Sau gần 3 tháng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT chính thức có hiệu lực, đang có một số khó khăn vướng mắc đặt ra.
Sau gần 3 tháng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT chính thức có hiệu lực, đang có một số khó khăn vướng mắc đặt ra. Và, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mà ở đó vai trò công tác phối hợp tuyên truyền là rất quan trọng để người dân nắm chắc, hiểu rõ về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mình, để “ít bỡ ngỡ hơn” với những điểm mới của luật, để chính sách đi vào cuộc sống.
Người dân khám chữa bệnh BHYT tại hệ thống y tế cơ sở: Trạm Y tế xã Mỹ Thuận (Bình Tân). |
Nhiều điểm mới trong Luật BHYT mới (sửa đổi, bổ sung)
Có 5 nhóm điểm mới của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung áp dụng từ đầu năm 2015: bắt buộc tham gia BHYT theo 5 nhóm đối tượng (25 đối tượng); khuyến khích tham gia BHYT theo hộ gia đình; mở rộng quyền lợi, nâng mức hưởng đối với người tham gia BHYT; quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng quỹ BHYT; bổ sung trách nhiệm của các bên liên quan.
Theo BHXH tỉnh Vĩnh Long, sau hơn 2 tháng Luật BHYT sửa đổi, bổ sung chính thức có hiệu lực, công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT giảm lại. Cụ thể độ bao phủ BHYT toàn dân giảm 1,5% dân số (hơn 16.000 người) so với thời điểm cuối năm 2014 bao phủ BHYT là 68,1%. Tính đến cuối tháng 2/2015, số người đáo hạn BHYT theo hộ gia đình giảm 40% so cùng kỳ năm trước.
Trả lời Báo Vĩnh Long về việc có thể đạt 71% độ bao phủ BHYT toàn dân vào cuối năm nay theo chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy và kế hoạch của UBND tỉnh giao trong bối cảnh đang có nhiều khó khăn thì BHXH tỉnh Vĩnh Long cho rằng khả năng đạt được là khả thi, để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình, tiến tới BHYT toàn dân vào năm 2020 theo lộ trình.
Trao đổi với BHXH TX Bình Minh, BHXH huyện Mang Thít và một số đơn vị tương đương, được biết tỷ lệ tham gia BHYT và bao phủ BHYT tại địa bàn các huyện “từ tháng 3 này có nhích lên so 2 tháng qua khi Luật BHYT mới đưa vào áp dụng”.
Trong thời gian ngắn và còn mới mẻ, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung chưa thật sự đi vào chiều sâu để người dân nắm và hiểu hết mục tiêu, ý nghĩa chia sẻ cộng đồng. Theo BHXH tỉnh Vĩnh Long, đang có 2 khó khăn lớn nhất trong triển khai áp dụng luật này thời gian qua. Theo đó, quy định 100% thành viên hộ gia đình tham gia BHYT và thủ tục xác minh các thành viên trong gia đình đó đã tham gia BHYT hay chưa thì mới mua BHYT đã gây vướng mắc, làm cho người dân đến kỳ đáo hạn thẻ BHYT cũng không được tham gia (dù họ đã tham gia BHYT nhiều năm liền và có nhu cầu khám chữa bệnh thường xuyên); quy định người tham gia BHYT đi khám bệnh trái tuyến ngoại trú (từ tuyến tỉnh đến trung ương) không được hưởng quyền lợi như luật mới quy định, nên họ cũng không tiếp tục tham gia BHYT. Ngoài ra, trong các khó khăn đó còn có... các vướng mắc khác như: hồ sơ thủ tục phát sinh nhiều khi tham gia BHYT hộ gia đình (hộ khẩu, thẻ BHYT các thành viên trong gia đình, giấy tạm trú, tạm vắng); hay như việc theo dõi đối tượng mua BHYT có giá trị 3 tháng, trong khi quy định về thời gian cấp thẻ BHYT cho một số đối tượng theo năm tài chính và trong khi cán bộ các cơ quan BHXH tuyến huyện ít, nên mất nhiều thời gian vào việc kiểm tra đối chiếu chi tiết hồ sơ, ảnh hưởng đến thời gian thẻ BHYT đến tay đối tượng...
Xóa bỡ ngỡ, để luật đi sâu vào cuộc sống
Sau khi được triển khai Luật BHYT thì BHXH tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng kế hoạch triển khai ngay cho toàn thể giám định viên BHYT và các bệnh viện, các trung tâm y tế và phòng y tế tuyến huyện. Đơn vị này cũng lập tổ tư vấn thực hiện Luật BHYT tại văn phòng BHXH tỉnh và có số điện thoại đường dây nóng trực, phân công cán bộ giám định viên BHYT thường trực tại các cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên để phối hợp cùng cơ sở khám chữa bệnh giải thích, tư vấn, giải quyết kịp thời các vướng mắc liên quan Luật BHYT mới. Các công việc đó được BHXH tỉnh triển khai trong tháng đầu tiên khi luật có hiệu lực và được cho là đem lại hiệu quả đáng kể khi các điểm mới của luật đến với người dân “ít bỡ ngỡ hơn”.
Ông Nguyễn Bá Thanh- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Vĩnh Long cho biết theo yêu cầu của BHXH Việt Nam, công tác tuyên truyền trong năm nay sẽ tập trung “nhấn” vào bề rộng của việc thông tin chủ trương, chính sách BHYT đến với các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị- xã hội, các cơ quan báo chí truyền thông trên địa bàn để từ đó góp phần chuyển tải kịp thời chính sách đến các tầng lớp nhân dân. Theo ông Lưu Văn Tuấn- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Vĩnh Long, trong nhóm các giải pháp sắp tới để Luật BHYT sửa đổi, bổ sung đi sâu vào cuộc sống, đã lưu ý tới hình thức tuyên truyền bằng đối thoại trực tiếp với nhân dân, học sinh, sinh viên trong đó nhấn mạnh tới những điểm mới của Luật BHYT. “Qua đó để đối tượng hiểu rõ hơn và không còn băn khoăn, lo lắng những điểm mới này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của họ trong việc khám chữa bệnh BHYT”- ông Lưu Văn Tuấn nói.
Để thực hiện hiệu quả Luật BHYT sửa đổi, bổ sung, để BHYT là một trong các chính sách an sinh xã hội hiệu quả, cần có sự vào cuộc quyết liệt với tính trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị. BHXH tỉnh Vĩnh Long đề xuất tỉnh chỉ đạo xây dựng bộ máy, nguồn lực để quản lý nhà nước về BHYT tại địa phương, quản lý và sử dụng quỹ 20% kết dư, chỉ đạo BHXH và Sở Y tế làm tốt công tác phối hợp trong việc khám chữa bệnh các tuyến. Với khó khăn ở BHYT hộ gia đình, trách nhiệm của UBND các xã là lập danh sách tham gia BHYT theo hộ gia đình cho các đối tượng trên địa bàn, lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ em đồng thời với cấp giấy khai sinh. Sở Y tế không ngoài cuộc: ngành y tế cần đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị y tế, nhân lực để đáp ứng kịp thời nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Từ đó làm thay đổi nhận thức người dân khi đến với y tế cơ sở, giúp giảm trái tuyến, vượt tuyến trong khám chữa bệnh.
Các điểm đổi mới, bổ sung về mức đóng, trách nhiệm đóng và phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT
- Người thuộc nhiều đối tượng trong 5 nhóm đối tượng: đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên được xác định theo thứ tự; đóng BHYT theo hợp đồng có mức tiền cao nhất nếu người lao động có nhiều hợp đồng.
- Giảm mức đóng khi tất cả thành viên trong hộ gia đình tham gia BHYT: người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ 2, 3, 4 đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất và từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% của người thứ nhất.
- Về bổ sung quyền lợi: điều trị lác (lé), cận thị và tật khúc xạ trẻ em dưới 6 tuổi; khám chữa bệnh trong trường hợp tự tử, tự gây thương tích; khám chữa bệnh do tổn thương về thể chất, tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật do người đó gây ra; khám chữa bệnh đối với nghề nghiệp, tai nạn lao động... đều được hưởng BHYT. |
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin