40 năm, Vĩnh Long chăm lo an sinh xã hội

04:04, 21/04/2015

Nhờ chú trọng và đảm bảo công tác an sinh xã hội, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã cùng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, tạo niềm tin trong quần chúng nhân dân. 

[links(left)]

Nhờ chú trọng và đảm bảo công tác an sinh xã hội, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã cùng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, tạo niềm tin trong quần chúng nhân dân. Qua đó, tỉnh thực hiện tốt các phong trào xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, chương trình trợ giúp bệnh nhân nghèo,… mang lại kết quả thiết thực, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Phong trào khuyến học huy động được sự đóng góp mạnh mẽ của các ngành các cấp, nhiều tổ chức cá nhân..., qua đó hỗ trợ hiệu quả học sinh- sinh viên nghèo vượt khó học giỏi.
Phong trào khuyến học huy động được sự đóng góp mạnh mẽ của các ngành các cấp, nhiều tổ chức cá nhân..., qua đó hỗ trợ hiệu quả học sinh- sinh viên nghèo vượt khó học giỏi.

Khắc phục hậu quả chiến tranh

Hàng chục năm chiến tranh tàn phá nặng nề nên trong 10 năm đầu sau giải phóng (giai đoạn 1975- 1985), kinh tế tỉnh nhà chưa phát triển. Các ngành công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp- dịch vụ chỉ có khả năng tạo việc làm cho một bộ phận nhỏ lao động. Kinh tế gia đình thiếu phương hướng, thậm chí bế tắc. Số người chưa có việc làm tăng khoảng 6- 7% mỗi năm. Đời sống người dân còn rất khó khăn. Toàn tỉnh có khoảng 50.000 người không có việc làm ổn định; 28% người thất nghiệp, trong đó 10% thiếu việc làm thường xuyên.

Đảng bộ tỉnh Cửu Long kịp thời có chủ trương học tập chính sách đại đoàn kết dân tộc, khép lại quá khứ, cùng nhân dân chung tay xây dựng quê hương. Các hoạt động tổ chức cứu tế, tổ chức đi khai hoang phục hóa, xây dựng khu kinh tế mới; giải quyết cho trên 40.000 người có việc làm, ổn định cuộc sống. Đồng thời, động viên góp sức người, sức của cho chiến trường, bảo vệ biên giới Tây Nam, phá rã các tổ chức phản động bạo loạn của địch ở nội địa.

Song song với việc khắc phục hậu quả chiến tranh, tỉnh sớm thực hiện chính sách bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bệnh nhân; chăm lo chuyện học hành; chung sức giúp các gia đình xoa dịu nỗi đau do chiến tranh gây ra.

Chung tay giải quyết việc làm, giảm nghèo

Từ năm 1992, thực hiện Nghị quyết 120 của Hội đồng Bộ trưởng về chủ trương, phương hướng giải quyết việc làm, công tác này từng bước đạt hiệu quả đáng kể. Nhờ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là trong nội bộ ngành nông nghiệp dần dần đã giải quyết tốt việc làm và thời gian nông nhàn, từng bước nâng cao đời sống người dân. 10 năm sau đổi mới (giai đoạn 1996- 2000), tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp như cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm, xây dựng các dự án phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông sản, giới thiệu đưa lao động (LĐ) đi làm việc ngoài tỉnh, bước đầu thực hiện xuất khẩu LĐ, ngoài ra một bộ phận LĐ di dân tự do.

Bà Nguyễn Thị Duy Lan- nguyên Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long cho biết, giai đoạn năm 1992, tỉnh Cửu Long chia ra làm 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh nên về mặt khách quan cũng có khó khăn. Song về mặt chỉ đạo của Tỉnh ủy rất quan tâm đến vấn đề giải quyết việc làm cho người LĐ để nâng cuộc sống lên, góp phần xóa đói giảm nghèo hiệu quả. Bình quân mỗi năm tỉnh dạy nghề cho hơn 22.000 người, qua đó đã góp phần giải quyết việc làm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở vùng nông thôn. Các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về chăm lo cho người có công, các đối tượng xã hội, cho vay vốn giải quyết việc làm, chế độ tiền lương mới đã được quan tâm triển khai thực hiện kịp thời góp phần giảm bớt khó khăn, động viên, ổn định đời sống cho các đối tượng chính sách và người LĐ.

Giai đoạn này, hàng năm tỉnh giải quyết việc làm 20.000- 23.000 LĐ, trong đó xuất khẩu LĐ 259 người. Sang giai đoạn 2001- 2010, tỉnh giải quyết việc làm cho trên 270.000 LĐ, xuất khẩu trên 6.100 LĐ; đào tạo nghề cho gần 150.000 lượt LĐ, trong đó dạy nghề cho LĐ nông thôn quan tâm đẩy mạnh với 58.400 LĐ, góp phần nâng tỷ lệ LĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật đạt 35%. Sang giai đoạn 2011- 2015, qua các chương trình đào tạo, giải quyết việc làm hiệu quả, tỉnh tạo việc làm mới cho trên 132.000 LĐ.

Việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm giúp cho LĐ nông thôn có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm giúp cho LĐ nông thôn có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Mức sống người dân được cải thiện từng năm nhờ công tác xóa đói giảm nghèo được tích cực thực hiện với sự chỉ đạo phối hợp chặt chẽ giữa các cấp các ngành. Các hoạt động hỗ trợ giảm nghèo ngày càng phong phú, đáp ứng sát nhu cầu nguyện vọng của người nghèo. BCĐ giảm nghèo được thành lập từ tỉnh đến cơ sở phối hợp với các ngành, đoàn thể, xây dựng nhiều giải pháp triển khai thực hiện tốt các chính sách, dự án hỗ trợ người nghèo, hộ gia đình nghèo, địa phương khó khăn.

Từ khi tái lập tỉnh năm 1992 đến nay, Vĩnh Long đã qua 5 lần thay đổi chuẩn hộ nghèo. Nếu như năm 1994, tỉnh có 14% hộ thiếu đói, 13,8% hộ nghèo, thì đến cuối năm 2000 tỉnh không còn hộ thiếu đói, cuối năm 2014 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,54% theo tiêu chí mới nhất hiện nay.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- Nguyễn Văn Thanh đánh giá: Thời gian qua, tỉnh luôn xem phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm bên cạnh đó là phát triển các chương trình xã hội đặc biệt là công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước liên tục cải thiện và phát triển tạo điều kiện cho người LĐ và người nghèo tiếp cận các dịch vụ đa chiều. Các chính sách từ nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ cho người LĐ và người nghèo; chính sách liên quan tới nhà ở, việc làm, y tế, giáo dục, khuyến nông, khuyến ngư và các dịch vụ khác để người dân chủ động, có điều kiện tự vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng như giao thông, nước sạch, trường học, trạm y tế cơ sở giúp cho người dân hưởng được dịch vụ công đa chiều; huy động các nguồn lực xã hội cùng chung tay chăm lo cho người nghèo và bản thân người nghèo tự lực vươn lên, chăm lo làm ăn, ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững.

Xã hội hóa công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao

Chăm sóc sức khỏe người nghèo cũng là một trong những mục tiêu mà các ngành các cấp quan tâm thực hiện những năm qua và đạt hiệu quả tốt nhờ sự chung tay góp sức của cộng đồng xã hội. 40 năm qua, hàng chục ngàn người mù nghèo được phẫu thuật sáng mắt, góp phần cùng ngành y tế thực hiện thành công mục tiêu xóa mù trong toàn tỉnh. Hơn 1 triệu bệnh nhân nghèo bị bệnh tim bẩm sinh được phẫu thuật sống khỏe mạnh. Những năm qua, bình quân mỗi năm có gần 20 ngàn lượt người nghèo được khám bệnh cấp thuốc miễn phí…

Việc chăm lo nhà ở cho hộ nghèo được xem là một trong những thành công đáng kể của tỉnh Vĩnh Long 40 năm qua, góp phần tạo bộ mặt phát triển từ thành thị đến nông thôn. Hàng chục ngàn gia đình chính sách, người nghèo gặp khó khăn về nhà ở đã có ngần ấy mái ấm nghĩa tình. Và, từ sự khởi đầu tươi đẹp này, sẽ tiếp thêm động lực giúp họ “an cư” để nhanh chóng “lạc nghiệp”, hướng đến tương lai.

Chặng đường 40 năm, nhiều giai đoạn với những khó khăn khác nhau, song công tác an sinh xã hội luôn được tỉnh Vĩnh Long chú trọng. Được thành quả như hôm nay cũng nhờ chủ trương đúng đắn và huy động sức mạnh đoàn kết của các tầng lớp nhân dân cùng chung tay góp sức đã tạo nên thành công cho chủ trương đầy ý nghĩa này.

Từ năm 2001, phong trào gây quỹ “Ngày vì người nghèo” được tỉnh dồn sức cho mục tiêu cất nhà ở cho người nghèo. Chính sách xây dựng nhà ở cho người nghèo bắt đầu được Vĩnh Long đẩy mạnh xã hội hóa. Đến năm 2009, khi cả nước nhìn lại 10 năm thực hiện cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, tỉnh Vĩnh Long cất được hơn 18 ngàn căn và sửa chữa hơn 2600 căn nhà cho hộ gia đình nghèo với nguồn quỹ huy động hơn 110 tỷ đồng. Vĩnh Long khi ấy trở thành một trong những địa phương đi đầu về phong trào xây dựng nhà ở cho người nghèo. Từ năm 2009- 2012, Vĩnh Long đã hoàn thành gần 6.400 căn nhà 167 với tổng số vốn hỗ trợ của Chính phủ gần 115,6 tỷ đồng. Ngoài ra, từ năm 2010- đến năm 2014, Vĩnh Long cất được 7.156 căn nhà đại đoàn kết với nguồn quỹ gần 140 tỷ đồng do tỉnh vận động.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh