40 năm vẹn nghĩa trọn tình

03:05, 06/05/2015

40 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, tỉnh Vĩnh Long luôn chú trọng đến công tác chăm lo thực hiện tốt các chính sách đền ơn đáp nghĩa. Đó không chỉ là tình cảm mà còn thể hiện trách nhiệm của thế hệ sau đối với cha anh đi trước, phát huy truyền thống tốt đẹp "uống nước nhớ nguồn".

[links()]

40 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, tỉnh Vĩnh Long luôn chú trọng đến công tác chăm lo thực hiện tốt các chính sách đền ơn đáp nghĩa. Đó không chỉ là tình cảm mà còn thể hiện trách nhiệm của thế hệ sau đối với cha anh đi trước, phát huy truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn”.

Dịp Tết Nguyên đán, ngày Thương binh- Liệt sĩ (27/7), tỉnh đều tổ chức các đoàn thăm, tặng quà đối tượng NCC.
Dịp Tết Nguyên đán, ngày Thương binh- Liệt sĩ (27/7), tỉnh đều tổ chức các đoàn thăm, tặng quà đối tượng NCC.

Đền ơn đáp nghĩa

Tỉnh Vĩnh Long có gần 48.000 người có công (NCC) với cách mạng là Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, liệt sĩ, gia đình nuôi chứa cán bộ cách mạng. Trong đó, gần 25.000 NCC còn sống. Tất cả các gia đình NCC với cách mạng được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách ưu đãi. Đây là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước ta đối với những NCC với đất nước trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cũng như trong bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Pol Pot.

Thể hiện lòng tri ân đối với những người đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc, thời gian qua, ngoài quan tâm chăm lo bằng những việc làm thiết thực như tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí; thăm viếng, tặng quà vào những dịp lễ tết, các cấp chính quyền, các ngành chức năng trong tỉnh luôn quan tâm xây cất nhà tình nghĩa và giải quyết kịp thời các chế độ chính sách đối với các đối tượng, gia đình NCC.

Căn nhà tình nghĩa của anh Trần Văn Năm (xã Nhơn Bình- Trà Ôn) được xây cất là do địa phương vận động từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Long. Căn nhà là sự tri ân thiết thực dành cho gia đình liệt sĩ Trần Văn Lục. Có nhà mới, với anh như một sự khởi sắc mới trong cuộc sống. Anh Năm tâm sự: “Ba tui hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Nhà cất lâu rồi nên xuống cấp nặng, mà vợ chồng tui mần mướn nên không có tiền cất lại. Nay nhờ Nhà nước mới có nhà mới. Cả nhà tôi mừng lắm”.

Chăm sóc Nghĩa trang Liệt sĩ thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với thế hệ đi trước đã anh dũng hy sinh.
Chăm sóc Nghĩa trang Liệt sĩ thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với thế hệ đi trước đã anh dũng hy sinh.

Chủ trương xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa được các cấp ủy Đảng, chính quyền chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, nhận được sự đồng thuận mạnh mẽ của nhân dân. Với nghĩa tình và trách nhiệm, không chỉ các cấp chính quyền trong tỉnh thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời mà toàn xã hội đang nỗ lực giúp các gia đình NCC vươn lên có cuộc sống tốt hơn. Đó cũng là động lực để các gia đình tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, gương mẫu đi đầu trong các phong trào ở địa phương, có những đóng góp xứng đáng vào công cuộc phát triển kinh tế- xã hội và đổi mới đất nước.

40 năm vẹn nghĩa trọn tình

Đến nay, Vĩnh Long có 2.542 Mẹ Việt Nam anh hùng được công nhận, trong đó có 288 mẹ còn sống và đều được các đơn vị phụng dưỡng thường xuyên thăm hỏi, hỗ trợ đời sống vật chất và tinh thần.

Đây là sự chung tay góp sức của cộng đồng xã hội cùng với Đảng, Nhà nước, phần nào động viên an ủi giúp các mẹ ổn định cuộc sống sau những mất mát hy sinh.

Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Kim Ngọc (Phường 1- TP Vĩnh Long) có chồng và con hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 90 năm tuổi đời với 68 năm tuổi Đảng, mẹ không quên những năm tháng đấu tranh gian khổ mà hào hùng. “Tôi đã từng tham gia nhiều việc của cách mạng: vô Hội Phụ nữ, nuôi chứa bộ đội, giao liên…” Được nhận danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, mẹ Ngọc không kìm được xúc động: “Tôi rất quý những tình cảm, sự trân trọng công lao mà Đảng và Nhà nước đã dành cho chúng tôi. Tôi có nhiều huy chương, huân chương nhưng với tôi danh hiệu “Mẹ Việt Nam anh hùng” là cao quý nhất, vinh dự nhất”.

Hiện nay, việc chăm sóc giúp đỡ NCC với cách mạng được đánh giá thực hiện khá toàn diện về bề rộng lẫn chiều sâu. Tính toàn diện thể hiện, ngoài trợ cấp ưu đãi còn có chế độ chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi trong giáo dục- đào tạo và dạy nghề, tạo việc làm… Song, quan trọng nhất vẫn là ý thức và ý chí tự lực tự cường của mỗi gia đình NCC. Trong chiến tranh, họ đã hy sinh một phần máu xương góp phần làm nên đại thắng của dân tộc. Trong thời bình, họ không chỉ chăm lo, phát triển kinh tế gia đình mà còn sẻ chia kinh nghiệm làm ăn đến cộng đồng. Đây được xem như sự góp sức quan trọng để công tác đền ơn đáp nghĩa được hiệu quả và bền vững.

Thương binh Huỳnh Văn Ri (ấp Lông Công, xã Phú Lộc- Tam Bình) được bà con phong là “tỷ phú lươn giống” bởi hàng năm chú thu nhập hơn tỷ đồng nhờ lươn giống. Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phú Lộc Trần Văn Tám cho biết: “Anh Hai (tên thường gọi của chú Ri) không chỉ siêng lao động mà còn nhiệt tình tham gia công tác hội. Ảnh còn làm Bí thư Chi bộ ấp Lông Công. Hội viên nghèo mua thì ảnh bán lươn giống chịu, chừng có tiền mới trả. Ngoài ra, ảnh còn hướng dẫn tận tình cách làm ăn. Nhờ vậy, nhiều hội viên trong xã và các xã lân cận có cuộc sống ổn định từ nghề nuôi lươn”.

Chăm lo các gia đình thương binh, liệt sĩ, các gia đình có công với cách mạng, để họ có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống bình quân của cộng đồng là một trong những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta. Đến nay, tỉnh có trên 94% hộ gia đình NCC với cách mạng có mức sống trung bình hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh: Hướng tới, tỉnh vẫn tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, thanh tra giám sát, phối hợp với các đoàn thể chính trị để đảm bảo các chính sách ưu đãi NCC được thực hiện tốt nhất bởi làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, nhân văn của Đảng, Nhà nước đối với những NCC. Đặc biệt, hết lòng chăm sóc phụng dưỡng cho Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống; thực hiện cơ bản giải quyết nhà ở, sửa chữa và xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách gặp khó khăn về nhà ở. Các chính sách liên quan đến BHYT, giáo dục, việc làm,… tạo cho NCC có điều kiện lao động sản xuất, tạo thu nhập đạt mức trung bình khá trở lên.

Chăm lo về nhà ở là một trong những chủ trương lớn mà hàng năm tỉnh Vĩnh Long không ngừng ra sức huy động cộng đồng xã hội đóng góp để xây cất nhà tình nghĩa cho các gia đình NCC còn khó khăn về nhà ở. Năm 1992, công tác này được phát động thành phong trào rộng rãi trong quần chúng nhân dân. Năm 1997, quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được thành lập. Tính đến cuối năm 2014, đã huy động trên 52 tỷ đồng, xây cất và sửa chữa gần 10.500 căn nhà tình nghĩa. Thời gian qua, từ nguồn vốn Trung ương, địa phương, với nguồn từ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và xã hội hóa, tỉnh xây mới trên 7.900 căn nhà tình nghĩa với tổng trị giá trên 125 tỷ đồng. Đồng thời, dành trên 29 tỷ đồng hỗ trợ sửa chữa trên 2.500 căn nhà tình nghĩa bị xuống cấp.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh