn vốn ủy thác thông qua hội, PN nghèo đã được vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, nhiều chị mạnh dạn đầu tư chuyển đổi hình thức sản xuất, sử dụng vốn có hiệu quả, sản xuất, kinh doanh, nuôi, trồng cây, con có giá trị kinh tế cao, phát triển kinh tế gia đình chăn nuôi gia súc, trồng màu, sản xuất, gia công hàng thủ công mỹ nghệ… từng bước cải thiện, nâng cao mức sống gia đình.
Với những biện pháp tích cực, từ 2010- 2015, có 100% hội viên nghèo có địa chỉ được hội PN giúp đỡ, vai trò, uy tín của tổ chức hội ngày càng được khẳng định, địa vị của PN trong gia đình và xã hội từng bước được nâng lên, góp phần quan trọng cùng với địa phương giải quyết khó khăn về vốn, giải quyết việc làm tại chỗ cho PN, hoàn thành thắng lợi mục tiêu kinh tế- chính trị- xã hội của tỉnh nhà trong từng giai đoạn. Chỉ tính riêng trong năm 2014, có 1.970 hộ thoát nghèo, trong đó có 821 hộ nghèo do PN làm chủ hộ (đạt 24,89%, vượt 14,89% so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra). |
Bài, ảnh: MAI ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin