Thời gian qua, việc lấn chiếm lòng- lề đường, vỉa hè không chỉ làm đô thị kém mỹ quan mà còn ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Việc sắp xếp, loại bỏ tình trạng này đang được ngành chức năng đặc biệt quan tâm và triển khai xử lý quyết liệt.
Thời gian qua, việc lấn chiếm lòng- lề đường, vỉa hè không chỉ làm đô thị kém mỹ quan mà còn ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Việc sắp xếp, loại bỏ tình trạng này đang được ngành chức năng đặc biệt quan tâm và triển khai xử lý quyết liệt.
Ra quân kiểm tra các tuyến đường thường xuyên vi phạm.
Vi phạm ngày càng phức tạp
Lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè là hành vi vi phạm mà hầu như người bán hàng nào cũng biết, nhưng họ vẫn cố tình. Đường, vỉa hè vốn nhỏ hẹp nay lại còn chật hẹp hơn bởi sự lấn chiếm của không ít tiểu thương.
Người vài bó rau, người vài ký mận, vài con cá… Điểm nóng thường xuyên xảy ra vi phạm như đường 1 Tháng 5, Nguyễn Văn Nhã, 3 Tháng 2, Nguyễn Thị Minh Khai (Phường 1), chợ Công Xi (Phường 3), đường Nguyễn Huệ (Phường 2), đường Phạm Thái Bường, Trần Đại Nghĩa (Phường 4), đường Phạm Hùng (Phường 9)…
Hoàn thành không bao lâu, bờ kè Phường 2 đã “ngầm” trở thành điểm hẹn cuối ngày của nhiều người. Khi có lực lượng chức năng đến thì những thực khách này cầm ly đứng dậy, chủ các quán nước nhốn nháo xếp bàn ghế giấu vào bên trong.
Lực lượng chức năng đi khỏi, họ lại bày bàn ghế ra và các bạn trẻ lại tiếp tục ngồi xuống, tiếp tục ăn uống. Tương tự, 7 giờ sáng, khi có báo động về lực lượng kiểm tra là chủ 4- 5 xe đẩy hàng ăn sáng trước cổng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (đường Nguyễn Huệ- Phường 2) lại bỏ dở việc bán, ráo riết đẩy xe tìm chỗ trốn.
Anh Trần Minh Trung (Phường 2) kể: “Hôm trước, ngồi ngoài trời ăn sáng cho mát, ai dè chưa ăn, đội kiểm tra trật tự đô thị tới là chủ quán nháo nhào dọn bàn ghế, đang ngồi mà phải bưng tô chạy trốn theo”. Lộn xộn nhất phải kể đến tuyến đường 1 Tháng 5, chợ Vĩnh Long.
Tầm hơn 4 giờ chiều nếu không có kiểm tra thì con lộ đã bị chiếm làm nơi buôn bán hơn một nửa. Buổi tối nhiều đoạn đường bị chiếm làm chỗ nhậu, nơi ăn uống, người đi bộ phải đi dưới lòng đường.
Anh Trần Kiến Thức- Đội Phó Đội Kiểm tra trật tự đô thị: Thời gian qua, đội đã tăng cường kiểm tra, xử lý việc bán hàng rong, bày bán trên lòng đường, lấn chiếm vỉa hè; sửa, rửa xe làm dơ bẩn, hư hỏng vỉa hè và các hành vi khác xâm hại đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xử lý nghiêm các loại phương tiện dừng đậu đỗ không đúng nơi quy định…
Tuy nhiên, tình trạng tái vi phạm diễn ra khá nhiều và phức tạp. Nhiều nhất là Phường 1, bờ kè Phường 2. Khi thấy lực lượng kiểm tra là họ giấu vào trong, xong lại bày ra bán tiếp.
Tình trạng này còn xảy ra ở nhiều khu vực đô thị trong tỉnh. Ông Nguyễn Văn Thiên- Phó Trưởng Phòng Quản lý đô thị TX Bình Minh cho biết:
Dù đã có nhiều nỗ lực thực hiện giải tỏa kịp thời những hành vi vi phạm tái lấn chiếm trong hành lang an toàn giao thông đường bộ nhưng một số hộ dân chưa thông hiểu hoặc cố tình vi phạm tái lấn chiếm nhiều, đa số các tiểu thương trên các khu vực chợ cố tình che chắn, lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường để buôn bán làm ảnh hưởng lớn đến trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Cần có giải pháp lâu dài
Để trị “căn bệnh” lấn chiếm vỉa hè làm mất mỹ quan đô thị, cản trở giao thông, các ngành chức năng đã nhiều lần ra quân rầm rộ, xử phạt các hộ kinh doanh, thu giữ phương tiện hành nghề buôn bán nhỏ, hàng rong… Thế nhưng, giống như “bắt cóc bỏ dĩa”, chỉ cần chính quyền địa phương lơ là, giảm tần suất kiểm tra là vỉa hè lại bị chiếm dụng ngay lập tức.
Đường 1 Tháng 5 rất ít khi thông thoáng nếu không được kiểm tra.
Theo Đội Kiểm tra trật tự đô thị, nhiều hộ kinh doanh không chịu nộp phạt, việc xử phạt những đối tượng buôn thúng bán bưng- những người nhập cư, người nghèo là rất khó.
Đa phần họ “bỏ của chạy lấy người” khi tang vật có giá trị thấp hơn mức xử phạt và tiếp tục chạy đến địa bàn khác tìm mọi cách bám vỉa hè để mưu sinh. Với lực lượng mỏng, tiểu thương tự phát sinh buôn bán ngày càng nhiều khiến việc kiểm tra càng trở nên khó khăn.
Tình trạng vỉa hè ở khắp các tuyến đường lớn nhỏ của thành phố bị lấn chiếm được ví như “bộ phim” dài tập lẩn quẩn: bán- kiểm tra- trốn- bán.
Nơi nào chính quyền địa phương quan tâm, mạnh tay xử lý thì nạn lấn chiếm giảm bớt, còn nếu lơ là, buông lỏng quản lý thì tình trạng này vẫn diễn ra bình thường.
Hiện nay, mức xử phạt hành vi kinh doanh lấn chiếm lòng, lề đường theo quy định đã được tăng lên đối với những trường hợp tái vi phạm, tuy nhiên vi phạm lại không giảm. Do đó, ngành chức năng cần có biện pháp giáo dục, xử phạt mạnh tay hơn.
Nếu họ thật sự có nhu cầu buôn bán để mưu sinh thì chính quyền địa phương cần có quy hoạch phù hợp, sắp xếp chỗ buôn bán ổn định, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông và giữ gìn mỹ quan đô thị.
Bên cạnh đó, người dân cũng phải tự ý thức về việc giữ gìn mỹ quan đô thị, an toàn giao thông. Buôn bán, tìm kế mưu sinh hợp pháp là điều không ai cấm song phải tuân thủ pháp luật. Giữ cho hè, đường sạch sẽ, thông thoáng là nhiệm vụ, trách nhiệm chung của mỗi người.
Anh Trần Kiến Thức
|
Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin