Lao động giỏi- góp tay xây quê hương

02:05, 05/05/2015

Vĩnh Long có lợi thế về vị trí địa lý- điểm giữa khu vực ĐBSCL, nhưng rõ nét nhất là ưu thế nguồn nhân lực chất lượng và dồi dào. Cùng với sự phát triển kinh tế- xã hội ngày càng chuyển dịch mạnh mẽ, nguồn lao động cũng đã có những bước tiến bộ tạo lợi thế nhất định cho Vĩnh Long.

[links(left)]

Vĩnh Long có lợi thế về vị trí địa lý- điểm giữa khu vực ĐBSCL, nhưng rõ nét nhất là ưu thế nguồn nhân lực chất lượng và dồi dào. Cùng với sự phát triển kinh tế- xã hội ngày càng chuyển dịch mạnh mẽ, nguồn lao động cũng đã có những bước tiến bộ tạo lợi thế nhất định cho Vĩnh Long.

Môi trường làm việc khá hiện đại tại Nhà máy Bia Sài Gòn- Vĩnh Long.
Môi trường làm việc khá hiện đại tại Nhà máy Bia Sài Gòn- Vĩnh Long.

Từ những người lao động làm việc “hơi cảm tính”- đi trễ về sớm, thiếu tổ chức trước đây; lao động Vĩnh Long ngày nay đã có tay nghề cao hơn, tổ chức sản xuất khoa học, nhiều người đảm trách điều hành, quản lý quy trình hiện đại và đặc biệt có tác phong công nghiệp.

Những cô gái trong xưởng may

“Những cô gái trong xưởng may, tay liền tay hòa cùng tiếng máy, mắt tươi sáng môi hồng tươi, những mũi kim hướng về tương lai…”- những giai điệu nhịp nhàng, trẻ mở đầu bài hát “Những cô gái trong xưởng may” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn. Được biết, ông viết bài này dành tặng riêng cho “những cô gái” và CB.CNV Công ty CP May Vĩnh Tiến, trong dịp ghé thăm công ty hơn 10 năm trước.

Quá trình đi lên từ một xí nghiệp cũ kỹ, máy móc lạc hậu chỉ với 170 công nhân, “đi làm nhà máy như… đi ruộng” không có giờ giấc, quy định. Ông Nguyễn Minh Tuệ- Giám đốc Công ty CP May Vĩnh Tiến, nhớ lại: “Những năm đầu tiên tiếp quản Xí nghiệp may, tôi thấy nản, công nhân làm việc không theo quy tắc, giờ giấc gì cả. Sáng sớm trời mưa lớn, hết mưa mới từ từ vô làm, hỏi sao đi trễ, trả lời tỉnh queo “tại trời mưa, không đi được”. Nhà có giỗ quải, vô tư nghỉ vài ba bữa… ở nhà ăn đám. Rồi lại năn nỉ xin đi làm lại…” Nản thì có nản, nhưng ông Nguyễn Minh Tuệ cho biết, lúc ấy ông cảm nhận lao động ở Vĩnh Long rất thật thà, trung thực và quan trọng là họ rất cần mẫn, chịu học hỏi, tiếp thu cái mới…

Sau thời gian chấn chỉnh hoạt động và đặc biệt hơn 10 năm cổ phần hóa, với những chiến lược đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất, nâng cao trình độ, chuẩn hóa tay nghề cho người lao động, đến nay Vĩnh Tiến đã phát triển ổn định và thành công tại Vĩnh Long, chăm lo tốt đời sống cho người lao động. Không chỉ chú trọng sản phẩm chất lượng cạnh tranh, Ban giám đốc công ty còn quan tâm nâng cao tri thức. Ngoài lớp phổ cập cấp 2, bổ túc văn hóa lên cấp 3 cho người lao động, còn có các lớp cao đẳng may và bồi dưỡng kiến thức tin học cho cán bộ quản lý- theo ông Nguyễn Xuân Nam- Giám đốc điều hành công ty- nhằm giúp người lao động tiếp cận khoa học kỹ thuật, tăng năng suất, chất lượng và để người lao động tăng thu nhập, gắn bó hơn với công ty.

Hiện công ty có hơn 2.000 CB.CNVC với tay nghề đào tạo bài bản, góp phần đưa doanh số, lợi nhuận và quy mô tăng đều hàng năm. Quan trọng nhất là, đã tạo được đội ngũ lao động có tác phong công nghiệp cao, chuyên nghiệp, “không còn đi trễ vì trời mưa”. Họ biết cách thức tổ chức công việc khoa học, tiếp cận phương pháp làm việc hiện đại, công nghệ mới. “Công nhân chúng tôi giờ đã rất giỏi giang trong tổ chức sản xuất”- ông Nguyễn Minh Tuệ “báo cáo thành tích”- “góp phần đưa 100% sản phẩm sản xuất tại đây xuất khẩu Châu Âu và gia công cho các thương hiệu thời trang quốc tế. Đặc biệt, các đối tác nước ngoài rất ngạc nhiên về sự khéo léo của người lao động Vĩnh Long”.

Nhịp sống công nghiệp sôi động

Nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng nhiều.
Nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng nhiều.

Lao động không có tác phong công nghiệp, yếu tay nghề, nguồn nhân lực quản lý càng hiếm hoi… những than phiền đó chúng tôi thường xuyên nghe được khi tỉnh Vĩnh Long thu hút, mời gọi đầu tư và doanh nghiệp trong và ngoài nước bắt đầu đặt chân đến Vĩnh Long. Nhưng đến hôm nay, những than phiền như vậy ngày càng ít đi, Vĩnh Long đã không chỉ có nguồn lao động dồi dào mà lợi thế thật sự còn thể hiện ở nguồn lao động chất lượng.

Trước nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từ Đại hội lần thứ IX, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long đặt mục tiêu phát triển nâng cao nguồn nhân lực là 1 trong 2 khâu đột phá. Qua đó, đáp ứng nhu cầu phát triển giai đoạn 2010- 2015 và định hướng đến năm 2020.

 

Với hệ thống trường đại học (3 trường), trường cao đẳng (4 trường) và trường trung cấp nghề (2 trường) hiện tại, đã góp phần thực hiện mục tiêu đào tạo nguồn lao động chất lượng cao và có tay nghề cung ứng cho nhà đầu tư và các khu công nghiệp. Chẳng hạn, thông qua Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp (Sở Kế hoạch và Đầu tư), thời gian qua đã tổ chức 4 lớp CEO (giám đốc điều hành), 4 lớp SMD (giám đốc kinh doanh) và 3 lớp CFO (giám đốc tài chính) với 352 lượt học viên. Các chương trình đào tạo được đánh giá là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân và quản lý doanh nghiệp.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư tại Vĩnh Long cũng chung tay với tỉnh đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo Ban Giám đốc Công ty CP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Vĩnh Long, lao động là một trong những mục tiêu kế hoạch chiến lược phát triển của công ty giai đoạn 2016-2020. Trong đó, lao động phải qua đào tạo và được cấp chứng nhận hành nghề 100%, thu nhập của người lao động năm sau phải cao hơn năm trước, thực hiện và xây dựng các chế độ, chính sách cho người lao động và gia đình người lao động tạo sự gắn bó bền vững giữa người lao động và công ty. Với tầm vóc của một công ty đang đứng đầu về doanh thu xuất khẩu của ngành hàng thủ công mỹ nghệ tại Việt Nam, Đông Nam Á và Trung Quốc, với mục tiêu xuất khẩu đạt mức 40 triệu USD/năm, thì việc tái cấu trúc cơ cấu tổ chức và nhân sự quản lý điều hành công ty là vấn đề quan tâm hàng đầu.

Trở thành một địa chỉ “làm mẫu” để nhiều tỉnh tới tham quan học tập, Khu công nghiệp Hòa Phú giai đoạn 1 hiện nay còn là hình ảnh đầy thuyết phục của chủ trương công nghiệp hóa của tỉnh Vĩnh Long, với nhịp sống công nghiệp mới đầy sôi động. Theo Ban quản lý Các khu công nghiệp, hiện lao động tại các khu- tuyến công nghiệp khoảng 19.753 người, tăng 3.415 người so với cùng kỳ năm 2014. Không chỉ đóng góp vào tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh hàng năm, còn cho thấy khả năng đáp ứng về số lượng và chất lượng nguồn lao động của địa phương. Xây dựng đội ngũ lao động có tác phong công nghiệp và hơn thế nữa, khu vực này đã hình thành lớp lao động- tạm gọi thế hệ mới, trẻ trung và năng động.

Giám đốc điều hành doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài ở khu công nghiệp Hòa Phú, từng đánh giá rất cao khả năng hòa nhập, thích nghi của lao động Vĩnh Long với áp lực công việc cao. Họ đã đảm nhận các vị trí quan trọng tại chi nhánh ở Vĩnh Long như: điều hành sản xuất, quản lý nhân sự… Trở thành lãnh đạo quản lý cho các công ty đa quốc gia ngay tại trên quê hương mình, đó không còn là ước mơ xa vời đối với nhiều người lao động có khát khao thăng tiến và hội nhập nghề nghiệp cùng lao động quốc tế.

Ông Lê Văn Sanh- Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Hòa Phú

Tôi cho rằng, 2 chỉ tiêu đào tạo và phát triển khu công nghiệp phải gắn kết với nhau. Trong thời cạnh tranh thu hút đầu tư, phải tận dụng nguồn nhân lực sẵn có và cần có định hướng đào tạo, tập hợp lao động nông thôn nâng tay nghề cao lên, có nguồn lao động ổn định thì các khu công nghiệp mới phát triển bền vững.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh