Hiện nay, có nhiều cách thức để giúp người nghèo tự vươn lên trong cuộc sống. Trong đó, kiểu hỗ trợ cho mượn bò đang được các tổ chức triển khai, xem đây là một mô hình góp phần tạo việc làm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo ở vùng nông thôn cải thiện đời sống.
Mô hình phù hợp chiến lược xóa đói giảm nghèo, giúp nông dân ở nông thôn cải thiện đời sống, từng bước tiếp cận được kiến thức chăn nuôi, hiểu biết hơn về thị trường.
Hiện nay, có nhiều cách thức để giúp người nghèo tự vươn lên trong cuộc sống. Trong đó, kiểu hỗ trợ cho mượn bò đang được các tổ chức triển khai, xem đây là một mô hình góp phần tạo việc làm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo ở vùng nông thôn cải thiện đời sống.
Trao cần câu thay vì xâu cá
Mới đây, 70 hộ nghèo và cận nghèo ở 3 xã Hòa Lộc, Hòa Hiệp (Tam Bình) và Vĩnh Xuân (Trà Ôn) được nhận bò giống. Đây là dự án do Sở Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với Trung tâm Công tác xã hội tỉnh vận động Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL (MHB) tài trợ.
Tổng kinh phí dự án trên 1,6 tỷ đồng, trong đó MHB tài trợ 1,54 tỷ đồng chi phí con giống và chi phí quản lý dự án. Theo hợp đồng tài trợ, trong thời gian 2 năm, sau khi bò giống sinh bê con khoảng 6 tháng tuổi hoặc dứt sữa mẹ sẽ chuyển giao bò mẹ cho hộ khác.
Anh Nguyễn Trọng Nghĩa (Ấp 7, xã Hòa Lộc) dắt con bò đánh số 5 ra về anh nói: “Nhận được con bò lai Xiêm này tài sản quá lớn đối với gia đình, tui phải cố gắng chăm sóc cho nó thật tốt”.
Ở cùng ấp, bác Nguyễn Văn Dứt cũng chia sẻ: “Tui và rất nhiều anh em ở đây là hộ nghèo, cận nghèo, quanh năm đi làm mướn, tới mùa thì vác lúa, theo máy gặt, hết mùa thì xịt thuốc, rải phân, ai mướn gì làm nấy. Được con bò, tui phải tận dụng khoảng đất trống để trồng cỏ, chăm sóc theo hướng dẫn của cán bộ thú y”.
Trước đó, Tổ chức Heifer Việt Nam phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh Vĩnh Long trao 150 con bò, giúp bà con có điều kiện làm ăn, vươn lên ổn định cuộc sống. Tổng kinh phí đợt trao trên 1,9 tỷ đồng được Tổ chức Heifer, UBND tỉnh Vĩnh Long và nguồn đối ứng từ cộng đồng hỗ trợ.
Ngoài nhận 1 con bò trị giá 13 triệu đồng, hộ tham gia dự án còn được hỗ trợ 1 triệu đồng làm chuồng, vắc xin và được tập huấn kỹ thuật nuôi… Chương trình thuộc dự án “Cải thiện sinh kế cho nông hộ nghèo tại tỉnh Vĩnh Long”, thực hiện từ năm 2013- 2018.
Hơn nữa, dự án “Ngân hàng bò- Chung sức cùng đồng bào các huyện nghèo xây dựng nông thôn mới” do Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh Vĩnh Long trực tiếp triển khai cùng phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị, Chi cục Thú y.
Dự án được thực hiện với mục tiêu hỗ trợ 240 con bò sinh sản giúp cho hộ nghèo trong giai đoạn 2013- 2015. Tính đến nay, các cấp Hội CTĐ trên địa bàn tỉnh đã vận động được 90 con bò sinh sản và trợ vốn cho hơn 200 hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống với hơn 1,1 tỷ đồng.
Đến tháng 10/2014, Hội CTĐ các cấp đã vận động trao được 2 con bò (xã Mỹ Lộc và Bình Ninh) trị giá 46 triệu đồng và tiền mặt gần 67 triệu đồng. Ở TP Vĩnh Long, do các hộ nghèo không có điều kiện chăn nuôi bò, Hội CTĐ đã vận dụng bằng cách vận động trợ giúp vốn từ 1 đến 2 triệu đồng cho hộ nghèo mua bán nhỏ, may gia công, phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, hội đã vận động hỗ trợ 134 đối tượng với số tiền gần 140 triệu đồng.
Để người nghèo tự chuyển mình
Chú Võ Văn Minh Hải (ấp Ngãi Hòa, xã Hòa Bình) cho biết, khoảng tháng 6/2012, các hộ nghèo ở xã đã nhận bò từ dự án do Đài THVL tài trợ, hộ có 1 đến 2 con giống. Đến nay, những con bò được chăm sóc tốt, cán bộ thú y theo dõi chặt chẽ. Chỉ có vài con bệnh, chết thì cũng cho cán bộ thú y hay, nhận bò lại không bắt mình hoàn vốn, 3 năm thì hoàn vốn lại.
Qua hơn 2,5 năm chăm sóc, tuy khi giao bò còn nhỏ, nhưng do có kinh nghiệm nên chú Hải cùng động viên các anh em trong xóm được hỗ trợ bò phải cố gắng chăm sóc, mới có thêm thu nhập, cùng xã vươn lên xây dựng nông thôn mới.
Với cách thức như kiểu cho mượn bò, chú Hải cho biết: “Việc hỗ trợ này rất hay, vì có lúc mình khổ dữ lắm, muốn nuôi con bò cũng không có tiền. Dự án này người dân phải ký kết và buộc anh em phải tự động cố gắng chăm sóc cho bò lớn nhanh. Tuy có nhiều con khi bắt về còn nhỏ quá, lúc đầu ai cũng sợ. Nhưng bây giờ, hầu như 90% gia đình nghèo nhận bò về đều cố gắng làm ăn, chăm sóc bò rất tốt”.
Gia đình anh Lê Minh Tuấn (ấp Bàu Xép, xã Tân An Luông- Vũng Liêm) trước đây là hộ nghèo, cuộc sống gia đình rất khó khăn. Thấy hoàn cảnh gia đình anh chị luôn thiếu trước hụt sau, Hội CTĐ xã vận động hỗ trợ cho gia đình căn nhà, kèm theo đó là cho mượn 1 con bò để anh chị có thêm điều kiện chăn nuôi, phát triển kinh tế.
Còn anh Nguyễn Văn Thành là hộ nghèo ở ấp An Hòa (xã Bình Ninh- Tam Bình) vừa được bàn giao con bò giống trị giá 20 triệu đồng, trong đó Hội CTĐ xã Bình Ninh vận động đóng góp 10 triệu đồng, còn lại 10 triệu trích từ nguồn quỹ Vì người nghèo ở địa phương.
Bà Trần Thị Tuyết Mai- Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Vĩnh Long cho biết: Cuộc vận động mới triển khai, với lại nguồn vận động khá cao nên trong lúc vận động cũng gặp khó khăn.
Để dự án Ngân hàng bò phát triển, Tỉnh hội cũng tiếp tục chỉ đạo CTĐ các cấp khảo sát hộ nghèo để vận động các tổ chức cá nhân, hỗ trợ họ bằng con bò để chăn nuôi. Nếu như nơi nào không có điều kiện chăn nuôi thì mình chuyển đổi mô hình, mục đích cuối cùng là làm sao tạo điều kiện cho hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình cải thiện đời sống”.
Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh) Trần Ngọc Chi cho biết, với nhiệm vụ tiếp tục tiếp nhận và chăm sóc người cao tuổi neo đơn, trẻ em mồ côi, người tàn tật, tâm thần, trung tâm đã có bổ sung thêm chức năng hoạt động thực hiện các hoạt động xã hội cộng đồng.
Qua đó, đã làm đầu mối thông qua các tổ chức để kết nối với địa phương, với thông điệp kết nối yêu thương chung tay vì cộng đồng. Trong năm qua, đã vận động được nhiều nguồn cho các địa phương. Đặc biệt, dự án cho mượn bò vận động MHB tài trợ không chỉ dừng lại 1 năm mà kéo dài về sau.
|
Bài, ảnh: TẤN ANH- THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin