Sự xâm nhập mặn bất thường

06:01, 25/01/2015

Vào giữa tháng 12/2014, độ mặn 2‰ (phần ngàn) đã xuất hiện trên sông Cổ Chiên, đoạn thuộc huyện Vũng Liêm, chưa từng thấy trong những năm trước đây và còn được dự báo lên cao hơn nữa vào đỉnh điểm của mùa khô năm 2014- 2015, tháng 3 và tháng 4/2015.


Thường xuyên kiểm tra công trình thủy lợi ở vùng Vũng Liêm, Trà Ôn để chủ động ngăn mặn, lấy nước tưới hợp lý.

Vào giữa tháng 12/2014, độ mặn 2‰ (phần ngàn) đã xuất hiện trên sông Cổ Chiên, đoạn thuộc huyện Vũng Liêm, chưa từng thấy trong những năm trước đây và còn được dự báo lên cao hơn nữa vào đỉnh điểm của mùa khô năm 2014- 2015, tháng 3 và tháng 4/2015.

Mặn xuất hiện sớm

Ngày 19/12/2014, độ mặn tại vàm Vũng Liêm (huyện Vũng Liêm) đo được là 2‰ tại cống Nàng Âm (xã Trung Thành Đông) đạt 3, 6‰.

So sánh với số liệu đo của Chi cục Thủy lợi từ năm 1995- 2014, độ mặn trên sông Cổ Chiên trong mùa khô năm nay xuất hiện rất sớm, sớm hơn mọi năm 2- 3 tháng; cụ thể: mùa khô năm 2012- 2013, độ mặn 2‰ xuất hiện vào tháng 2/2013, mùa khô năm 2013- 2014 xuất hiện vào tháng 3/2014.

Tiếp sau đó, từ ngày 15/1 đến ngày 19/1/2015, độ mặn phía sông Cổ Chiên bất ngờ lên cao, vượt độ mặn cao nhất năm 2014 và xấp xỉ độ mặn cao nhất mùa khô năm 2012- 2013 (năm cao nhất trong vòng nhiều năm).

Theo số liệu của Xí nghiệp Thủy nông huyện Càng Long (tỉnh Trà Vinh), độ mặn tại cống Cái Hóp (xã Đức Mỹ, huyện Càng Long- Trà Vinh), giáp ranh huyện Vũng Liêm dao động từ 2,1- 7,4‰, lên mức cao nhất là 7,4‰ vào lúc 14 giờ, ngày 18/1 (vượt độ mặn cao nhất năm 2014: 1,9‰, xấp xỉ độ mặn cao nhất năm 2013).

Còn tại Vũng Liêm, theo Phòng Nông nghiệp và PTNT, lúc 15 giờ ngày 18/1, độ mặn tại cống Nàng Âm (xã Trung Thành Đông) đạt mức cao nhất là 5‰ (vượt năm 2014: 2,9‰, thấp hơn năm 2013: 1‰), tại vàm Vũng Liêm là 4,2‰ (vượt năm 2014: 2,8‰, thấp hơn năm 2013: 1‰).

Theo chúng tôi, yếu tố làm độ mặn phía sông Cổ Chiên tăng cao vừa qua là lượng dòng chảy từ thượng nguồn về sụt giảm nhanh, gió chướng (gió Đông) hoạt động rất mạnh và ảnh hưởng của kỳ triều cao 30/11 âm lịch, làm cho mực nước sông chính đã dâng cao thêm, dẫn tới độ mặn gia tăng theo.

Nhờ nhận được thông báo mặn thường xuyên từ Xí nghiệp Thủy nông huyện Càng Long (Trà Vinh), Phòng Nông nghiệp và PTNT Vũng Liêm đã nhanh chóng triển khai đo mặn trên địa bàn huyện, kịp thời đóng cống Nàng Âm và thông báo đến các xã đóng các cống dọc theo sông Cổ Chiên khi độ mặn trên 2‰, nên khu vực sau cống ngăn được nước mặn xâm nhập vào.

Tuy nhiên nước mặn 5‰ đã vào vàm Vũng Liêm, theo các kinh, rạch chi lưu của nó như kinh Trung Thành- Trung Trạch, rạch Lá, rạch Sâu, rạch Đôn, rạch Mây Phốp,… thâm nhập vào nội đồng. Nước mặn đã ảnh hưởng một phần đến nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong huyện.

Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, độ mặn cao nhất năm nay ở vùng ven biển ĐBSCL sẽ rơi vào đầu tháng 2 đến đầu tháng 4/2015. Trên sông Tiền, sông Hậu, độ mặn 4‰ có thể xâm nhập sâu khoảng 40- 50km tính từ cửa sông, vùng hạ nguồn của Vĩnh Long (Vũng Liêm, Trà Ôn) còn chịu ảnh hưởng vài đợt mặn lên cao nữa.

Nắm vững quy luật để tránh nước mặn...

Những nghiên cứu gần đây của các cơ quan chuyên môn cho thấy, ở vùng ven biển ĐBSCL, hàng năm độ mặn trên các sông chính cao nhất vào cuối mùa kiệt, thường là vào tháng 4, đôi khi đầu tháng 5 với năm mưa muộn. Những ngày triều cường thì độ mặn cao hơn những ngày triều kém. Độ mặn lớn nhất vào lúc đỉnh triều cao nhất và đỉnh triều thấp nhất.

Gió chướng càng hoạt động mạnh thì độ mặn càng cao và lấn sâu vào đất liền hơn. Sự truyền nước mặn từ biển vào các sông chính trong vùng, hiện tượng khuyết tán đóng vai trò quan trọng trong việc đưa mặn lên cao hơn và tỏa ra toàn mặt cắt sông.

Về lý thuyết, nếu dòng chảy êm, mặn sẽ ít bị xáo trộn lẫn mà tại thành “nêm mặn” (ranh giới nước mặn- nước ngọt) theo dòng triều. Lúc này độ mặn trên một mặt cắt của dòng sông sẽ bị phân hóa rõ rệt giữa mặt trên và mặt dưới sâu, giữa dòng sông và hai bờ.

Dựa vào tính chất này, có nơi thiết kế các cửa cống hai ngăn để “hớt” nước ngọt trên mặn để tưới. Nhưng thực tế, rất khó để “hớt” nước ngọt vì hầu hết thời gian trong năm, mặn bị xáo trộn lẫn ở mức độ khác nhau, đặc biệt trong mùa kiệt, độ mặn mặt và đáy sông gần như bằng nhau trong suốt quá trình triều.

Để ngăn mặn xâm nhập, xây dựng công trình thủy lợi là biện pháp cơ bản. Việc vận hành công trình thủy lợi và công trình cấp nước sinh hoạt trong thời gian mặn lên cao cần tuân theo quy trình vận hành và dựa vào quy luật truyền mặn nêu trên để vừa ngăn, tránh được mặn, đồng thời có thể khai thác nguồn nước ngọt tại chỗ và ở thượng lưu.

Tuy nhiên, hộ gia đình, các cơ sở sản xuất có sử dụng nguồn nước nhiễm mặn nếu có nhu cầu nên tự trang bị máy đo mặn để đo mặn trước khi sử dụng nguồn nước theo tiêu chuẩn cấp nước được khuyến cáo áp dụng cho cây trồng, vật nuôi và nước sinh hoạt như:
 
nước sông, rạch cấp cho người, gia súc có độ mặn không lớn hơn 0,4‰, tưới cho lúa ở giai đoạn mạ không quá 1‰, không quá 4‰ cho lúa ở giai đoạn sinh trưởng. Tiêu chuẩn này đối với rau màu càng thấp hơn. Thủy sản nước ngọt có thể chịu độ mặn cao hơn 4‰.

Theo Cục Trồng trọt, mục tiêu chung trong chống mặn xâm nhập ruộng lúa là giảm nồng độ mặn trên các kinh, rạch xuống dưới 1,5‰. Lưu ý, đối với lúa, vào những ngày mặn lên cao (nhưng dưới 4‰) nếu cần lấy nước tưới thì lấy nước vào ruộng và xả nước ra liên tục nhưng không được giữ nước trong ruộng quá lâu vì sẽ làm tăng độ mặn cho đất.
 
Đối với rau màu, cây ăn trái, đặc biệt là cây ăn trái mới ra hoa và ra đọt non, cách tốt nhất là lấy nước ngọt trữ trong ao hồ mương vũng để tưới, tạm thời tưới cho cây trồng trong những ngày độ mặn xấp xỉ 2‰.
 
Đối với cấp nước cho người và gia súc, cách tốt nhất là dùng nước mưa, nước trữ trong ao hồ ở mùa trước, nước cấp từ nhà máy nước tập trung, kiểm tra độ mặn trên sông, rạch trong vùng khi dưới 0,4‰ mới đun nấu.

Số liệu quan trắc độ mặn của Chi cục Thủy lợi ở Vũng Liêm, Trà Ôn trong những năm qua cho thấy: Khi độ mặn sông Cổ Chiên, sông Hậu lên mức 5‰ thì sông, rạch ở vùng nội đồng xa 2 sông lớn này như tại xã Hựu Thành (Trà Ôn) trên kinh Trà Ngoa nhỏ hơn hoặc xấp xỉ 1‰, có thể lấy nước ở sông, rạch phục vụ sản xuất, sinh hoạt
.

Bài, ảnh: HÀ THÀNH THẶNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh