Nỗ lực tạo việc làm mới

06:01, 16/01/2015

Năm 2014, ngành lao động (LĐ) Vĩnh Long nỗ lực đào tạo nghề, giải quyết việc làm; thực hiện tốt các chương trình đào tạo nghề cho LĐ nông thôn, vay vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm, hỗ trợ đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài,...


Năm 2015, tỉnh phân bổ nguồn vốn vay tạo việc làm mới thông qua các dự án quốc gia giải quyết việc làm và các nguồn vốn tín dụng khác.

Năm 2014, ngành lao động (LĐ) Vĩnh Long nỗ lực đào tạo nghề, giải quyết việc làm; thực hiện tốt các chương trình đào tạo nghề cho LĐ nông thôn, vay vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm, hỗ trợ đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài,...

Qua đó, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần ổn định kinh tế, an sinh xã hội, tạo đà sang năm mới ngành LĐ sẽ khởi sắc hơn.

Tạo việc làm mới cho trên 28.600 LĐ

Một trong những điểm nhấn của giải quyết việc làm thời gian qua là hoạt động hiệu quả của sàn giao dịch việc làm. Là cầu nối “người tìm việc, việc tìm người”, trong năm 2014, có trên 5.200 người đăng ký tìm việc, có 404 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng, với số lượng cần tuyển dụng khoảng 29.000 LĐ; tư vấn giới thiệu việc làm trực tiếp cho 673 LĐ.

Qua khảo sát tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thanh lưu ý cần phát huy tối đa lợi thế của sàn giao dịch việc làm; tiếp tục liên kết với các doanh nghiệp, các trường; nghiên cứu mở rộng thị trường LĐ, khai thác tốt các chính sách, các nguồn vốn hỗ trợ LĐ trong học nghề, xuất khẩu LĐ…

Những năm qua, công tác dạy nghề cho LĐ nông thôn được tăng cường thực hiện nhằm giúp người dân có việc làm, tăng thêm thu nhập. Trong năm, tỉnh mở được 452 lớp dạy nghề cho LĐ nông thôn, đào tạo nghề cho gần 14.300 LĐ, đạt 101,31%.

Qua đó, giúp người nghèo giải quyết khó khăn về vốn, phương tiện sản xuất, đầu tư máy móc thiết bị, mở rộng sản xuất, kinh doanh và cải thiện thu nhập...
 
Gia đình chị Lê Kim Hồng (xã Long An- Long Hồ) sống chủ yếu từ nghề phụ hồ của chồng. Nhờ được đào tạo nghề thủ công, chị Hồng đã có việc làm, có thu nhập thường xuyên. Từ đó, gia đình chị đã từng bước vượt qua khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Bé Tư (xã Vĩnh Xuân- Trà Ôn) với nghề chạy xe ôm, vợ ông lãnh hàng đan dây nhựa về nhà làm cũng trang trải được chi phí sinh hoạt hàng ngày. Ngoài chăn nuôi bò từ nguồn vốn vay giảm nghèo, ông Bé Tư và một số nông dân trong ấp đang theo học lớp dạy nghề chăn nuôi do Trung tâm Dạy nghề giới thiệu việc làm huyện Trà Ôn phối hợp tổ chức.

Trung tâm dạy nghề cũng huy động được nguồn hỗ trợ gà giống để học viên chăn nuôi thử nghiệm…Với kiến thức học được, ông Bé Tư rất phấn khởi, dự tính sẽ cùng với nhiều hộ nông dân khác mở rộng mô hình chăn nuôi này trong thời gian tới để nâng cao đời sống, thoát nghèo bền vững.

Thời gian qua, Vĩnh Long xác định các hội, đoàn thể làm nòng cốt trong công tác vận động, làm chuyển biến nhận thức của hội viên, đoàn viên đến hộ dân, người lao động về vai trò của dạy nghề, học nghề gắn với việc làm để giảm nghèo bền vững.
 
Các huyện- thị- thành chủ động khảo sát lại nhu cầu của người học nghề, xây dựng kế hoạch ngành nghề đào tạo, số lượng phù hợp với định hướng phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Đồng thời, tỉnh khuyến khích nhân rộng các mô hình dạy nghề nông nghiệp, nâng cao kiến thức cho hộ nông dân ứng dụng vào sản xuất, kết hợp với các mô hình dạy nghề phi nông nghiệp, gắn với hoạt động của hợp tác xã, làng nghề như: dạy nghề đan đát, xe lõi cói gắn với làng nghề sản xuất và sơ chế cói xã Thanh Bình, Quới Thiện; dạy nghề trồng và sơ chế nấm rơm gắn với làng nghề sản xuất nấm rơm xã Trung Thành (Vũng Liêm); dạy nghề tạo hình sản phẩm gốm gắn với làng nghề gốm đỏ xã Mỹ An (Mang Thít),...

Nhiều giải pháp tạo việc làm cho người LĐ

Thời gian qua, công tác xuất khẩu LĐ của tỉnh Vĩnh Long đem lại nhiều lợi ích tích cực về mặt kinh tế- xã hội qua các hình thức như tu nghiệp, hợp tác LĐ, LĐ đi làm việc nước ngoài được đào tạo tốt về các kỹ năng, góp phần nâng cao tay nghề, có tác phong LĐ, cải thiện thu nhập. Việc xuất khẩu LĐ được xem là giải pháp thoát nghèo hiệu quả.

Trong năm 2015, Vĩnh Long phấn đấu tạo việc làm cho 27.000 LĐ, trong đó có 500 người đi xuất khẩu LĐ.


Dạy nghề, giải quyết việc làm cho người lao động để giảm nghèo bền vững.

Để đẩy mạnh công tác xuất khẩu LĐ, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp xuất khẩu LĐ, tranh thủ nhu cầu tuyển LĐ xuất khẩu phù hợp với trình độ, đặc điểm của LĐ tỉnh nhà.
 
Có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho các DN đủ điều kiện trực tiếp tuyển chọn và đưa LĐ đi làm việc nước ngoài; đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ LĐ đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng; có kế hoạch sử dụng LĐ sau khi đi xuất khẩu LĐ trở về nước.

Ông Lê Quang Đạo- Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, trong năm 2015 tỉnh triển khai đầy đủ và kịp thời các chính sách của Nhà nước về LĐ- việc làm, phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường LĐ; nâng cao chất lượng dự báo và thông tin thị trường LĐ; tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm; đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm; tiếp tục phát huy và nâng cao năng lực hoạt động của sàn giao dịch việc làm, góp phần tích cực trong việc kết nối cung- cầu LĐ.

Song song đó, cập nhật tình hình biến động LĐ trong quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và tình hình các doanh nghiệp gặp khó khăn phải giảm quy mô, ngừng sản xuất, phá sản,… để kịp thời đề xuất giải pháp xử lý những vấn đề phát sinh; thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Tỉnh phân bổ nguồn vốn vay theo khả năng tạo việc làm mới thông qua các dự án quốc gia giải quyết việc làm và các nguồn vốn tín dụng khác, ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn để mở rộng ngành nghề, sản xuất hiệu quả cao, nhất là ở các vùng đồng bào dân tộc, vùng khó khăn, nơi có diện tích đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn.

Đồng thời, tăng cường tạo quan hệ với các đối tác tạo đầu ra cho xuất khẩu LĐ; đẩy mạnh đào tạo nghề tạo nguồn cho xuất khẩu LĐ.

Năm 2014, Vĩnh Long tạo việc làm mới cho 28.648 LĐ, đạt 108,10%; đào tạo nghề cho trên 35.800 người, đạt 101,08% kế hoạch năm, chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề được nâng lên. Góp phần nâng tỷ lệ LĐ có chuyên môn kỹ thuật của tỉnh đạt 50,05%, trong đó LĐ qua đào tạo nghề đạt 32,13%. Các cơ sở dạy nghề đã tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dạy nghề theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ, góp phần đưa tỷ lệ LĐ sau đào tạo nghề có việc làm đạt: 79,85%.


Bài,ảnh: MAI ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh