Theo thống kê, trung bình mỗi năm, cả nước xảy ra từ 130.000- 150.000 vụ tai nạn thương tích (TNTT) ở trẻ em. Trong số những nguyên nhân gây TNTT ở trẻ em thì chết đuối là nguyên nhân đứng hàng đầu.
Theo thống kê, trung bình mỗi năm, cả nước xảy ra từ 130.000- 150.000 vụ tai nạn thương tích (TNTT) ở trẻ em. Trong số những nguyên nhân gây TNTT ở trẻ em thì chết đuối là nguyên nhân đứng hàng đầu.
Điều đáng nói là tai nạn xảy ra ở trẻ lại do lỗi bất cẩn ở người lớn. Chỉ vì một phút lơ là của người nhà đã kéo theo nhiều tai nạn đau lòng.
Cô Lê Thị Thủy (xã Tân Mỹ- Trà Ôn) cho biết: Vì sơ ý quên trông chừng để cháu ngoại ra sông mò ốc, bị trợt chân gần ống bộng sâu. May mà phát hiện cấp cứu kịp thời.
Theo Phòng Chăm sóc bảo vệ trẻ em thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh, đuối nước được cho là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Năm 2014, có 863 em bị TNTT, chiếm tỷ lệ 0,4%.
Phần đông số trẻ tử vong đều dưới 6 tuổi và tập trung vào các gia đình khó khăn vùng nông thôn, cha mẹ đi làm ăn, thiếu sự quan tâm. Một số do các em hiếu động rủ nhau đi chơi, tắm sông, một số khác do các em phải lặn lội mưu sinh sớm,...
Điều đáng lo ngại là tuy số vụ TNTT do bị đuối nước không nhiều nhưng lại là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em với 22 trường hợp.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nhưng phần lớn chủ yếu vẫn là do sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh, chưa giám sát chặt chẽ con trẻ hoặc thiếu người trông coi, chăm sóc, để trẻ tự do đi lại.
Bên cạnh đó, với điều kiện tự nhiên là hệ thống ao hồ, kinh rạch chằng chịt trở thành môi trường không an toàn cho trẻ nhỏ. Ngay cả những dụng cụ chứa nước trong gia đình như lu, khạp chứa nước… không có nắp đậy cũng là nguyên nhân gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Chỉ một vài giây sơ sẩy của người lớn là trẻ em có thể bị ngạt và chết đuối chỉ sau 2 phút rơi xuống nước.
Nhiều TNTT nghiêm trọng có thể phòng tránh được nếu ba mẹ và người chăm sóc trẻ cẩn thận. Trong rất nhiều tình huống trẻ gặp nạn thì tai nạn trong khi tham giao thông dễ gây nguy hiểm đến tính mạng của bé nhất.
Chị Lê Thị Bích Trâm (Phường 1- TP Vĩnh Long) bức xúc: “Khi chạy xe trên đường, tôi cảm thấy rất giận trước hình ảnh người lớn “nách” con 1 bên, 1 tay chạy xe.
Rồi có người để con ngồi phía sau không đội nón bảo hiểm, chở 2- 3 đứa trẻ phía sau xe máy hay cho trẻ ngồi ngay phía trước tay lái mà không sử dụng bất cứ dụng cụ hỗ trợ an toàn nào.
Điều này khiến cha mẹ vô tình đặt con vào nguy hiểm, phó mặc tính mạng cũng như sự an toàn của trẻ cho chính đứa trẻ”. Người lớn phóng nhanh nên khi thắng gấp thì trẻ hay bị văng về phía trước hay đập đầu vào đầu xe gây thương tích có thể nặng hoặc nhẹ.
Có người để con mình ngồi phía trước xe gắn máy. Xe đã nổ máy nhưng họ lại quên cái gì đó nên quay vào nhà và để bé ngồi trên xe mà quên tắt máy xe. Bé thấy ba hay vặn tay ga nên cũng bắt chước làm theo và kết quả là xe lao vào tường nhà, bé văng khỏi xe và bị gãy tay, xây xát tay chân và mặt.
Thời gian qua, Vĩnh Long tổ chức nhiều lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ để phòng tránh đuối nước.
Nhiều bậc phụ huynh thản nhiên cho rằng việc mình để con ngồi sau kèm theo lời nhắc nhở “con ngồi im”; “ôm chặt lấy mẹ”; “không được ngủ gật”... là trẻ sẽ nghe lời và không thể gặp sự cố gì. Song, con trẻ trong độ tuổi từ 2 đến 6 tuổi không đủ khả năng để ngồi một mình ở phía sau. Vì ở độ tuổi này, trẻ thường hiếu động, không chịu ngồi yên, dễ mất tập trung, dễ ngủ gật... khi ngồi trên xe máy.
Điều này làm nảy sinh sự cố tai nạn khi cha mẹ tăng ga, trẻ giật mình bởi tác động ngoại cảnh. Và khi bị va quẹt, bé rất có thể bị văng ra và ngã xuống đường, gây nguy hiểm tới tính mạng. Vì thế, trong quá trình cùng con tham gia giao thông, cha mẹ phải hết sức lưu ý an toàn cho trẻ nhỏ.
Vào siêu thị, chúng ta thường gặp hình ảnh phụ huynh để con nhỏ ngồi trên xe đẩy mua hàng mà không biết đó cũng là nguyên nhân có thể gây TNTT cho con mình.
Chị Phạm Thanh Thảo (Phường 2- TP Vĩnh Long) kể: “Tối qua, tôi đi siêu thị, nghe tiếng khóc của bé gái thì thấy bà mẹ trẻ và 2 người đàn ông phụ giúp bởi một chân của bé gái chừng hơn 1 tuổi bị kẹt cứng. Loay hoay một hồi mới kéo chân của bé ra. Dù không trầy xước nhưng bàn chân bé bỏng đó bị ửng đỏ và mặt bé thì tèm lem nước mắt khóc vì đau”.
Nhiều bậc phụ huynh lại lơ là khi đi siêu thị, trong khi trẻ lại rất bị thu hút với những mối nguy hiểm tiềm tàng như những kệ bánh kẹo nhiều màu sắc, có thể gây chấn thương nghiêm trọng.
Những lúc bạn mải chọn hàng, bạn nên đặt bé ra khỏi xe đẩy, đừng để bé một mình trên xe đẩy bởi chỉ một phút bạn rời mắt khỏi bé, bé cũng có thể bị ngã. Không chỉ xe đẩy hàng mà cả các thang cuốn ở siêu thị, trung tâm mua sắm cũng có thể gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, chấn thương sọ não ở trẻ em thường do bất cẩn trong sinh hoạt (chiếm 60% trường hợp). Thường gặp nhất là té cầu thang, té giường, té võng hay do người lớn bồng ẵm tuột tay. Các lý do tiếp theo là té xe đạp, tai nạn giao thông, vật nặng va đập trúng đầu. Chấn thương sọ não thường gặp ở bé trai nhiều hơn bé gái do hiếu động hơn, đa số ở lứa tuổi 1- 6. Trẻ càng nhỏ càng dễ bị chấn thương sọ não do phần đầu còn to và nặng, thường rơi xuống trước, các bé lại chưa có khả năng điều chỉnh tư thế cân bằng khi ngã. Để tránh những hậu quả nghiêm trọng do chấn thương sọ não gây ra, các bậc phụ huynh có con nhỏ lưu ý, cần trông nom cẩn thận khi trẻ mới biết bò, biết đi. Giường nằm của trẻ cần có tấm chắn, dưới chân giường trải nệm để nếu ngã trẻ đỡ bị chấn động. Không để trẻ tự ý leo lên gác cao, cửa sổ đang mở hoặc lần bước xuống thang gác. Khi xảy ra chấn thương ở đầu cần cho trẻ đi khám ngay. Nếu bác sĩ cho về nhà, trẻ vẫn phải được theo dõi sát theo hướng dẫn trong vòng một tuần.
|
Bài, ảnh: MAI ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin