10 năm: Cùng xoa dịu nỗi đau chiến tranh

04:04, 21/04/2015

Đất nước 40 năm thống nhất. Chiến tranh đã lùi xa. Vĩnh Long đang ngày càng đổi mới, cuộc sống người dân ngày càng được nâng lên. Song, có nỗi đau vẫn không vơi đi được, đó là "nỗi đau da cam" với hàng ngàn người bị nhiễm chất độc hóa học/dioxin do đế quốc Mỹ sử dụng trong chiến tranh.

[links(left)]

Đất nước 40 năm thống nhất. Chiến tranh đã lùi xa. Vĩnh Long đang ngày càng đổi mới, cuộc sống người dân ngày càng được nâng lên. Song, có nỗi đau vẫn không vơi đi được, đó là “nỗi đau da cam” với hàng ngàn người bị nhiễm chất độc hóa học/dioxin do đế quốc Mỹ sử dụng trong chiến tranh.

Cùng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hơn 10 năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (gọi tắt là CĐDC) tỉnh đã làm cầu nối vận động các ngành, đoàn thể và nhiều nhà hảo tâm quan tâm sẻ chia để xoa dịu phần nào nỗi đau của gia đình các nạn nhân nhiễm CĐDC.

Nỗi đau da cam

Theo số liệu từ Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh, trong chiến tranh, Vĩnh Long đã hứng chịu khoảng 120 ngàn lít chất độc hóa học có chứa chất dioxin do Mỹ đã sử dụng tại Việt Nam, làm 6.600 người bị phơi nhiễm, trong đó, có khoảng 3.000 trẻ em bị ảnh hưởng. Những tấm thân què quặt; những nụ cười ngây dại; những đôi mắt lạc thần... vẫn đeo bám những số phận, những mảnh đời các nạn nhân bị nhiễm CĐDC một cách dai dẳng và tàn nhẫn...

Các tổ chức, cá nhân cũng chung tay giúp sức cho người bị nhiễm chất độc hóa học có cuộc sống ổn định hơn.
Các tổ chức, cá nhân cũng chung tay giúp sức cho người bị nhiễm chất độc hóa học có cuộc sống ổn định hơn.

Đa số các hộ gia đình nạn nhân CĐDC đều có đời sống rất khó khăn. Những năm qua, chính quyền đã tìm mọi cách để hỗ trợ cho những gia đình này nhằm nâng cao đời sống và xoa dịu nỗi đau tinh thần mà họ phải gánh chịu.

Thảm họa màu da cam đã làm quặn thắt biết bao trái tim người mẹ, người cha khi sinh ra những đứa con không tròn đầy- nạn nhân của chiến tranh. Họ cố vượt qua nỗi đau, mong cho con tìm được tiếng cười; vẫn còn bao bà mẹ tuy đã già, tuy mang bệnh hiểm nghèo gần về với “cát bụi” nhưng vẫn phải vất vả ẵm bồng, chăm lo cho những đứa con dẫu tuổi đã trung niên nhưng ngẩn ngơ, đôi mắt lạc thần, tiếng cười ngô nghê; vẫn còn có người mẹ ngày ngày “cõng” con đến trường tìm chữ…

Hình ảnh mẹ con chị Ngô Thị Ngân (xã Lục Sĩ Thành- Trà Ôn) bán vé số đã quen thuộc với những người buôn bán ở chợ Vĩnh Long vào mỗi buổi chiều. Bé Tuyết Linh (8 tuổi) chân co quắp, đôi mắt ngây dại, nằm ngoan trên xe. Ban ngày, chị đưa bé đến phòng tập vật lý trị liệu của bác sĩ Nguyễn Ngọc Điểu ở Phường 4 (TP Vĩnh Long) để tập cho con, hy vọng tay chân con giảm “gồng cơ”, co quắp. Buổi chiều chị đẩy con đi bán vé số, tiền lời để trang trải chi phí tiền nhà trọ, tiền sữa, tã, ăn uống bồi dưỡng cho con. Tuy đứa con không tròn vẹn nhưng đó cũng là động lực để chị vượt qua khó khăn trong hiện tại và ngược lại, tình thương ấm áp của đấng sinh thành giúp bé Linh dịu bớt cơn đau mang tên màu da cam.

Thương con ngây dại, bà Lê Thị Đổi (67 tuổi- ngụ ấp Tân Phú, xã Tân Hòa- TP Vĩnh Long) luôn dành phần thức ăn kiếm được cho con. Những lúc không tiền, bà đến chùa làm công quả, xin cơm, canh mang về cho con. Con gái của bà ngoài 35 tuổi bị bại não do bị nhiễm CĐDC, mọi sinh hoạt cá nhân của chị đều do mẹ già làm giúp. Hàng tháng, mẹ con bà Đổi sống nhờ tiền trợ cấp hàng tháng của con; gạo tình thương do Hội Chữ thập đỏ xã vận động. Dù vậy, bà Đổi vẫn cố gắng kiếm những đồng tiền làm mướn ít ỏi để lo cho con có bữa cơm canh để bù lại nỗi đau, căn bệnh đã đeo đẳng suốt cuộc đời con.

Ai nhìn vào những “hoàn cảnh da cam” ấy đều dấy lên một niềm cảm thông nhưng chắc chắn không thể nào hiểu hết nỗi đau quặn thắt của những người mẹ bất lực nhìn những đứa con mình lớn lên trong một thể xác không vẹn tròn.

Xoa dịu nỗi đau chiến tranh

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam là việc làm nhân đạo, là tiếng gọi lương tri và cũng là trách nhiệm của tất cả mọi người cùng chia sẻ với nỗi đau mà các nạn nhân da cam đang phải gánh chịu.

Từ khi thành lập đến nay, Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh Vĩnh Long đã trao hơn 90 căn nhà cho nạn nhân nghèo, khó khăn nhà ở.
Từ khi thành lập đến nay, Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh Vĩnh Long đã trao hơn 90 căn nhà cho nạn nhân nghèo, khó khăn nhà ở.

Trong căn nhà tường khang trang của ông Trần Văn Bé (68 tuổi, thương binh 4/4, ấp Hiếu Xuân Đông, xã Hiếu Thành- Vũng Liêm), con trai lớn của ông- anh Trần Trung Dũng (33 tuổi)- trong bộ đồ thể dục tươm tất, cười nói rổn rảng dù tay và chân trái đều rút lại: “Ở nhà đất chạy té lạch bạch. Ở nhà gạch không té, chân không dơ, không cần rửa hoài”. Sau đó, anh phóng chân đất, thoắt cái tới đống rơm tít sau hè khoe: “Đi rút rơm cho bò ăn, phụ cha phụ mẹ kiếm tiền cưới vợ”. Mẹ anh- bà Nguyễn Thị Hồng tâm sự: “Tui có 4 đứa con mà 2 đứa bị CĐDC, bị thiểu năng trí tuệ, ngoài 30 mà cứ ngơ ngơ như đứa trẻ vậy đó”.

Bà Hồng tâm sự: “Nhờ uống thuốc mà bệnh tình của tụi nó cũng đỡ hơn nhiều. Chứ mấy năm trước có tự chăm sóc được gì cho mình đâu. Hàng tháng, với số tiền hỗ trợ trên 6 triệu đồng của nạn nhân nhiễm CĐDC, cuộc sống đỡ vất vả hơn. Căn nhà cũng được ngân hàng (VietinBank) hỗ trợ 30 triệu để cất. Rồi bà con, anh em thương, cho mượn thêm cất nhà đàng hoàng để ở, mừng lắm”.

Đối với bà Huỳnh Thị Năm (ấp Kinh Mới, xã Mỹ Thuận- Bình Tân) thì có mơ bà cũng chưa dám mơ đến căn nhà kiên cố như hiện nay. Bà Năm được Tỉnh hội vận động các nhà hảo tâm xây cho ngôi nhà kiên cố. Một mình nuôi con, trong đó, có 1 con gái là Trần Kim Hà (40 tuổi) bị nhiễm CĐDC chỉ nằm một chỗ. Không đất sản xuất, ngày ngày bà đi làm thuê kiếm tiền nuôi con. Được nhà mới chắc chắn, bà Năm còn được các nhà hảo tâm cho mùng mền chiếu gối và hơn 3 triệu đồng. Bà Năm nói: “Thiệt tui biết ơn mấy cô chú, biết ơn Hội Nạn nhân CĐDC hết sức”.

Ông Phan Thanh Rạng- Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh Vĩnh Long cho biết: Công tác chăm sóc nạn nhân ngày càng mạnh mẽ, nhờ đó kịp thời hỗ trợ cho hàng ngàn đối tượng. Chỉ tính từ năm 2009 đến nay, các cấp hội đã vận động các tổ chức trong và ngoài tỉnh đóng góp trên 10 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở, quà tết, khám cấp thuốc miễn phí, thăm bệnh, hỗ trợ học bổng, vốn sản xuất, xe lăn, xe lắc,… cho nạn nhân khó khăn. Tỉnh hội xúc tiến thành lập một trung tâm nuôi dạy con em bị nhiễm CĐDC, đồng thời tiếp tục vận động hỗ trợ các gia đình được hưởng chính sách, nhà ở, kinh tế để giúp họ hòa nhập cộng đồng.

Tỉnh ủy Vĩnh Long xác định: khắc phục hậu quả CĐDC, chăm sóc giúp đỡ động viên nạn nhân CĐDC là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, của các cấp, các ngành, các tổ chức và mọi người dân. Qua đó, tỉnh chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền kêu gọi cộng đồng vận động, đóng góp thiết thực cho việc nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân bị nhiễm CĐDC, nhằm góp phần cùng với Đảng, Nhà nước và địa phương cùng chung tay xoa dịu nỗi đau cho các nạn nhân trên địa bàn tỉnh.

 

Bài, ảnh: QUYÊN HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh