40 năm sau ngày thống nhất đất nước, mặc dù có thời điểm đứng trước vô vàn khó khăn nhưng lực lượng vũ trang (LLVT) Vĩnh Long luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh nhà.
[links()]
40 năm sau ngày thống nhất đất nước, mặc dù có thời điểm đứng trước vô vàn khó khăn nhưng lực lượng vũ trang (LLVT) Vĩnh Long luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh nhà.
Khó khăn bước đầu
Lực lượng vũ trang Vĩnh Long được xây dựng ngày càng chính quy, tinh nhuệ. |
Theo Đại tá Nguyễn Quốc Dũng- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Vĩnh Long, sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), quán triệt 2 nhiệm vụ chiến lược của Đảng trong thời kỳ mới, năm 1976, 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh được sáp nhập. Đây cũng là giai đoạn LLVT tỉnh gặp nhiều khó khăn như: tập trung truy quét tàn quân, tham gia giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện tinh giảm biên chế, xây dựng LLVT theo chủ trương chung của Bộ Quốc phòng phù hợp với tổ chức quân đội thời bình, cán bộ còn thiếu, trang thiết bị chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ mới. Bên cạnh đó, LLVT tỉnh phải làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền khắc phục hậu quả chiến tranh để lại.
Đại tá Nguyễn Quốc Dũng, nhớ lại: Thời điểm này, tỉnh ta có hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã hy sinh; hàng chục vạn người bị thương tích, bệnh tật; biết bao nhà cửa bị phá hoại, ruộng vườn bị bỏ hoang; đời sống của nhân dân thiếu thốn. Niềm vui thống nhất chưa được bao lâu thì chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra. Năm 1977, LLVT Vĩnh Long lên đường giúp nước bạn chống lại chế độ diệt chủng Pol Pot. Tỉnh được trên giao thực hiện 3 nhiệm vụ gồm: sẵn sàng chiến đấu đập tan âm mưu bạo loạn lật đổ tại chỗ của địch, cơ động lực lượng cùng Quân khu chiến đấu bảo vệ 32km tuyến biên giới thuộc tỉnh Đồng Tháp; lao động sản xuất tự cung, tự cấp một phần lương thực cho bộ đội.
Theo Đại tá Nguyễn Quốc Dũng thì đây là giai đoạn khó khăn nhất của LLVT tỉnh cả về lực lượng và vũ khí, trang bị kỹ thuật. Nhưng LLVT tỉnh cùng các ngành, các cấp đã nỗ lực vượt qua khó khăn về kinh tế, xây dựng tổ chức chính quyền vững mạnh, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nâng cao đời sống của nhân dân, từng bước ổn định và nâng cao đời sống bộ đội.
Hoàn thành nhiệm vụ
Năm 1986, thực hiện đường lối đổi mới đất nước sau Đại hội lần thứ VI của Đảng, LLVT tỉnh cùng với đoàn chuyên gia lên đường làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia. Song song đó, tích cực làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương, gắn chặt trong quá trình cải tạo quan hệ sản xuất với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, từng bước xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng LLVT trên địa bàn tỉnh ngày càng rộng khắp và vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh luôn quan tâm chăm lo đời sống các gia đình chính sách. |
Quán triệt yêu cầu nhiệm vụ đó, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đề ra chủ trương, biện pháp, kế hoạch thực hiện sát với yêu cầu nhiệm vụ và hàng năm đều đạt, vượt chỉ tiêu nghị quyết, kế hoạch đề ra, năm sau cao hơn năm trước. Đến nay, đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh và phối hợp các ngành, các cấp gắn phát triển kinh tế- xã hội với thế trận quốc phòng- an ninh, vừa đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội với thế trận phòng thủ của địa phương. Hệ thống kế hoạch bảo đảm nhu cầu quốc phòng, xây dựng các tiềm lực về chính trị- tinh thần, tiềm lực quân sự trong khu vực phòng thủ ngày càng có hiệu quả. Cơ quan quân sự các cấp được xây dựng cơ bản đảm bảo tốt đời sống của LLVT, sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống tạo được thế trận quốc phòng- an ninh và thế trận lòng dân ngày càng vững chắc.
Đại tá Nguyễn Quốc Dũng cho biết, đến nay về tổ chức biên chế, lực lượng thường trực được kiện toàn biên chế ở các cơ quan, đơn vị đạt 100,75% và phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ; dân quân tự vệ đạt 1,61% so dân số, có 3.307 đảng viên, đạt 19,90%; dự bị động viên sắp xếp biên chế đạt 99,93%, tỷ lệ đảng viên đạt 12,9%. Tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ giao quân hàng năm đạt 100% chỉ tiêu, tỷ lệ đảng viên bình quân đạt 6,17%/năm. Công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng- an ninh thực hiện đúng đề án, kế hoạch; đặc biệt là đối tượng chức sắc, chức việt, sư sãi người Khmer. Phối hợp với các lực lượng giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, ngăn chặn kịp thời các vấn đề phức tạp xảy ra, không để bị động, bất ngờ. Huấn luyện các đối tượng đạt kế hoạch đề ra, quân số huấn luyện đạt bình quân 98%. Diễn tập các hình thức đạt yêu cầu đề ra, đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Đại tá Nguyễn Quốc Dũng đánh giá: Những hoạt động trên đã góp phần phát triển kinh tế- xã hội, củng cố quốc phòng- an ninh của địa phương, tạo được sự tín nhiệm cao của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự tin yêu của quần chúng nhân dân, góp phần tô đậm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ hiện nay.
Ngoài nhiệm vụ huấn luyện, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã thực hiện tốt công tác chính sách, công tác hậu phương quân đội, chi trả được hơn 11.000 trường hợp với trên 42,5 tỷ đồng. Tổ chức triển khai Đề án 1237 về tìm kiếm, quy tập và cất bốc hài cốt liệt sĩ; nhận phụng dưỡng 15 Mẹ Việt Nam anh hùng. Vận động cán bộ, chiến sĩ đóng góp vào các quỹ an sinh xã hội, với trên 1,6 tỷ đồng; thường xuyên thăm viếng tặng quà cho đối tượng chính sách trong các dịp lễ, tết tổng số tiền trên 5,8 tỷ đồng. Đặc biệt là tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh hỗ trợ nguồn kinh phí xây dựng được 60 căn nhà công vụ, với trên 22 tỷ đồng, giải quyết cơ bản khó khăn về nhà ở cho quân nhân. Ngoài ra, còn thường xuyên đưa lực lượng giúp nhân dân phòng chống lụt bão, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn, giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đồng đội, nhà tình thương, phối hợp thực hiện phong trào “LLVT chung sức xây dựng nông thôn mới” với 10 xã. |
Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin