Vợ chồng người đưa đò ngang bất đắc dĩ

07:01, 15/01/2015

Cuối năm học 2013- 2014, cầu Mướp Sát (xã Trung Hiệp- Vũng Liêm) nằm trên Đường tỉnh 907 được đơn vị thi công tháo dỡ để xây dựng lại cầu mới đạt chuẩn, khiến việc đi lại của người dân địa phương gặp không ít khó khăn. Thế là vợ chồng anh Mười tình nguyện làm người đưa đò.


Anh Mười Còi và cháu.

Cuối năm học 2013- 2014, cầu Mướp Sát (xã Trung Hiệp- Vũng Liêm) nằm trên Đường tỉnh 907 được đơn vị thi công tháo dỡ để xây dựng lại cầu mới đạt chuẩn, khiến việc đi lại của người dân địa phương gặp không ít khó khăn. Thế là vợ chồng anh Mười tình nguyện làm người đưa đò.

Vợ chồng anh Cao Văn Mười (Mười Còi, 58 tuổi)- chị Nguyễn Thị Trà (56 tuổi) cư ngụ ở ấp Mướp Sát có 2 đứa cháu cùng học ở trường này cũng chịu chung cảnh ngộ phải có ghe đưa rước qua sông mới đến được trường. Trong cảnh tình ấy, gia đình lại không có ghe, xuồng nên họ phải đến nhà ông sui mượn chiếc ghe cũ về đưa rước 2 cháu đi học.

Thấy 2 cháu của ông Mười hàng ngày đến trường có ghe đưa rước qua sông, mấy bạn cùng xóm và cùng học chung lớp đến hỏi có giang. Cứ như thế, càng ngày số lượng học sinh đi nhờ càng nhiều hơn; để rồi sau đó vợ chồng anh nông dân này trở thành người đưa đò ngang cho các em học sinh Trường THCS Lê Hữu Thanh. Cái sân nhà của đôi vợ chồng này cũng trở thành bãi đậu xe của số học sinh ấy. Cái đáng quý nhất ở vợ chồng anh Mười là cứ đưa rước chứ không nhận đồng tiền nào của các em.

Anh Mười tâm sự: “Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ lo cho mấy đứa cháu của mình thôi, nhưng sau đó mấy em, mấy cháu nó tới mình đưa rước luôn. Tuần lễ đầu thì mỗi ngày chỉ một lần đưa, một lần rước, nhưng sau đó cả sáng lẫn chiều, không biết đưa rước bao nhiêu lượt.

Hễ nghe bên kia sông có tiếng gọi: “Ông Mười ơi, bà Mười ơi” là tôi hoặc vợ tôi xuống ghe bơi liền qua rước. Mà học sinh trung học thì nhiều lớp, nhiều giờ học khác nhau nên có đứa về trước, có đứa về sau. Do vậy mà có khi vừa rước đứa này đến bên bờ thì bên kia lại gọi nữa, phải trở qua rước nó, mà trách nó sao được vì nó đâu có muốn”.

Hơn 10 ngày nay, đơn vị thi công cầu Mướp Sát mới cho người đi bộ qua lại. Những tưởng việc đến trường của học sinh từ đó sẽ thuận lợi hơn.

Nhưng do mặt cầu cao mà mặt đường đi bộ thấp nên các em rất khó khăn mới leo lên được mặt cầu, nhất là các em học sinh gái. Chứng kiến hình ảnh ấy, anh Mười mua đinh rồi tìm cây đóng cây thang thật chắc mang đến đặt để các em học sinh leo lên mặt cầu đến lớp.

Bí thư Đảng ủy xã Trung Hiệp Hồ Văn Nửa cho biết: “Việc làm trên đây của vợ chồng anh Mười, tôi có biết và có phân công anh em bên công an đến gia đình gặp anh Mười động viên, nhắc nhở vợ chồng anh chú ý an toàn khi đưa rước các em qua sông, đừng để việc làm tốt của mình mà để xảy ra điều không hay”.

Nói về vợ chồng anh Mười, Bí thư Đảng ủy xã- Hồ Văn Nửa cho biết thêm: “Vừa rồi để xây dựng hội trường, xã cần 198m2 đất của anh Mười để tiến hành xây dựng gấp cho kịp phục vụ đại hội đảng bộ nhiệm kỳ tới trong lúc ngân sách còn khó khăn.

Vậy mà khi được xã đặt vấn đề thì vợ chồng anh Mười đều vui vẻ nhận lời- giao đất trước nhận tiền bồi hoàn sau. Việc này đã qua mấy tháng rồi mà anh Mười vẫn chưa nhắc nhở với địa phương về việc bạc tiền phần đất ấy”.

Một cán bộ hưu trí ở ấp Mướp Sát tâm sự: “Ở ấp này khó tìm được người tốt, nhiệt tình lo việc xã hội như vợ chồng anh Mười. Hơn 4 tháng ròng rã bỏ công ăn việc làm của gia đình đưa rước cả trăm học sinh mỗi ngày mà không nhận của các em đồng bạc nào.

Ở gần nên tôi thấy hễ nghe các em kêu thì không chồng cũng vợ xuống ghe bơi qua rước ngay, nắng mưa gì cũng vậy. Còn giao đất cho xã xây dựng hội trường rồi mà cũng không đòi, không kêu ca gì về tiền bạc.

Với tinh thần vì lợi ích chung, vì tương lai học sinh, vợ chồng anh Cao Văn Mười xứng đáng được chính quyền địa phương và đoàn thể biểu dương, khen thưởng.

Bài, ảnh: TRỌNG DÂN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh